"Có 2 lý do khiến NĐT vẫn lo ngại"

(ĐTCK) Thứ nhất là suy thoái kinh tế. Tôi không muốn đề cập đến nguyên nhân và diễn biến của quá trình này, vì nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích. Ở đây, tôi chỉ muốn nói rằng, suy thoái kinh tế không chỉ là bóng ma ẩn hiện đâu đó, mà nó đã trở thành nỗi sợ hãi thường trực đối với đa số NĐT, cho dù không phải ai cũng hiểu về nó.

Với những suy giảm hiện diện trong nhiều ngành kinh tế, hầu như tất cả các chuyên gia đều dự báo cho năm 2009 tới sẽ có nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp công hay tư, niêm yết hay không niêm yết. Trong hoàn cảnh này, suy thoái kinh tế là lý do lớn nhất khiến cho những tin tốt như giảm lãi suất cơ bản, giảm giá xăng… giảm tác dụng.

Thứ hai là thuế thu nhập cá nhân. Nói chung, việc đầu tư trong giai đoạn này là khó khăn, không ai dám khẳng định sẽ nhanh chóng có lãi, chứ không nói đến lỗ. Tuy nhiên, theo luật thuế mới, cho dù NĐT chọn phương thức đóng thuế nào thì vẫn phải tạm nộp 0,1% giá trị mỗi lần chuyển nhượng. Ngoài ra, một số nội dung chi tiết của Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa có sự đồng thuận trong giới đầu tư. Khi mà chủ trương giãn thuế chưa có thông điệp thật cụ thể từ cơ quan quản lý, thời hạn có hiệu lực lại gần kề, nhiều người trở nên e dè khi tiếp tục đầu tư.

Thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh, nhưng theo cá nhân tôi, NĐT sẽ không mặn mà bán ra. Lý do chính là nhiều cổ phiếu có giá thấp quá rồi, nếu so sánh với giá trị sổ sách và mệnh giá (P/B). Thị trường càng giảm, càng nhiều người tin vào điều này và nó sẽ là yếu tố khiến cho giao dịch vẫn được thực hiện liên tục. Hiện hơn 1/2 số chứng khoán trên cả hai sàn có P/B <=1; khoảng 60/332 chứng khoán có giá đóng cửa dưới 10.000 đồng/CP, tức là gần 18%. Thông thường, mệnh giá là con số có rất ít ý nghĩa, nhưng trong hoàn cảnh này có thể được dùng là yếu tố để so sánh. Giá thấp như vậy thì tỷ suất chi trả cổ tức trở nên thực tế hơn, đồng thời nhiều người sẽ cho rằng, giá khó mà giảm thêm nữa. Như vậy, có khả năng họ sẽ mua. Điều này, ít ra cũng bảo đảm cho tính thanh khoản.