Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Cơ hội đầu tư khi nới lỏng giãn cách xã hội

(ĐTCK) Gần 4 tháng kể từ ngày đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và lây lan ra hơn 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, hiện nhiều nước trên thế giới bắt đầu có kế hoạch nới lỏng cách ly xã hội. 

Việt Nam cũng đã phân loại mức độ rủi ro của các tỉnh, thành phố. Ðây là điều cần làm để dần phục hồi các hoạt động xã hội - kinh tế, bởi rất nhiều doanh nghiệp, cá thể không thể trụ vững trong 6 tháng “ngăn sông, cách chợ”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2020, GDP tăng 3,82%, giảm 43,9% so cùng kỳ 2019. Nếu tính trung bình tất cả các dự báo, các kịch bản của các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế thì GDP năm 2020 sẽ trong khoảng 3,9%. Ðây cũng là con số khá lạc quan.

Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, các biện pháp nới lỏng cách ly tiếp tục được mở rộng, nếu hơn 80% các thành phố trực thuộc trung ương sẽ được nới lỏng cách ly cuối tháng 4/2020 thì có thể kỳ vọng GDP quý II/2020 tránh được mức suy thoái âm.

Cùng với đó là các biện pháp kích thích của Chính phủ sẽ gia tăng, như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay trong quý II/2020, qua đó, có thể kỳ vọng GDP cả năm 2020 duy trì trong khoảng 3,8 - 3,9%.

Suy thoái toàn cầu là điều chắc chắn, nhưng trong bối cảnh suy thoái chung, vẫn có những khu vực tăng trưởng và Việt Nam sẽ là một phần tăng trưởng.

Sẽ có nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn, trái lại, cũng có những lĩnh vực, doanh nghiệp bất ngờ tăng trưởng, hưởng lợi hoặc bị đánh giá thấp trong suy thoái.

Vậy đâu là cơ hội nổi bật? Dịch bệnh, cách ly, suy thoái toàn cầu đã đưa đến những điểm nhấn quan trọng sau:

Một là, hàng Việt Nam chất lượng cao được củng cố giá trị, tăng thị phần nội địa. Việc hạn chế giao thương, tạm đóng cửa biên giới, bế quan tỏa cảng, đồng thời trong bối cảnh thu nhập giảm sút lại là động lực lớn để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ, đẩy mạnh thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam, nhất là các mặt hàng sản xuất thiết yếu như hóa chất, phân bón, dầu ăn, vật liệu xây dựng, các sản phẩm cơ bản...

Hai là, thay đổi thói quen tiêu dùng. Dịch vụ đi chợ thuê được xem là tăng trưởng tốt trong giai đoạn dịch bệnh, trong giai đoạn cách ly. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịch chuyển mạnh từ chợ dân sinh sang các cửa hàng bách hóa. Và các công ty sản xuất thực phẩm thiết yếu hàng đầu, nhất là trong lĩnh vực thịt heo, như Masan Meatlife (MML), Dabaco (DBC), hay Vissan sẽ tăng trưởng tốt.

Các công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp, gạo, nhu yếu phẩm như Tập đoàn Lộc Trời (LTG), CTCP Xuất nhập khẩu An Giang AGM, Tập đoàn PAN… cũng được hưởng lợi khi các nhu cầu này tăng cao, giá tăng cao.

Việc dỡ bỏ cách ly, giãn cách xã hội sẽ được thực hiện song song cùng các hoạt động kích cầu kinh tế, giải ngân đầu tư công, xây dựng hạ tầng để bảo đảm duy trì tăng trưởng. Trong đó, các hoạt động xây dựng là được ưu tiên phục hồi sớm nhất.

Các công ty sản xuất vật liệu xây dựng, thép, nhựa, nhựa đường, xi măng còn được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm sẽ phục hồi tăng trưởng tốt trở lại.

Khi hết nới lỏng cách ly được tiến hành ở các nước châu Âu, châu Mỹ, các công ty sản xuất nội địa Việt Nam sẽ phục hồi thị trường xuất khẩu. Nhóm công ty này sẽ phục hồi theo hình chữ V.

Tâm điểm phục hồi, tâm điểm đầu tư sẽ là các công ty sản xuất hàng hóa cơ bản thiết yếu của Việt Nam.

Các lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ ăn uống, giải trí, hàng không sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng không thể phục hồi ngay lập tức.

Với tỷ lệ dân số vàng, hàng Việt Nam sẽ là những động lực cơ bản để nền kinh tế của chúng ta có thể vững vàng tăng trưởng và cũng là những cơ hội để xem xét đầu tư.

Tin bài liên quan