Nhiều dự án triển khai trở lại sau khi được gỡ vướng pháp lý. Ảnh: Lê Toàn

Nhiều dự án triển khai trở lại sau khi được gỡ vướng pháp lý. Ảnh: Lê Toàn

Cơ hội dần hiện rõ trên thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quyết tâm gỡ vướng cho các dự án, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, ngân hàng cũng mở rộng hầu bao hơn, thị trường chứng khoán đi lên… được xem như những “liều dopping” kích thích thị trường địa ốc phục hồi nhanh chóng, qua đó mở ra những cơ hội mới.

Hàng loạt dự án được gỡ vướng

Sau quyết tâm của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương, một loạt dự án bất động sản bị vướng thủ tục ở nhiều địa phương bắt đầu được tháo gỡ. Theo giới chuyên môn, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp niềm tin gia tăng, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường địa ốc.

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương chính thức có công văn thông báo cho phép dự án Trung tâm thương mại cao cấp Astral City Bình Dương đủ điều kiện huy động vốn theo hình thức bán nhà hình thành trong tương lai. Dự án này có quy mô 5.000 căn hộ, do Tập đoàn Danh Khôi làm chủ đầu tư. Sau khi có giấy phép đủ điều kiện bán hàng, dự án được khởi động trở lại và ký hợp đồng với khách hàng.

Tương tự, vào đầu tháng 8/2023, trong công văn gửi tới Tập đoàn Novaland, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã cho phép doanh nghiệp này được bán các sản phẩm thấp tầng tại dự án Khu đô thị Aqua City Đồng Nai.

Cụ thể, theo nội dung công văn, Sở Xây dựng tỉnh cho phép các bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh đối với các căn nhà ở thấp tầng thuộc phân khu I và V dự án Aqua City của Novaland. Đây từng được biết đến là dự án khu đô thị có quy mô diện tích lên đến 1.000 ha, được đầu tư xây dựng rầm rộ từ trước, song do vướng pháp lý nên bị ngưng trệ trong thời gian dài.

Ngoài Aqua City, một loạt dự án khác của Novaland cũng bắt đầu triển khai triển khai sau khi từng bước được gỡ vướng pháp lý, trong đó có “siêu” dự án Novaworld Phan Thiết tại tỉnh Bình Thuận với quy mô diện tích 1.000 ha và tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD.

Theo ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland, đến nay, các dự án của Công ty căn bản đã có hướng giải quyết và đang trong tiến trình tháo gỡ. Các dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu hầu hết đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt giải quyết, còn các dự án tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tận tình hướng dẫn và địa phương đang tập trung tháo gỡ. Đây là tiền đề để dự án hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan cho khách hàng.

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các địa phương đều đang tích cực gỡ vướng cho các dự án bất động sản.

Đến nay, tại 2 địa phương lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội, có khoảng 500 dự án được gỡ vướng. Riêng tại TP.HCM, theo thông tin của Sở Xây dựng Thành phố, có 67 dự án được tháo gỡ vướng mắc pháp lý (chiếm tỷ lệ 37,2% trong số 180 dự án ban đầu), trong đó 28 dự án được giải quyết theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác, 39 dự án thông qua rà soát của địa phương.

Các ngân hàng đã “nới” cho vay mua bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

Các ngân hàng đã “nới” cho vay mua bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

Sinh khí dần trở lại

Dù chưa sôi động, song ghi nhận thực tế thị trường cho thấy, từ đầu tháng 7/2023 trở lại đây, một loạt chủ đầu tư khu vực phía Nam đã bắt tay khởi động việc xây dựng và kinh doanh trở lại.

Đơn cử, vào đầu tháng 8, Tập đoàn Danh Khôi tổ chức lễ khởi động loạt dự án trọng điểm tại các thành phố Bình Dương, Nha Trang và Đà Nẵng. Cụ thể, nhà phát triển dự án này cho biết đang đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng và đưa sản phẩm ra thị trường tại 3 dự án gồm Astral City Bình Dương, Weltone Nha Trang, Aria Đà Nẵng.

Tương tự với dự án Novaworld Phan Thiết, sau khi được gỡ vướng pháp lý, không khí nhộn nhịp đã quay lại trên công trường. Hoạt động đầu tư xây dựng được tiến hành, hàng loạt công trình tiện ích được đưa vào sử dụng và du khách đến dự án nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Đáng chú ý, bộ phận chuyển nhượng của dự án cho biết, hoạt động giao dịch diễn ra khá nhộn nhịp, giá bán cũng có dấu hiệu tăng lên. Nhiều khách hàng tiến hành nhận nhà và hoàn thiện để đưa vào khai thác.

Bên cạnh luồng sinh khí mới tại các dự án, niềm tin cũng tăng trở lại với người mua. Nếu như cách đây vài tháng, thanh khoản thị trường gần như “đóng băng”, thì gần đây, một số dự án công bố ra thị trường đã được đón nhận khá tích cực.

Chẳng hạn, tại sự kiện mở bán căn hộ Glory Heights, dự án thành phần trong Khu đô thị Vinhome Grand Park tại TP. Thủ Đức, TP.HCM, có hơn 2.000 sản phẩm trong tổng số 3.168 sản phẩm được khách hàng đặt mua chỉ sau hơn 1 ngày mở bán, giá bán trung bình dao động từ 42-80 triệu đồng/m2. Hay tại sự kiện bán hàng cho dự án căn hộ Vung Tau Centre Point tại TP. Vũng Tàu, gần như toàn bộ 100 căn hộ trong rổ hàng đã được khách hàng đặt mua ngay trong buổi sáng mở bán.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện nhiều chủ đầu tư cho biết, dù chưa thoát khỏi khó khăn, song thị trường bất động sản hiện đã bớt ngột ngạt hơn so với đầu năm.

“Niềm tin thị trường dần hồi phục trở lại, người mua bắt đầu quan tâm đến bất động sản nhiều hơn, nhưng chỉ những sản phẩm có pháp lý đầy đủ, của chủ đầu tư uy tín, tiến độ triển khai nhanh… mới được chọn mua. Còn những sản phẩm không đạt được các yếu tố này, việc bán hàng vẫn là một thách thức lớn”, ông Trần Hiếu - Phó tổng giám đốc DKRA Vietnam nói và cho rằng, thị trường đã trải qua “cơn bạo bệnh” nên cần có thời gian hồi phục. Song, quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã tạo niềm tin rất lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng dần nới lỏng hầu bao, mặt bằng tiền gửi tiếp tục giảm thấp… cũng là lý do để các nhà đầu tư rút tiền gửi tiết kiệm để chuyển vào các kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn, trong đó bất động sản là kênh rất được quan tâm.

Ở góc nhìn khác, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time cho rằng, có thể nhìn vào tình hình kinh tế vĩ mô để đoán định phần nào diễn biến thị trường bất động sản thời gian tới.

“Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 6,5% - có nghĩa là từ nay đến cuối năm, tăng trưởng chung phải đạt mức 9%. Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực đầu tầu, sự phát triển của thị trường này kéo theo rất nhiều ngành nghề liên quan khác, cho nên việc tăng trưởng kinh tế sẽ liên quan nhiều đến bất động sản”, ông Tiến nhấn mạnh và cho rằng, sự quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản thời gian qua là yếu tố cho thấy, khả năng thị trường này sẽ sớm phục hồi.

Tin bài liên quan