Cơ cấu lại nền kinh tế: Nguồn lực con người là quan trọng nhất

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội đặt yêu cầu kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tạo thay đổi nền tảng để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thảo luận về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Duy Linh

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thảo luận về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Duy Linh

Kế hoạch được chuẩn bị công phu, nghiêm túc

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự kiến Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Trong bối cảnh những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến tương lai phục hồi kinh tế trở nên bất định hơn, Chính phủ cho rằng, những tác động tiêu cực này buộc các nước, trong đó có Việt Nam phải tập trung vào giải quyết những vấn đề ngắn hạn, tránh những tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhưng cũng là cơ hội để các nước nhận ra những điểm yếu và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế để phục hồi nhanh hơn và phát triển bền vững hơn.

“Giai đoạn 2021 - 2025, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn cho giai đoạn phát triển 2021 - 2030, và xa hơn đến năm 2045, tạo sức ép buộc phải tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế nhanh và sâu rộng hơn ngay từ giai đoạn 2021 - 2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu bối cảnh trong nước.

Trong bối cảnh mới, Chính phủ xác định lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm.

Mục tiêu của Kế hoạch là hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế cũng là mục tiêu mà Kế hoạch hướng đến.

Thẩm tra Kế hoạch, nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết. “Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc”, cơ quan thẩm tra nhận xét.

Về những chỉ tiêu cụ thể, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu “kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”.

“Đây là một nội dung mới được đặt ra tại Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, nên cần phải được cụ thể hóa đối với từng ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành, lĩnh vực mà mục tiêu đóng góp vào kinh tế số cao, là động lực cho phát triển kinh tế nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội.

Cơ quan thẩm tra còn đề nghị nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu khó khả thi như “phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn”. Bởi tác động của Covid-19, nên số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, năng lực tài chính của doanh nghiệp đã bị bào mòn, suy giảm đáng kể.

Xây dựng hệ sinh thái lao động

Thảo luận về chặng đường mới cơ cấu lại nền kinh tế, cho rằng không tránh được sự giao thoa với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, song nhiều đại biểu khẳng định, việc ban hành kế hoạch riêng về cơ cấu lại nền kinh tế là cần thiết.

“Yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế được đặt trong bối cảnh mới, cần tạo ra thay đổi nền tảng để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, giúp cho thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả hơn”, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, kế hoạch cần thể hiện rõ mục tiêu nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đây cũng là một trong 3 đột phá chiến lược được nêu tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.

“Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy rõ yêu cầu nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Vừa qua, sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa địa phương với nhau, giữa địa phương với doanh nghiệp... có vấn đề nhất định, thực thi các nghị quyết của Chính phủ cũng có vấn đề nhất định. Nói điều này, tôi không có mục tiêu chỉ trích ai, nhưng vấn đề đó liên quan đến năng lực quản trị quốc gia. Nếu năng lực này được nâng cao, thì việc ra quyết định sẽ chính xác hơn, kịp thời hơn và đỡ tốn kém hơn”, ông Hiếu phát biểu.

Vị đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng nhấn mạnh, để thực hiện Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, thì nguồn lực con người là quan trọng nhất; lao động có trình độ thì sẽ tạo ra áp lực nâng cao trình độ công nghệ, năng lực quản trị.

Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, nhưng vẫn tản mát ở các lĩnh vực. Một hệ sinh thái về lực lượng lao động phải rộng hơn rất nhiều, không đơn thuần là lực lượng lao động nữa, mà còn là nhà ở, trường học, môi trường... Nêu nhận xét trên, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị Kế hoạch cần có mục riêng về hệ sinh thái lao động. Đây không còn là nhiệm vụ của một bộ, ngành nào, mà là việc của quốc gia với tư duy là hệ sinh thái cho lực lượng lao động, chứ không chỉ đơn thuần là quan hệ cung - cầu lao động.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vấn đề con người là quan trọng nhất hiện nay. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng (từ 2020 - 2030) nhưng chưa tận dụng hết lợi thế này. “Nếu không tận dụng cơ hội dân số vàng, thì rất đáng tiếc. Chính phủ cũng đang chỉ đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sẽ cân nhắc xem có tách ra thành một mục riêng ở Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế lần này hay không” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Chia sẻ với đại biểu về tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, việc này phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu các cấp và sự phối hợp của các bộ, ngành. “Nếu muốn làm thực chất, thì trách nhiệm người đứng đầu hết sức rõ, phải có tiêu chí để đo lường, đánh giá và giám sát xem có làm được hay không, làm được đến đâu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cần các gói kích thích kinh tế

Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nói rõ vừa bảo đảm tài chính nhà nước, nhưng cũng bảo đảm tài chính doanh nghiệp phát triển, tài chính dân cư phát triển.

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, phải tạo nên các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cầu nền kinh tế tăng lên, từ đó bước sang giai đoạn mới để phục hồi tăng trưởng.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang tham mưu Thủ tướng để có một số gói kích thích, như gói hỗ trợ lãi suất, lấy từ nguồn ngân sách trung ương, khoảng 20.000 tỷ đồng/năm, hỗ trợ lãi suất ở mức 2 - 3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng có đủ điều kiện vay để phát triển. Gói phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước cũng đang thiết kế để huy động tiền trong dân. Gói này vay tiền của dân mà không làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.

Tin bài liên quan