Tìm kiếm động lực cho mô hình tăng trưởng mới

0:00 / 0:00
0:00
Động lực cho mô hình tăng trưởng mới là gì và làm thế nào để kích hoạt tối đa nguồn lực này là các câu hỏi được thảo luận, khi mà Việt Nam đang cần cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế cao.
Nhiều giải pháp huy động nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng đã được nêu ra tại Diễn đàn Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam

Nhiều giải pháp huy động nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng đã được nêu ra tại Diễn đàn Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam

Sự xuất hiện của các đòi hỏi phát triển

Những tranh luận khá gay gắt của giới chuyên gia tại Diễn đàn Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam (do Viện Kinh tế Việt Nam và thế giới, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức đầu tuần này) dường như đang phản ánh tính cấp bách và cả sự phức tạp của các lựa chọn chính sách.

Nhiều năm trước, áp lực chuyển đổi phương thức, tìm kiếm mô hình phát triển mới được xác định từ thách thức phải thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, hiện thực hóa khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Cuối năm 2021, mục tiêu thực hiện cam kết “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 được cập nhật.

Và hiện giờ, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nền kinh tế đang cần cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế cao. Cụ thể, tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 và 2 con số trong nhiều năm tới đang là nội dung quan trọng cần được bổ sung cho mô hình tăng trưởng mới.

“Tuy nhiên, áp lực cũng tăng lên, khi tiến trình xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại với thể chế minh bạch và có tính giải trình cao vẫn phải tiếp tục, trong khi thế giới đã có những thay đổi rất đáng kể với nhiều xu hướng lớn. Chưa bao giờ, sự giao thoa địa chính trị - công nghệ - kinh tế trở nên phức hợp như hiện nay”, TS. Thành nhấn mạnh.

Hệ quả không chỉ là “tương lai không còn là đường kéo dài quá khứ”, mà rất nhiều điều trở nên khó lường. Ví như cơ chế vận hành và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh chưa được hiểu thật rõ và nắm bắt tốt. Sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ dựa vào lợi thế so sánh, mức độ tự do hóa thương mại, đầu tư cũng như mức độ tối ưu hóa dịch vụ kết nối thông minh như lâu nay, mà còn phải dựa trên sự cân nhắc về địa chính trị và giá trị chủ quyền của “công nghệ lõi”, “mặt hàng chiến lược”...

Các chuyên gia cho rằng, điều này đòi hỏi những yếu tố mới trong các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư cũng như lựa chọn các ưu tiên phát triển.

Bài toán lựa chọn động lực

Khi bàn về mô hình tăng trưởng cho Việt Nam, các bài học kinh nghiệm của một số nền kinh tế Đông Á đã có giai đoạn phát triển thần kỳ thường được giới chuyên gia kinh tế “mổ xẻ” với nhiều góc cạnh. Lần này, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt tới sự khác biệt trong lựa chọn chính sách của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) để thực hiện phát triển công nghiệp định hướng xuất khẩu.

Cụ thể, Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ, dành nguồn lực cho doanh nghiệp tư nhân lớn (chaebols). Mục tiêu là doanh nghiệp lớn thực hiện vai trò dẫn dắt, phát triển công nghệ, xây dựng các ngành công nghiệp chiến lược phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, tiến bộ công nghệ lại hạn chế trong phạm vi của các chaebols, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc chỉ đóng vai trò phụ trợ cho doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó, ông Hùng phân tích, Đài Loan (Trung Quốc) lại sử dụng doanh nghiệp quốc doanh làm đầu tàu trong phát triển và phổ cập khoa học, công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, Đài Loan cũng đạt được sự kết nối tương đối hiệu quả trong quan hệ giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa.

“Điểm chung của cả hai mô hình là hoạt động xuất khẩu rất hiệu quả và chính sách hỗ trợ đều được thực hiện dựa trên thành tích xuất khẩu của các doanh nghiệp, chứ không dựa trên việc lựa chọn ngành, doanh nghiệp ưu tiên. Đặc biệt, hệ thống hành chính của cả Hàn Quốc và Đài Loan đều rất chuyên nghiệp, kỷ luật và hiệu quả”, ông Hùng nhận xét. Hàm ý chính sách rất rõ, đó là thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thông qua cơ chế ưu đãi theo kết quả, theo chuỗi giá trị, chuỗi cung cấp, phân phối.

Nhưng điểm khác biệt của Việt Nam vào thời điểm này, theo ông Hùng, là xu thế đổi mới - sáng tạo của thế giới. “Cần thúc đẩy cơ chế khởi nghiệp không lựa chọn ngành nghề để mở rộng sự đa dạng kinh tế. Có thể có những ngành mà nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người 4.000 USD chưa có, chưa thể gọi tên, nhưng cần chuẩn bị để sẵn sàng đón đầu phát triển, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế”, ông Hùng khuyến nghị.

Nhưng cũng chính lúc này, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhấn mạnh kỳ vọng rất lớn về vai trò Nhà nước khởi tạo.

“Lâu nay, chúng ta hay nói Nhà nước chỉ làm những gì doanh nghiệp không làm được và Nhà nước tập trung sửa chữa thất bại thị trường. Nhưng các học thuyết kinh tế đang được viết lại theo hướng: ngoài chuyện sửa chữa thất bại thị trường, nhà nước hiện nay phải là nhà nước khởi tạo, tức là tạo lập thị trường. Nhà nước có thể chấp nhận thất bại, rủi ro để tham gia phát triển những lĩnh vực mới...”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Thời điểm có tính chất quyết định

TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây thực sự là thời điểm có tính quyết định của Việt Nam trong chuyển đổi phương thức phát triển với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. “Việt Nam cần hành động và Việt Nam có nền tảng để làm điều đó”, TS. Võ Trí Thành khẳng định.

Nền tảng mà TS. Thành nhắc tới là những thành tựu ấn tượng trong gần 40 năm Đổi mới mà Việt Nam gặt hái được, là độ mở lớn của nền kinh tế... Nhưng điều ông muốn nhấn mạnh hơn cả là những cải cách có tính cách mạng đang diễn ra, rõ nhất qua việc thực hiện tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước; sắp xếp lại địa giới các tỉnh, thành phố và thiết lập chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt là “bộ tứ nghị quyết trụ cột” của Bộ Chính trị (gồm Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân).

Vấn đề cơ bản nhất lúc này là làm sao huy động được hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, tài năng của con người Việt, doanh nghiệp Việt cùng hợp tác, kết nối quốc tế sâu rộng, cho công cuộc phát triển đất nước.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam cần đẩy nhanh việc chuyển đầu tư từ lượng sang chất

- TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thế giới

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay đồng thời thuộc các mô hình: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất khẩu dẫn dắt, với mức độ mở thương mại lớn nhất thế giới trong số các nước có dân số trên 10 triệu dân; chủ yếu tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư, giá nhân công và thuê mặt bằng kinh doanh rẻ; bước đầu chuyển sang tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tăng trưởng dựa chủ yếu vào bên ngoài (nhập khẩu chủ yếu từ đầu vào sản xuất công nghiệp đến nông nghiệp); công nghiệp phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Việt Nam đang có những cải tổ nhằm thúc đẩy khoa học - công nghệ, bộ máy nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Những chính sách này góp phần thúc đẩy những lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu kém. Trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam cần đẩy nhanh việc chuyển đầu tư từ lượng sang chất, xây dựng và ban hành hệ thống động lực mới, triển khai các giải pháp để tăng chất lượng thể chế...

Kỳ vọng vào môi trường thể chế, môi trường kinh doanh sau đợt tinh gọn bộ máy

- TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Câu hỏi lúc này phải đặt ra là làm sao để phát triển khoa học - công nghệ, để có thể hiện thực hóa mong muốn chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Có người nói là cần tăng đầu tư vào khoa học - công nghệ, nhưng tăng rồi thì có thực sự tốt hơn không? Câu trả lời là chưa chắc. Nếu chúng ta không thay đổi cách làm khoa học - công nghệ, vẫn dựa vào Nhà nước quá nhiều, không thu hút được doanh nghiệp tham gia, không có thị trường khoa học - công nghệ và không có người làm công nghệ, thì không thể thay đổi được thực trạng.

Bài toán cần giải là làm sao để khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của người Việt, thúc đẩy doanh nghiệp Việt đầu tư cho nghiên cứu, phát triển.

Tôi kỳ vọng vào môi trường thể chế, môi trường kinh doanh sau đợt tinh gọn bộ máy, rà soát hệ thống quy định pháp luật. Đó là không gian cho cả doanh nghiệp và công chức cùng đổi mới, sáng tạo, cống hiến.

Tin bài liên quan