Chuyện nhân sự cấp cao Eximbank nóng lên trước thềm đại hội

Chuyện nhân sự cấp cao Eximbank nóng lên trước thềm đại hội

(ĐTCK) Ngày 30/6 tới, Eximbank sẽ tổ chức đồng thời ĐHCĐ thường niên và ĐHCĐ bất thường năm 2020. Nhưng từ trước đó, nhân sự cấp cao tại ngân hàng này đã là chủ đề “nóng”.

Tại ĐHCĐ bất thường năm nay, Eximbank sẽ bầu thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025) - đây là một trong những nội dung quan trọng nhất tại cuộc họp bất thường lần này và rất được cổ đông Eximbank quan tâm, đặc biệt là các cổ đông nhỏ, bởi việc nhân sự cấp “thượng tầng” chưa tìm được tiếng nói chung đã tác động đến hoạt động của Ngân hàng.

Sau khi hoãn ĐHCĐ thường niên vì dịch bệnh, ngày 17/4/2020, Eximbank đã thông báo bằng văn bản tới cổ đông lớn là Tập đoàn Sumitomo Mitsui - SMBC (Nhật Bản) về một số nội dung liên quan đến tổ chức ĐHCĐ năm nay.

Eximbank cho biết đang xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đề xuất muốn được tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với các nội dung của đại hội được pháp luật và Điều lệ Ngân hàng cho phép.

Các nội dung còn lại của ĐHCĐ bất thường sẽ được bổ sung vào nội dung ĐHCĐ thường niên khi được phép tổ chức.

Tuy nhiên, cổ đông lớn này không đồng ý với phương án lấy ý kiến bằng văn bản. Ngày 28/4, SMBC đã có phản hồi rằng, hai trong số những vấn đề họp mà SMBC yêu cầu là bãi nhiệm ông
Yasuhiro Saitoh và cắt giảm quy mô HĐQT, bỏ phiếu “Không bãi nhiệm” hay “Bãi nhiệm” đối với từng thành viên HĐQT phải được quyết định tại một cuộc họp cổ đông và không thể được thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Do đó, SMBC giữ ý kiến là cần triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường riêng biệt với các cuộc họp cổ đông khác.

Sau phản hồi của SMBC, đến ngày 2/6, Eximbank có văn bản khẳng định, Ngân hàng chưa ban hành bất cứ quyết định nào về việc ĐHCĐ bất thường thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. HĐQT Eximbank đã báo cáo và đang chờ ý kiến chỉ đạo của NHNN cùng các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về việc này.

Trong khi đó, Ban Kiểm soát Eximbank có kiến nghị rằng, hoạt động của HĐQT Ngân hàng “thiếu nhịp nhàng”, dẫn đến việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng, điển hình là việc bổ nhiệm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tổ chức ĐHCĐ, yêu cầu của cơ quan thanh tra giám sát..., khiến Eximbank bị xử phạt hành chính, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Ngân hàng. Ban Kiểm soát Eximbank cho rằng, đây là bài học sâu sắc để HĐQT rút kinh nghiệm, tránh lặp lại trong nhiệm kỳ tới.

Câu chuyện về nhân sự cấp cao của Eximbank là vấn đề “nóng” lâu nay. Ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này liên tục thay đổi trong thời gian ngắn vừa qua, kể từ khi ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch Eximbank kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4/2015, sau đó ông Lê Minh Quốc được bầu vào vị trí này.

Thêm vào đó, câu chuyện giữa Eximbank - Nam A Bank cũng trở thành chủ đề “hot” khi bà Lương Cẩm Tú, cựu Tổng giám đốc Nam A Bank và là người đại diện phần vốn Nam A Bank tại Eximbank sau một thời gian tham gia HĐQT Eximbank đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank ngày 22/3/2019.

Tuy nhiên, quyết định này không nhận được sự đồng tình của ông Lê Minh Quốc và ông đã gửi đơn kiện lên tòa án.

Đến ngày 27/3/2019, Tòa án nhân dân TP.HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện nghị quyết về việc bầu bà Tú làm Chủ tịch HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Giữa lúc mâu thuẫn các nhóm cổ đông lớn ngày càng lớn, cuộc họp ĐHCĐ thường niên ngày 26/4/2019 của Eximbank phải hoãn lại vì chỉ có hơn 57% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự, không đủ theo quy định.

Từ cuối tháng 3-5/2019, ghế “nóng” Chủ tịch Eximbank đã lần lượt trao cho ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi lại trở về tay ông Quốc và hiện tại đến ông Cao Xuân Ninh, cho dù ông Ninh đã có đơn từ nhiệm từ giữa tháng 7/2019.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự bất hợp tác ở cấp thượng tầng đã ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Eximbank, cho dù Ngân hàng đã tăng trưởng trở lại trong 2 năm qua.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt hơn 1.000 tỷ đồng và tiếp tục đạt khoảng 500 tỷ đồng chỉ trong quý I/2020. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lãnh đạo nhà băng này cho hay, ước lợi nhuận quý II chỉ bằng nửa quý I.

Eximbank cũng vừa điều chỉnh giảm 40% lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu, về mức 1.318 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng tăng thêm 414 tỷ đồng. Với sự điều chỉnh này, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi dự kiến giảm 10,3%.

Eximbank cho biết sẽ xử lý gần 75 triệu cổ phiếu STB mà 7 khách hàng đã thế chấp để thu hồi 746 tỷ đồng nợ vay. Báo cáo của Ban Kiểm soát Eximbank cho thấy, năm 2019, tỷ lệ cho vay chứng khoán của Eximbank là 6,04%/tổng dư nợ cho vay, cao hơn so với mức quy định là 5% chủ yếu xuất phát từ nhóm khách hàng này.

Năm 2016, Eximbank đã khởi kiện nhóm khách hàng này để thu hồi nợ. Đến nay, tòa đã phán quyết 5 khách hàng phải trả cho ngân hàng 500 tỷ đồng. Riêng 2 khách hàng còn lại nợ 246 tỷ đồng. Eximbank đang chờ tòa hoàn tất các thủ tục để tiếp tục xét xử.

Do NHNN đã cho phép Eximbank được xử lý số cổ phần trên, nên dự kiến trong năm 2020, nếu các khách hàng không trả nợ, Ngân hàng sẽ phát mãi toàn bộ lượng cổ phiếu STB này để thu hồi nợ.

Tin bài liên quan