Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn hiện hữu

Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn hiện hữu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia tư vấn cho rằng, cơ hội đầu tư là triển vọng khi đỉnh dịch hình thành. 

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset

Ngành bất động sản dự phóng sẽ tăng trưởng 40% trong năm 2021, sau khi giảm 17% trong năm 2020. Với mức tăng trưởng cao, ngành bất động sản kỳ vọng sẽ đóng góp 14% vào mức tăng trưởng của VN-Index.

Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu bong bóng và dự báo giá nhà tại Việt Nam sẽ tăng nhẹ trong 2021, tương tự như tình hình ở các quốc gia khác trên thế giới, dưới tác động của lãi suất cho vay thấp và nguồn cung bị hạn chế. Bất động sản khu công nghiệp có triển vọng tốt nhờ triển vọng thu hút FDI tốt trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như chiến lược “Trung Quốc+1”.

Ngành phần mềm và dịch vụ cũng là một trong những ngành vượt trội và có triển vọng dài hạn do phù hợp với xu thế công nghệ hóa, số hóa. Chúng tôi dự phóng ngành này sẽ tăng trưởng 17% trong năm 2021, so với mức tăng 7% trong năm 2020.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Thị trường chứng khoán sau chu kỳ điều chỉnh vẫn có những “điểm tựa” để kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực.

Đầu tiên, với những biện pháp quyết liệt của Chính phủ hiện nay, chúng ta có cơ sở tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ được khống chế và dần thuyên giảm. Các doanh nghiệp cũng đang đẩy nhanh quá trình thích ứng với tình hình mới, trong đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã áp dụng “3 tại chỗ” và các biện pháp cần thiết khác để duy trì hoạt động, tránh đổ vỡ chuỗi cung ứng và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Thứ hai, kỳ vọng Chính phủ sẽ có những biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế trong những tháng cuối năm như các gói hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các biện pháp này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi.

Thứ ba, trong bối cảnh dòng tiền nội suy yếu thì dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài lại đang có xu hướng quay trở lại trong giai đoạn giảm điểm vừa qua. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho dòng tiền cũng như ổn định tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VCBS

Dù thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng của một số rủi ro, chúng tôi cho rằng, những doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước cũng như trên thế giới trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 sẽ vẫn là những cơ hội đầu tư trung - dài hạn tiềm năng nhất.

Cụ thể là các nhóm ngành xuất khẩu với nhu cầu được dự báo tập trung vào giai đoạn cuối năm như đồ gỗ, gia dụng, dệt may… cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cho hoạt động xuất khẩu như nhóm cảng biển - logistics; các doanh nghiệp bán lẻ theo mô hình chuỗi cửa hàng; nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng nhanh và hàng hóa thiết yếu như nhóm sản phẩm nông nghiệp, điện (cả truyền tải điện và sản xuất điện)…

Cuối cùng là các doanh nghiệp có “câu chuyện riêng”, liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới và chuyển sàn…

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)

Quan điểm “đỉnh điểm của dịch bệnh chính là đáy của thị trường chứng khoán” đã được hình thành và kiểm chứng tại nhiều quốc gia và ngay cả ở Việt Nam cũng có phần đúng.

Mặc dù vậy, điều khó khăn là chúng ta cần xác định được chính xác về khoảng thời gian khống chế và hình thành được đỉnh dịch để tránh bị “kẹp hàng”, nếu giả sử sau đó dịch lại bùng phát mạnh.

Điểm tựa giai đoạn này, thứ nhất là với dịch diễn biến như hiện tại thì xu hướng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho thị trường chứng khoán.

Thứ hai là xét về mặt định giá thì giá cổ phiếu đã giảm tương đối từ vùng đỉnh và trở nên hấp dẫn hơn. Thứ ba là việc sau khi đỉnh dịch xuất hiện thì những ngành kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ sự mở cửa dần nền kinh tế như bán lẻ, hàng không, dịch vụ, xuất khẩu cũng có thể có sóng ngắn hạn.

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV

Dịch Covid-19 đã diễn ra được hơn 1,5 năm và đã có đến 4 làn sóng, tác động đến kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán là nơi phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư, do vậy sẽ chịu ảnh hưởng từ các thông tin này.

Điểm sáng là, khác với năm 2020, khi phần lớn các quốc gia đều suy giảm kinh tế do dịch bệnh, năm 2021 đã có những quốc gia triển khai tiêm chủng ở mức cao, bắt đầu phục hồi kinh tế và sẽ là đầu tầu thúc đẩy kinh tế chung toàn cầu.

Hiện tại, khi mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với năm 2020 và các doanh nghiệp phân hóa mạnh mẽ về kết quả kinh doanh, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư sẽ cẩn thận lựa chọn các ngành có triển vọng phục hồi tốt, định giá vẫn còn hấp dẫn.

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể quan tâm đến các nhóm ngành thiết yếu, ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh như nhóm tài chính, chứng khoán, ngân hàng, hóa chất, tiện ích (điện nước)… Còn ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, nhóm các ngành bất động sản, khu công nghiệp, logistics, dệt may, thủy sản… sẽ có cơ hội phục hồi.

Về trung, dài hạn, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng giữ tỷ lệ danh mục vừa phải, quản trị rủi ro chặt chẽ, chờ thị trường có chuyển biến rõ ràng để nương theo hướng đi của dòng tiền.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt

Nửa cuối năm 2021, dự kiến lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm lại do hai yếu tố. Một là, tăng trưởng nhờ NIM có khả năng đã đạt đỉnh ở nhiều ngân hàng khi mà NIM sẽ chịu nhiều tác động của việc giảm lãi suất cho vay ở các ngân hàng công bố gói hỗ trợ, trong khi lãi suất huy động đang được kỳ vọng không biến động nhiều.

Hai là, tác động của đợt dịch bệnh nếu kéo dài lên nhu cầu tín dụng và rủi ro của nền kinh tế sẽ khiến các ngân hàng thận trọng hơn trong việc mở rộng bảng cân đối về phía cho vay, trong khi lợi suất ngoài cho vay là thấp. Do vậy, nhóm ngân hàng sẽ chứng kiến sự phân hóa đến từ tăng trưởng lợi nhuận lõi, và sự khác biệt ở các ngân hàng "có câu chuyện".

Ngành chứng khoán sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các mảng, do đó, đà tăng trưởng lợi nhuận sẽ khác nhau ở các công ty chứng khoán.

Cụ thể, mảng cho vay và dịch vụ chứng khoán dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất, trong khi lợi nhuận từ mảng ngân hàng đầu tư có thể chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh bùng phát, dù số lượng hợp đồng có thể duy trì tăng trưởng.

Ở mảng tự doanh, vốn là mảng biến động nhất, có khả năng sẽ chịu nền so sánh không thuận lợi ở nửa sau năm 2020, trong khi diễn biến thị trường có thể không tăng ổn định như nửa cuối năm ngoái.

Với ngành thép, sau giai đoạn điều chỉnh, nhiều cổ phiếu thép đang có mức giá hấp dẫn. Trong nửa cuối 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ như HSG, NKG hưởng lợi nhiều nhất từ giá thép cao và lượng đơn đặt hàng lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ.

Dài hạn hơn, việc đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các khu vực có nhu cầu tiêu thụ thép lớn như Mỹ, châu Âu có thể giúp nhu cầu thép tăng và hỗ trợ nền giá thép duy trì hoặc tăng nhẹ. Do đó, chúng tôi đánh giá cao triển vọng kinh doanh của HPG trong năm tới.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế

Theo tôi, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không có gì thay đổi lắm trong nửa cuối năm nay. Nếu kêu gọi ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay thì các ngân hàng sẽ giảm lãi suất tiền gửi.

Như vậy, biên lãi suất của họ gần như không thay đổi. Trên thực tế, những ngày vừa qua, một số ngân hàng thương mại đã giảm cả lãi suất tiền gửi và giảm lãi suất cho vay.

Các ngân hàng mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép tăng trưởng tín dụng nhiều hơn, nhưng khả năng NHNN không cho tăng nhiều. Chắc chỉ khoảng một vài phần trăm và như vậy thì cũng không ảnh hưởng lắm đến lợi nhuận của ngành ngân hàng.

Yếu tố ảnh hưởng nhất, theo tôi, là Thông tư 03/2021/TT-NHNN, được Ngân hàng Nhà nước ban hành đầu tháng 4. Thông tư này cho phép các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong vòng 3 năm. Điều này sẽ phần giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực trong việc trích lập dự phòng, từ đó lợi nhuận các ngân hàng vẫn sẽ duy trì khá tốt.

Tin bài liên quan