Nhà đầu tư vẫn mong chờ những phản ứng cụ thể từ Lilama và lãnh đạo PV Shipyard.

Nhà đầu tư vẫn mong chờ những phản ứng cụ thể từ Lilama và lãnh đạo PV Shipyard.

Cổ đông của PV Shipyard có bị chiếm dụng vốn?

(ĐTCK-online) Tham gia góp vốn thành lập CTCP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) thông qua hình thức mua lại cổ phần của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) -1 trong 4 pháp nhân sáng lập PV Shipyard, nhóm nhà đầu tư sở hữu khoảng 200.000 cổ phần PV Shipyard đang lo lắng về việc mình liệu có bị chiếm dụng vốn khi nộp tiền vào Công ty đã gần 5 tháng nhưng vẫn chưa thấy tên trong danh sách cổ đông.

PV Shipyard có trụ sở tại Toà nhà Petro Tower, số 8 đường Hoàng Diệu, TP. Vũng Tàu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp ngày 9/7/2007. Lĩnh vực hoạt động của Công ty gồm: đóng mới giàn khoan biển và các phương tiện nổi cỡ lớn, sửa chữa tàu biển và công trình dầu khí biển, bảo dưỡng sửa chữa, đóng mới và hoán cải các phương tiện nổi... Vốn điều lệ của Công ty (theo tài liệu của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Lilama) là 1.500 tỷ đồng, tương ứng với 150 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tỷ lệ góp vốn của 4 cổ đông sáng lập như sau: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam 40%, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam 20%, Lilama 20% (trong đó CBCNV góp 14%), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 20%.

Lilama đã phân bổ, thực hiện cho CBCNV đăng ký mua cổ phần của PV Shipyard và có thông báo tới từng cá nhân về số cổ phần được mua. Cuối tháng 10/2007, nhiều người trong số CBCNV này đã bán số cổ phần trên cho nhà đầu tư bên ngoài và theo thông báo từ Lilama, những nhà đầu tư bên ngoài đó được đăng ký ghi tên vào danh sách cổ đông của PV Shipyard, có quyền lợi và nghĩa vụ đối với số cổ phần đã mua. Khi mua cổ phần, họ được hứa hẹn khoảng 1 năm sau sẽ lấy được sổ cổ đông.

Mọi chuyện không có gì đáng nói nếu như gần đây, trong số những nhà đầu tư bên ngoài nói trên không tìm mua cổ phần của PV Shipyard từ CBCNV của BIDV. Theo đó, CBCNV của BIDV được góp vốn trong giai đoạn 5 năm (2007 - 2011) và ngân hàng này có mức phân bổ chi tiết mức góp vốn cho từng năm. Trong bản cam kết tham gia góp vốn, người tham gia phải cam kết góp vốn trong 5 năm, tiến độ góp vốn hàng năm theo thông báo của BIDV.

Trước thông tin như vậy, những nhà đầu tư góp vốn thông qua Lilama thắc mắc, liệu việc góp vốn trên, Lilama cũng thực hiện theo tiến độ dự án như BIDV hay góp vốn ngay một lần? Nếu như việc góp vốn thực hiện theo tiến độ dự án (tức là chia thành 5 năm) mà Lilama lại thu ngay một lần thì điều này có nghĩa là vốn của nhà đầu tư có thể bị chiếm dụng.

Theo thông báo của Lilama, vốn điều lệ của PV Shipyard là 1.500 tỷ đồng, CBCNV của Lilama được góp vốn tương ứng với 14% (tương đương 224 tỷ đồng), trường hợp cổ đông đang làm việc tại những doanh nghiệp tham gia góp vốn thành lập PV Shipyard được nộp tiền theo tiến độ dự án (đợt 1 chỉ khoảng 28%), điều này đồng nghĩa với hàng trăm tỷ đồng đã bị huy động trước, vậy số tiền này được sử dụng ra sao?

Trường hợp số cổ phần trên chỉ là đợt 1, vậy các đợt tiếp theo, những nhà đầu tư không phải là CBCNV của Lilama có quyền lợi gì, liệu họ có được tiếp tục mua cổ phần PV Shipyard trong đợt 2, đợt 3, với giá ưu tiên?

Trao đổi với ĐTCK, đại diện Công đoàn Lilama cho biết, nhà đầu tư mua cổ phần đợt nào thì biết đợt đó chứ bản thân Công đoàn không hề biết có đợt nào khác. Trường hợp PV Shipyard tăng vốn trong các năm tiếp theo, nếu họ dành quyền mua cho cổ đông hiện hữu thì những nhà đầu tư mua cổ phần bên ngoài được hưởng quyền, còn nếu họ dành cho Lilama, Lilama sẽ có phương án phân phối cho CBCNV tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.

Trong khi đó, đại diện của PV Shipyard, ông Lê Hưng, Phó tổng giám đốc cho hay, tính đến thời điểm này, vốn điều lệ của PV Shipyard là 400 tỷ đồng, trong năm 2008 sẽ tăng lên 600 tỷ đồng và dự kiến đến năm 2011, vốn điều lệ đạt 1.600 tỷ đồng (?). Các cổ đông pháp nhân tham gia góp vốn sáng lập PV Shipyard đã có cam kết thực hiện góp vốn theo đúng lộ trình trên. Điều này có nghĩa, việc góp vốn vào PV Shipyard theo tiến độ hàng năm chứ không thực hiện trong một đợt. Còn theo ông Phạm Trường Giang, thư ký HĐQT PV Shipyard, tính đến thời điểm này, trong danh sách cổ đông của PV Shipyard chưa có tên những nhà đầu tư đã mua cổ phần PV Shipyard từ CBCNV Lilama (trong khi họ đã nộp tiền và ký giấy chuyển nhượng từ cuối tháng 10/2007).

Tại sao Lilama lại chưa chuyển tên và hồ sơ của những nhà đầu tư đó sang cho PV Shipyard? Số cổ phần mà CBCNV Lilama được mua tương ứng với số vốn góp vào PV Shipyard là bao nhiêu? Những nhà đầu tư mua lại cổ phần PV Shipyard từ CBCNV Lilama liệu có được tiếp tục mua cổ phần PV Shipyard trong các đợt sau (nếu có)? Những câu hỏi này, nhà đầu tư đang mong chờ Lilama và lãnh đạo PV Shipyard có thông tin phản hồi cụ thể.