Cơ hội lớn đón dòng vốn ESG

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những trở ngại tại Mỹ và châu Âu đã khiến dòng vốn ESG (Môi trường - Quản trị - Xã hội) chuyển hướng sang châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Theo thống kê của Morningstar, trong năm 2023, các quỹ đầu tư bền vững ở khu vực Đông Nam Á đã thu hút được dòng vốn ròng là 325 triệu USD, cao hơn 11,2% so với con số 292 triệu USD của năm 2022. Trong khi đó, toàn bộ các quỹ ESG toàn cầu đã thu hút được dòng vốn ròng là 63 tỷ USD trong năm 2023, giảm 60,9% so với năm trước đó.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Tại Mỹ, các tranh cãi chính trị xuất phát từ Đảng Cộng hòa về những nghi ngờ liên quan đến mối lo ngại "tẩy rửa xanh" (các công ty đưa ra tuyên bố sai lệch hoặc lừa đảo về lợi ích môi trường của sản phẩm, dịch vụ hoặc chính sách của họ), đã ảnh hưởng đến dòng vốn ESG của nước này. Trong năm 2023, các lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở một số bang đã quyết định rút hàng tỷ USD tiền đầu tư của Nhà nước từ các quỹ bền vững của các công ty quản lý tài sản hàng đầu như BlackRock. Đồng thời, họ cũng đề xuất nhiều dự luật nhằm hạn chế việc sử dụng các tiêu chí ESG trong đầu tư.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý châu Âu đã yêu cầu thắt chặt hơn trong Chế độ công bố tài chính bền vững (SFDR) đã khiến 190 tỷ USD của các quỹ ESG bị hạ cấp từ Điều 9 xuống Điều 8 trong năm ngoái. Nắm bắt cơ hội này, một số quốc gia châu Á, nhất là Đông Nam Á đã nhanh chóng thay đổi để thu hút dòng vốn ước tính gần 3.000 tỷ USD này.

Năm thành công của các quỹ đầu tư ESG ở Đông Nam Á

Các nhà đầu tư đang lạc quan hơn về Đông Nam Á, một phần do tiềm năng tăng trưởng của khu vực này sẽ cao hơn so với phần còn lại của thế giới. Tăng trưởng GDP của ASEAN-6 (Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Việt Nam) dự kiến sẽ phục hồi từ 4% năm 2023 lên 4,7% vào năm 2024 và 4,8% vào năm 2025. Ngoài ra, khu vực này sẽ được hưởng lợi từ sự kết hợp giữa quy mô dân số lớn, gia tăng tiêu dùng nội địa, đô thị hóa và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Do đó, nhiều quỹ đầu tư nhận diện các cơ hội đầu tư ESG liên quan đến chuyển đổi năng lượng, dịch vụ tài chính và đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các nước thuộc khu vực này.

Trong năm 2023, các quỹ nói chung ở Đông Nam Á có kết quả tích cực hơn nhiều so với năm 2022, trong đó các quỹ bền vững đạt được lợi nhuận trung bình cao hơn các quỹ không theo tiêu chí ESG. Theo thống kê của Morningstar, các quỹ đầu tư ESG khu vực Đông Nam Á phân bổ 2/3 tài sản vào cổ phiếu, trong khi các tài sản thu nhập cố định chỉ chiếm khoảng 6%. Các quỹ bền vững ở Đông Nam Á đạt mức lợi nhuận trung bình cả năm là 4,8%, tích cực hơn so với mức lợi nhuận âm 20,4% của năm trước. Trong khi đó, các quỹ không theo tiêu chí ESG ghi nhận mức lợi nhuận 3,1% trong cả năm 2023, so với mức âm 12,4% vào năm 2022.

Dòng vốn ESG đang có xu hướng chảy mạnh vào các nền kinh tế Đông Nam Á

Dòng vốn ESG đang có xu hướng chảy mạnh vào các nền kinh tế Đông Nam Á

Cuộc đua của các nước

Đầu tháng 12/2023, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Thái Lan (SEC) đã đưa ra hàng loạt chính sách mới dành cho các quỹ đầu tư ESG, nhằm khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư, cũng như hướng tới mục tiêu hạ tỷ lệ phát thải ròng của nước này. Theo đó, các quỹ ESG phải đầu tư vào trái phiếu Thái Lan hoặc cổ phiếu niêm yết của các công ty Thái Lan đáp ứng các yêu cầu về công bố thông tin phát thải khí nhà kính và mục tiêu giảm thiểu phát thải hoặc những công ty có hiệu quả bền vững môi trường vượt trội. Các nhà đầu tư vào quỹ ESG có thể khấu trừ tới 100.000 baht (2.800 USD) từ hóa đơn thuế đối với số tiền đầu tư không vượt quá 30% thu nhập của họ. Các khoản đầu tư ESG duy trì trong ít nhất 8 năm sẽ được miễn thuế cho phần thu nhập từ lãi khi thực hiện giao dịch bán.

Chính sách này đã nhanh chóng mang lại hiệu quả với sự tham gia của 15 công ty quản lý quỹ Thái Lan, cho ra mắt 22 quỹ đầu tư ESG ngay trong quý IV/2023, đưa tổng quy mô tài sản của các quỹ ESG nước này tăng từ 75 triệu USD vào tháng 8/2023 lên mức 236 triệu USD vào cuối năm 2023.

Malaysia, một trong những thị trường quỹ đầu tư ESG lớn nhất khu vực, cũng đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đầu tư bền vững và có trách nhiệm toàn diện theo Lộ trình đầu tư bền vững và có trách nhiệm cho cả thị trường vốn (SRIRoadmap). Tháng 2/2023, Ủy ban Chứng khoán Malaysia đã đưa ra các hướng dẫn riêng dành cho các quỹ đầu tư bền vững, chủ yếu tăng cường minh bạch thông tin, cũng như phù hợp với yêu cầu chung của thị trường vốn. Đáng chú ý là điều khoản miễn, giảm thuế cho các công ty quản lý quỹ đầu tư bền vững. Tài sản quỹ đầu tư bền vững của Malaysia đã tăng 9,22% vào năm 2023 lên mức 7,7 tỷ ringgit (1,63 tỷ USD) với 68 sản phẩm quỹ đầu tư.

Việt Nam làm gì để không bỏ lỡ cơ hội?

Tại Việt Nam, xu hướng đầu tư ESG đang ngày càng được quan tâm, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó dự báo. Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư ESG nhờ môi trường chính trị ổn định, tiềm năng phát triển năng lượng xanh lớn, tốc độ đô thị hoá cao, cũng như gia tăng tầng lớp trung lưu. Mặt khác, các nhà đầu tư Việt Nam cũng đang tìm kiếm các mục tiêu bền vững hơn trong bối cảnh có nhiều biến động. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều tiềm năng, hoạt động đầu tư ESG cũng đối mặt với một số thách thức: Các doanh nghiệp có mức độ áp dụng thực hành tốt ESG trong hoạt động kinh doanh chưa nhiều, do đó mục tiêu đầu tư còn hạn chế; nguồn thông tin và dữ liệu về thực hành ESG của doanh nghiệp còn hạn chế và chưa đồng bộ, do đó việc tiếp cận và đánh giá còn gặp khó khăn.

Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư ESG tại Việt Nam cần có sự hợp tác mạnh mẽ giữa các thành viên tham gia thị trường, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các công ty quản lý quỹ và các doanh nghiệp trên thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp cần công bố báo cáo phát triển bền vững theo các quy định cụ thể và được giám sát bởi cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp các quỹ đầu tư có nguồn dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy trong việc xây dựng các sản phẩm đầu tư ESG. Ngoài ra, cần có thêm các cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư ESG, cũng như ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các quỹ này, nhằm tạo cú huých cho dòng vốn vào lĩnh vực này trong giai đoạn đầu.

Đầu tư theo tiêu chí ESG (ESG Investing) là việc xem xét, đánh giá, ra quyết định đầu tư dựa trên các yếu tố phát triển bền vững, bao gồm: Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp (Environment - Social - Corporate Governance). Xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp có nền tảng quản trị minh bạch, có mục tiêu phát triển bền vững gắn với trách nhiệm với môi trường và xã hội, đang ngày càng tăng lên rõ rệt.

Tin bài liên quan