Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững: Cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều kết quả tích cực, bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ rệt.

Tại Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về công nghiệp hoá, hiện đại hoá với chủ đề chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.

Theo Thủ tướng, cuộc CMCN lần thứ tư, trong đó có chuyển đổi số và tăng trưởng xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trên các lĩnh vực với những khía cạnh chủ yếu.

Thứ nhất, thế giới được số hóa, kết nối số mọi lúc, mọi nơi, kết hợp thế giới thực với thế giới ảo. Do đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ diễn ra cả trong môi trường thực và môi trường ảo (vì vậy, chuyển đổi số là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết của các cấp, các ngành và toàn xã hội).

Thứ hai, CMCN lần thứ tư có quy mô và tốc độ phát triển chưa có tiền lệ, làm thay đổi lực lượng sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa sang giai đoạn mới: Thâm dụng tri thức và đột phá đổi mới sáng tạo; mở ra nhiều cơ hội cho chúng ta "bắt kịp", "đi cùng" và "vượt lên" ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Thứ ba, CMCN lần thứ tư có phạm vi tác động bao trùm, toàn diện, hình thành các quan hệ sản xuất mới, các mô hình kinh doanh mới, tạo sự chuyển dịch các dòng vốn, công nghệ, lao động, nhất là chuyển đổi xanh-phát triển bền vững; thúc đẩy xã hội hóa, quốc tế hóa cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đòi hỏi công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi nước phải đặt trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng cho biết, vừa qua, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, đó là, thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện. Chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều kết quả tích cực, bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ rệt. Với gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu làm nền tảng để triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số tiếp tục được thúc đẩy triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng chính phủ số.

Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và nhiều khuyến nghị chính sách, giải pháp của các chuyên gia, nhà quản lý trong nước, quốc tế tại Diễn đàn, Thủ tướng chia sẻ thêm:

Một là, bám sát các yêu cầu của Nghị quyết 29, Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị để thực hiện cho được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH), nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ba là, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường.

Bốn là, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Năm là, đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy CNH, HĐH đất nước.

Sáu là, tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tạo động lực cho đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước

Bảy là, nhanh chóng thể chế hóa quan điểm nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong thực hiện CNH, HĐH đất nước.

Tám là, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Là nền kinh tế phát triển năng động, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Cũng theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH… Việt Nam với rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ CMCN lần thứ tư. Đó là, có cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo; hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh; cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện.

“Vì vậy, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực sự là cơ cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Tôi đề nghị, sau Diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm và hành động cụ thể để tiếp tục phấn đấu và đạt được những bước tiến mới góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Tin bài liên quan