Ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE

Ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE

Chuyên gia DNSE: Môi trường lãi suất thấp sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán sôi động trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Môi trường lãi suất thấp đang là yếu tố hỗ trợ tích cực đối với thị trường chứng khoán. Theo ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE, chưa có tín hiệu lãi suất sẽ đảo chiều năm 2024.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 5/3, ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE cho biết, sự sôi động của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây có được nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố.

Đối với các yếu tố bên ngoài, thị trường toàn cầu đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong năm 2024, có thể vào khoảng tháng 5. Về yếu tố nội tại của nền kinh tế, thị trường đã chứng kiến nền tảng kinh tế vĩ mô có sự phục hồi rõ nét từ tất cả các cấu phần chính của nền kinh tế, từ cấu phần sản xuất công nghiệp, khu vực sản xuất cho tới nhóm FDI và xuất nhập khẩu.

Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức

Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức

“Nhìn rõ hơn vào con số quý III - IV/2023 và 2 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng trưởng lần lượt khoảng 6% và hơn 8%. Ngoài ra, FDI trong 2 tháng đầu năm có mức tăng trưởng hơn 38%. Đặc biệt, nhìn từ năm ngoái thì động lực tăng trưởng cuối cùng của GDP chính là xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy sự phục hồi của nội tại nền kinh tế Việt Nam đã ở mức tăng trưởng rõ nét và phản ánh qua các con số vĩ mô”, ông Hòa cho biết.

Về mặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, dù năm 2024 áp lực lên lạm phát là có, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái rất tích cực ngay từ đầu năm như cung cấp định mức tín dụng 15% cho các ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế năm 2024, từ đó tác động tích cực lên thị trường chứng khoán trong năm nay.

Chia sẻ cụ thể hơn câu chuyện lãi suất, ông Hòa cho biết, bài toán lãi suất liên quan tới triển vọng lạm phát 2024 như thế nào. Mặc dù năm 2024, Việt Nam có dự định tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, bao gồm việc tăng lương cơ bản, tăng giá điện hay giá y tế…, nhưng theo tính toán của NHNN và DNSE dự báo lạm phát của năm 2024 vẫn ở dưới mức mục tiêu của chính phủ, tức là dưới mức 4,5%.

“Khi chúng ta tự tin về mức lạm phát năm nay, thì lãi suất có thể duy trì ở mức thấp và việc đảo chiều chính sách tiền tệ là rất thấp năm 2024”, ông Hòa nói và cho biết thêm, bối cảnh của năm 2024 có khác biệt so với thời điểm 2019, thời điểm thị trường chứng khoán cũng trở nên sôi động.

Theo đó, lãi suất điều hành năm 2019 đang cao hơn bây giờ khoảng 2%, đồng nghĩa với lãi suất huy động cũng như cho vay sẽ cao hơn, tức là chi phí vốn với doanh nghiệp cao hơn. Hiện tại, khi lãi suất huy động vẫn tiếp tục giảm và lãi suất điều hành tiếp tục đi ngang ở mức thấp, thì doanh nghiệp sẽ có chi phí vốn thấp hơn và tạo cho thị trường sự sôi động hơn trong năm nay.

Hiện tại, một số doanh nghiệp đầu ngành đã có sự phục hồi từ đáy ví dụ nhóm thép. Để tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp, vấn đề hàng đầu là chi phí vốn giảm, tức là lãi suất được các ngân hàng hạ xuống. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% năm 2024, để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng cần hạ lãi suất để hỗ trợ hoạt động kinh tế. Đây là giải pháp cần tiếp tục triển khai trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan