Cơ bản về hoạt động đầu tư chứng khoán

Cơ bản về hoạt động đầu tư chứng khoán

(ĐTCK-online) Đầu tư chứng khoán giúp NĐT có thể thu được lợi nhuận từ phần lợi tức được chia và phần tăng giá chứng khoán trên thị trường.

Khái niệm

Đầu tư chứng khoán giúp NĐT có thể thu được lợi nhuận từ phần lợi tức được chia và phần tăng giá chứng khoán trên thị trường. Mặt khác, NĐT có thể được hưởng quyền quản lý, quyền kiểm soát DN.

Phân loại đầu tư chứng khoán

Có nhiều cách phân loại đầu tư chứng khoán, nhưng phân loại theo mục đích đầu tư thì hoạt động đầu tư chứng khoán có thể chia thành:

- Đầu tư ngân quỹ: Hoạt động đầu tư ngân quỹ thường được thực hiện bởi các tổ chức kinh tế và các NĐT lớn. Xuất phát từ nhu cầu thanh toán chi trả, nhu cầu dự phòng và dự trữ, các tổ chức kinh tế và các NĐT lớn thường phải nắm giữ một lượng tiền khá lớn. Tuy nhiên, tiền không phải là tài sản sinh lời nên các đối tượng này thường có xu hướng tăng cường đầu tư vào các tài sản sinh lời, giảm dự trữ tiền. Nhưng việc này tiềm ẩn khả năng phá sản do khả năng thanh toán kém. Để khắc phục điều này, nhà quản trị tài chính thường đầu tư vào các chứng khoán ngắn hạn có khả năng chuyển đổi nhanh thành tiền như tín phiếu kho bạc, kỳ phiếu ngân hàng…

- Đầu tư hưởng lợi: Khác với đầu tư ngân quỹ nhằm đáp ứng khả năng thanh toán, hoạt động đầu tư hưởng lợi nhằm mục tiêu lợi nhuận. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư có thể có được từ lợi tức từ tài sản đầu tư như cổ tức hàng năm, hay từ lợi tức của trái phiếu. Bên cạnh đó, NĐT có thể thu được chênh lệch giá chứng khoán và các quyền lợi khác (nếu có).

- Đầu tư phòng vệ: Hoạt động đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận lớn, song hàm chứa rủi ro cao. Vì vậy, các công cụ phòng vệ xuất hiện ngày càng nhiều nhằm giúp NĐT phòng tránh rủi ro như: hợp đồng giao sau, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền mua…

- Đầu tư nắm quyền kiểm soát: Cổ phiếu cho phép chủ sở hữu có quyền kiểm soát công ty phát hành thông qua quyền nhận thông tin, quyền tham dự và biểu quyết tại ĐHCĐ. Số lượng cổ phiếu nắm giữ thường quyết định khả năng biểu quyết, kiểm soát của NĐT. Một số NĐT lớn, chủ yếu là NĐT tổ chức như các doanh nghiệp hoặc các ngân hàng lớn thường thực hiện hoạt động đầu tư nắm quyền kiểm soát.

Một hình thái khác của đầu tư nắm quyền kiểm soát là hoạt động đầu tư mạo hiểm. Một số tổ chức đầu tư lớn tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các công ty chưa phát triển, đặc biệt yếu kém về công nghệ quản lý. Thông qua nắm quyền kiểm soát, họ thực hiện tái cấu trúc công ty, thay đổi quản lý, công nghệ và cải thiện hình ảnh trong công chúng đầu tư và sẽ thực hiện bán cổ phiếu khi giá tăng.

Đối tượng tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán

1. Các NĐT

Các NĐT bao gồm NĐT có tổ chức như ngân hàng, CTCK, công ty bảo hiểm, các DN. Đặc điểm cơ bản của nhóm NĐT này là quy mô vốn đầu tư lớn, có tính tập trung hoá hoạt động đầu tư cao, hoạt động chuyên nghiệp với danh mục đầu tư đa dạng và linh hoạt. Đặc biệt, các tổ chức kinh doanh chứng khoán như ngân hàng, CTCK còn có thể đảm nhận vai trò tạo lập thị trường, trên cơ sở đó đảm bảo tính thanh khoản cho các chứng khoán.

Các DN cũng là đối tượng đầu tư quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của đối tượng này thường kém chuyên nghiệp hơn, chủ yếu tập trung ở hoạt động đầu tư ngân quỹ nhằm đáp ứng khả năng thanh toán chi trả và hoạt động đầu tư nắm quyền kiểm soát.

Bên cạnh các NĐT có tổ chức, các NĐT cá nhân có vai trò quan trọng trong việc làm tăng tính sôi động của thị trường. Các NĐT cá nhân thường thực hiện hoạt động đầu tư hưởng lợi thông qua việc mở tài khoản và lưu ký chứng khoán tại các CTCK. Nhiều nước trên thế giới cho phép NĐT được ký hợp đồng và mở tài khoản tại nhiều CTCK. Biện pháp này giúp NĐT có thể thực hiện phân tán đầu tư, tận dụng lợi thế của từng CTCK trong việc thực hiện các giao dịch. Đồng thời, các CTCK buộc phải cạnh tranh với nhau, từ đó làm tăng chất lượng dịch vụ cung cấp và giảm chi phí, làm lợi cho NĐT. Ở Việt Nam , hiện mới chỉ cho phép các NĐT được mở một tài khoản tại một CTCK.

Các NĐT cá nhân thường gặp bất lợi về quy mô đầu tư, do vậy chi phí đầu tư cao, khả năng phân tán rủi ro và đa dạng hoá đầu tư kém, tính chuyên nghiệp thấp. Danh mục đầu tư của các NĐT cá nhân ở Việt Nam thường đơn giản, chủ yếu là cổ phiếu (bao gồm cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết). Hơn nữa, việc hoạch định danh mục đầu tư còn thiếu khoa học và quản lý thụ động. Chứng khoán thường được lựa chọn còn theo cảm tính, do vậy chất lượng đầu tư không cao.

2. Các nhà phát hành

Nhà phát hành lớn nhất trên thị trường là Chính phủ, chính quyền địa phương, các DN, ngân hàng thương mại và các trung gian tài chính khác. Hoạt động phát hành chứng khoán của các trung gian tài chính làm tăng khả năng tích tụ và tập trung vốn trên thị trường. Chính phủ và chính quyền địa phương phát hành trái phiếu và công cụ nợ ngắn hạn nhằm huy động tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách và chi tiêu cho các dự án đầu tư.

Các DN phát hành cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ nợ ngắn hạn nhằm huy động vốn đáp ứng các nhu cầu sản xuất - kinh doanh. Phần lớn lượng vốn này được dùng để đầu tư mua sắm các tài sản thực, do vậy làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Các trung gian tài chính như ngân hàng thương mại và các trung gian tài chính khác cũng có thể phát hành chứng khoán để huy động vốn. Chứng khoán do đối tượng này phát hành có khối lượng lớn và độ an toàn khá cao, do vậy thường hấp dẫn đối với công chúng đầu tư.

3. Các trung gian tài chính

Tổ chức trung gian đầu tư bao gồm các CTCK, công ty quản lý quỹ, các tổ chức bảo hiểm, ngân hàng và trung gian đầu tư khác. Các CTCK thường thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, tự doanh.

Khác với CTCK, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hoạt động uỷ thác đầu tư hoặc phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán và thực hiện quản lý danh mục đầu tư chứng khoán cho khách hàng (những người sở hữu chứng chỉ quỹ).

Các công ty bảo hiểm là trung gian đầu tư điển hình. Thông qua hoạt động khai thác bảo hiểm, các công ty bảo hiểm thu hút lượng vốn lớn trong nền kinh tế và thực hiện hoạt động đầu tư vốn nhàn rỗi, chủ yếu vào chứng khoán.