Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc và phục hồi tăng trưởng sáng 15/1.

Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc và phục hồi tăng trưởng sáng 15/1.

CIEM dự báo GDP có thể đạt 6,48%, nhưng có câu hỏi cao hơn được không

0:00 / 0:00
0:00
Sáng nay (15/1), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố dự báo một số chỉ tiêu kinh tế 2024. Trong kịch bản tích cực nhất, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,48%.

Có kịch bản tích cực, kịch bản bình thường, có cần kịch bản tiêu cực

“Kịch bản tích cực có thể đạt được khi các giải pháp chính sách tăng tốc phục hồi được xây dựng dựa trên cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, sau những nỗ lực cải thiện khá đáng kể của năm 2023. Đây cũng chính là nội dung chính của khuyến nghị mà CIEM đưa ra”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nói khi nhắc đến chủ đề được chọn của báo cáo năm nay là “Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”.

Cụ thể, trong kịch bản 2, các giả thuyết được đưa ra là GDP của thế giới tăng 3,2%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10%; tín dụng tăng 16%; giá nhập khẩu hàng hóa giảm 5%; tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2% và cải cách thể chế mạnh mẽ giúp tăng chất lượng tăng trưởng, trong đó có năng suất lao động.

Đặc biệt, kịch bản này nhấn mạnh đến các giải pháp đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo...).

“Các yếu tố này sẽ cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, làm cơ sở thúc đẩy vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%”, ông Dương làm rõ.

Đây là cơ sở để Báo cáo của CIEM tập trung vào các khuyến nghị chính sách liên quan đến hướng dẫn thực thi các luật; đặc biệt hoàn thiện khung chính sách cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, như Luật Giao dịch điện tử, khung chính sách thử nghiệm các mô hình kinh tế mới, đảm bảo an tâm cho doanh nghiệp là có thể thực thi được; hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách ở tầm quốc gia nhằm cải thiện năng suất lao động.

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các FTA tiếp tục được nhắc đến, đề xuất nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN cũng đã được đưa ra.

Đặc biệt, điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp được nhấn mạnh. “Năm nay, điều hành kinh tế vĩ mô đòi hỏi nghệ thuật, để đảm bảo sự cân bằng trong thế giới bất ổn. Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên tăng trưởng, nhưng phải trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước”, ông Dương nhấn mạnh.

So với kịch bản 2 (tích cực), kịch bản được xác định là trong tầm thi, với dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13%, các giả thiết trên có tăng hơn một chút. Cụ thể, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2024.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, biến số kinh tế thế giới có lẽ sẽ còn khó dự báo hơn trong năm tới. “Đây là năm bầu cử ở nhiều nước, với 4 tỷ dân trên thế giới sẽ đi bầu cử. Chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng thay đổi chính sách xuất nhập khẩu và đầu tư ở nhiều thị trường”, ông Dương nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhắc tới các xung đột tôn giáo vừa diễn ra trong cuối năm năm 2023, đầu năm 2024 với nhiều lo ngại.

“Đánh giá bối cảnh hiện tại, chúng tôi dùng từ khó đoán định, nhưng 2 năm tới, 2024 - 2025 có lẽ còn khó đoán hơn”, ông Tuấn chia sẻ. Trong khi đó, cơ sở cho những cải thiện về năng suất lao động, cơ cấu kinh tế, theo ông Tuấn vẫn đang rất thiếu.

“Nếu chi cho khoa học và công nghiệp vẫn chỉ 2%, mà vẫn có nơi trả lại khi không tiêu được, thì làm sao có thể cải thiện năng suất lao động. Phải có cú huých chính sách như với đầu tư công, để tạo chuyển dịch trong nghiên cứu phát triển, trong chất lượng nguồn nhân lực”, ông Tuấn trao đổi.

Có lẽ, những biến động khó lường này khiến TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM đề xuất CIEM nghiên cứu, bổ sung thêm kịch bản tiêu cực.

“Chúng ta không mong đợi những điều xấu nhất xảy ra, nhưng cần có kế hoạch sẵn sàng ứng phó trong mọi trường hợp”, ông Thành đề xuất.

Tại sao không là 7%

Mặc dù đồng tình với phương án có thêm kịch bản xấu để thể hiện sự thận trọng trong bối cảnh hiện tại, song TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam bình luận, 2 kịch bản của CIEM vẫn quá thận trọng.

Theo quan điểm của ông Bình, để đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả hai kịch bản này và các giả định để đạt được mục tiêu, đặc biệt là đối với kịch bản 2, là điều đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, dù đầy thách thức, các giả định này là có thể đạt được.

“Chúng ta cần một kịch bản với tham vọng cao hơn, một kịch bản để tạo áp lực cho các nỗ lực phi thường, một kịch bản để truyền cảm hứng cho các hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Liệu chúng ta có thể, có dám nghĩ đến một kịch bản tăng trưởng cao hơn như thế không, ví dụ 7%?”, ông Bình đặt vấn đề.

Thừa nhận, có thể con số này sẽ khiến nhiều người cho rằng là “rất lãng mạn” trong bối cảnh hiện tại, song ông Bình cho rằng, nếu xem xét kỹ, ngoại trừ các yếu tố mang tính ngoại cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam, các giả định trên, kể cả cho kịch bản tích cực, đều có tính khả thi và nền kinh tế có thể đạt được nếu quyết tâm ngay từ những tuần, những tháng đầu năm.

"Như vậy, nếu có các nỗ lực mạnh mẽ, những nỗ lực phi thường, việc vượt lên các giả định trên là có thể”, ông Bình bày tỏ cơ sở cho đề xuất đặt thêm kịch bản tăng trưởng GDP 7% trong năm 2024.

Hơn thế, việc xây dựng phương án cho kịch bản này cũng sẽ bộc lộ rõ hơn các giới hạn hay cản lực cần giải quyết, từ đó tìm kiếm giải pháp phi thường. Nhưng ở một góc độ khác, ông Bình cho rằng, ngay cả khi không đạt được kịch bản mơ ước, thì sự nỗ lực phi thường trong bối cảnh hiện nay sẽ là chuẩn bị hành trang, tâm thế tốt nhất cho giai đoạn tăng trưởng 2026 - 2030.

“Một kịch bản với tốc độ tăng trưởng cao hơn có thể tạo ra những áp lực, nhưng cũng sẽ tạo ra cảm hứng cho những nỗ lực phi thường, cao hơn mức bình thường như hiện tại”, TS. Bình đặt kỳ vọng.

Kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2024 của CIEM

Chỉ tiêu

Kịch bản 1

Kịch bản 2

Tăng trưởng GDP (%)

6,13

6,48

Lạm phát bình quân (%)

3,94

3,72

Tăng trưởng xuất khẩu (%)

4,02

5,19

Cán cân thương mại (tỷ USD)

5,64

6,26

Tin bài liên quan