Ông Trần Hoài Nam - Phó tổng giám đốc HDBank - và ông Andreas Zeisler - Giám đốc Đầu tư định chế tài chính toàn cầu DEG (Đức) ký thỏa thuận 300 triệu USD tăng cường phát triển bền vững.

Ông Trần Hoài Nam - Phó tổng giám đốc HDBank - và ông Andreas Zeisler - Giám đốc Đầu tư định chế tài chính toàn cầu DEG (Đức) ký thỏa thuận 300 triệu USD tăng cường phát triển bền vững.

Chuyên gia, nhà quản lý tài chính quốc tế sẽ tham gia Hội đồng quản trị HDBank

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán HDB) chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2022, dự kiến ngày 22/4.

ĐHCĐ HDBank năm nay sẽ bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, cùng kế hoạch triển khai chiến lược kinh doanh 5 năm tiếp theo.

HDBank vừa công bố danh sách nhân sự dự kiến trình ĐHCĐ 2022 bầu Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Tuy nhiên, trong danh sách nhân sự dự kiến bầu thành viên HĐQT HDBank nhiệm kỳ 2022 - 2027 không có bà Lê Thị Băng Tâm (đang là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng).

Như vậy, bà Lê Thị Băng Tâm sẽ rời "ghế" Chủ tịch HĐQT HDBank sau 12 năm. Vì theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, trong số những cái tên được đưa ra để bầu vào HĐQT, đáng chú ý có 2 nhân vật mới là ông Lê Mạnh Dũng (sinh năm 1975) - Trưởng Đại diện tại Việt Nam DEG được đề cử làm Thành viên HĐQT, và ông Kim Byoungho (cố vấn cấp cao tại IFC) được đề cử làm Thành viên độc lập HĐQT HDBank.

DEG và HDBank có quan hệ hợp tác chiến lược với nhau từ năm 2020 và từ đó tới nay đã có thêm nhiều hợp tác khác. Mới nhất, đầu năm 2022, IFC, Quỹ Đầu tư LeapFrog Investments, và DEG - Deutsche Investitions-und Entwicklungsgesellschaft đã đầu tư 165 triệu USD vào trái phiếu chuyển đổi cấp 2 do HDBank phát hành.

Trong đó, IFC và Công ty Quản lý Tài sản (AMC) của IFC, Quỹ đầu tư LeapFrog Investments, và DEG mua lần lượt 95 triệu, 60 triệu, và 10 triệu USD theo mệnh giá đô la Mỹ với kỳ hạn 5 năm 1 ngày.

DEG là định chế tài chính phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức, nằm trong nhóm 15 thành viên hàng đầu của của Tổ chức Tài chính Phát triển Châu Âu (EDFI).

DEG hiện có văn phòng trên 19 quốc gia, và đang quản lý danh mục đầu tư có giá trị 8,6 tỷ Euro vào các tập đoàn tư nhân lớn trên toàn thế giới. DEG đã tham gia vào thị trường Việt Nam hơn 20 năm với danh mục đầu tư hơn 220 triệu Euro.

Trước đó, theo giới thiệu của hai bên tại lễ ký kết thỏa thuận vào tháng 9/2020, DEG đã đầu tư mua cổ phiếu HDB với giá cao hơn giá trên thị trường chứng khoán thời điểm đó.

Khi hợp tác cùng HDBank, DEG thực hiện chiến lược đầu tư không chỉ riêng cho nước Đức, mà là đại diện cho châu Âu.

HDBank, thành viên của Tập đoàn Sovico đã thiết lập mối quan hệ chiến lược với DEG đồng thời mở cửa cho HDBank và Tập đoàn Sovico hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc hợp tác mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác lâu dài trong cộng đồng doanh nghiệp Đức và Việt Nam, nhất là trong bối cảnh EVFTA vừa có hiệu lực.

Còn trong danh sách đề cử vào Ban kiểm soát cũng có một nhân sự mới là ông Nguyễn Lê Hiếu. Trước đó, ông Hiếu đã có một thời gian dài làm việc ở HDBank cũng như Tập đoàn Sovico. Năm 2020 - 2021, ông Hiếu sang Sacombank làm thành viên đội triển khai Basel và mới quay trở lại HDBank.

Năm 2022, Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2021. Các tỷ lệ sinh lời ROA, ROE năm 2022 mục tiêu đạt lần lượt 1,92% và 22,2%.

Tổng tài sản dự kiến tăng 18% lên 440.439 tỷ đồng, tổng huy động và dư nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 17% và 20%, tương ứng đạt 392.683 tỷ đồng và 256.060 tỷ đồng. Ngân hàng cũng sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25% cho cổ đông.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận của các cổ đông thiểu số, lợi nhuận năm 2021 còn lại hơn là 5.054 tỷ đồng, cùng với khoản lợi nhuận chưa chia của các năm trước, lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức của HDBank là gần 5.350 tỷ.

Trong năm 2022, ngân hàng đệ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm gần 5.231 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu.

Đợt 1, HDBank sẽ phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối tích lũy. Sau phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm hơn 5.031 tỷ đồng.

Đợt 2, Ngân hàng sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tăng vốn thêm 200 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày phát hành.

Với số vốn tăng thêm, HDBank dự kiến sử dụng để cho vay trung dài hạn (4.000 tỷ đồng), phần còn lại sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho ngân hàng.

Sau hai đợt phát hành, vốn điều lệ Ngân hàng vào cuối năm 2022 dự kiến đạt 25.503 tỷ đồng, tăng 27% so với hiện tại.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 15/4, cổ phiếu HDB đứng tại mức giá 26.300 đồng/CP.

Tin bài liên quan