Hàng dệt may có dấu hiệu hồi phục về sản lượng

Hàng dệt may có dấu hiệu hồi phục về sản lượng

Cơ hội ở nhóm cổ phiếu dệt may

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index vẫn trong xu hướng đi ngang, dòng tiền đứng ngoài nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và lướt nhanh trong các nhóm vốn hóa trung bình. Một trong số ít nhóm ngành thu hút được sự quan tâm của dòng tiền là dệt may.

Nỗi lo rút tiền tại các ngân hàng ở Mỹ

Ngày 4/5/2023, các hãng truyền thông công bố, không ít ngân hàng tại Mỹ đang tìm cách bán vốn để tăng thanh khoản và củng cố chất lượng tài sản, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ ngân hàng mất thanh khoản nên bán ra cổ phiếu ngân hàng. Hệ quả, làn sóng bán tháo xuất hiện, cổ phiếu của PacWest, Western Alliance, Dominion Bank Group mất 40 - 60% giá trị. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn cũng giảm, tỷ lệ mất giá là 3%.

Ngoài yếu tố về niềm tin, nhiều nhà đầu tư với quan điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong thời gian tới đang có động thái rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng để đầu tư vào tín phiếu, trái phiếu, quỹ tiền tệ mở (MMF). Trong trường hợp Fed giảm lãi suất, giá trị của các giấy tờ có giá này sẽ tăng lên, trái với tiền gửi ngân hàng có mức lãi suất điều chỉnh theo lãi suất điều hành.

Mối lo khủng hoảng ngân hàng khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến các thị trường khác trên thế giới.

VN-Index đi ngang quanh 1.040 điểm

Sau kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày, VN-Index tuần qua có 2 phiên giao dịch, phiên đầu giảm 0,8%, phiên sau đi ngang, đóng cửa tại 1.040,31 điểm, thanh khoản ở mức trung bình.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến kỹ thuật của VN-Index không quá xấu khi tạo một cây nến đỏ thân hẹp, tiếp tục trạng thái đi ngang quanh mức 1.040 điểm. Chỉ số có xác suất cao sẽ duy trì xu hướng hiện tại.

Ghi nhận trong tuần qua, dòng tiền vẫn đứng ngoài đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm ngân hàng, mà phân hóa luân phiên vào các nhóm vốn hóa trung bình như chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, thủy sản… Đáng lưu ý, trong chính những nhóm ngành trên có sự phân hóa mạnh mẽ, chứ không có sự lan tỏa đồng thuận tăng điểm. Bên cạnh đó, khối ngoại quay lại bán ròng gần 500 tỷ đồng, tạo một lực cung đáng kể lên thị trường.

Lý giải cho trạng thái hiện tại của VN-Index là những quan ngại trước thông tin Fed tiếp tục nâng lãi suất, gây nỗi lo về một chu kỳ suy thoái kinh tế Mỹ và sự ảm đạm thường gặp vào tháng Năm trên thị trường chứng khoán, khi kết quả kinh doanh quý I đã được công bố.

DSC khuyến nghị, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân tỷ trọng vừa phải vào nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền và lựa chọn những cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng theo chu kỳ ngành hoặc tăng trưởng trong những quý tới. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng trở lại khi thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh rũ bỏ qua vùng 1.020 điểm, hoặc dòng tiền lớn quay trở lại mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu thị trường.

Ngành dệt may: Le lói tín hiệu hồi phục

Nhóm cổ phiếu dệt may gần đây nhận được sự quan tâm của dòng tiền, đặc biệt là ở các mã TNG, VGT, TCM, dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý đầu năm 2023.

Ngành sản xuất Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn, chỉ số PMI trong 2 tháng gần nhất dưới 50 và số lượng đơn hàng đặt mới trong 2 vụ xuân hè, thu đông đều ghi nhận ở mức thấp, cho thấy triển vọng của ngành dệt may cần đẩy xa hơn về những quý cuối năm.

Nhu cầu nhập khẩu còn yếu, xuất phát từ nỗi lo suy thoái của các nền kinh tế Mỹ - Âu, người dân thận trọng hơn khi chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu, trong khi thị trường Trung Quốc cần thời gian để thực sự hồi phục mảng mua sắm, bán lẻ sau thời kỳ đóng cửa chống dịch Covid-19.

Thế nhưng, số liệu kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu xơ sợi các loại và hàng dệt may có dấu hiệu hồi phục về sản lượng, xác nhận thiết lập mức đáy trong tháng 1/2023. Trung Quốc là thị trường hồi phục rõ nét nhất ở mảng xơ sợi nhờ việc mở cửa toàn bộ nền kinh tế, trong khi thị trường Mỹ cho thấy nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may quay trở lại.

Cùng với đó, ngành dệt may xuất hiện điểm sáng ở biên lợi nhuận gộp. Trong mảng xơ sợi, giá bông giảm gần 50% so với mức đỉnh năm 2022; ngược lại, giá sợi cotton và vải cotton hồi phục khoảng 10%.

Trong trường hợp sản lượng hồi phục, kết hợp với biên lợi nhuận cải thiện, ngành dệt may năm 2023 có thể sẽ khởi sắc. Một số cổ phiếu dệt may đáng quan tâm là STK, HTG, TNG, TCM. Nhà đầu tư có thể mở các vị thế giải ngân trung và dài hạn để đón đầu cơ hội.

Tin bài liên quan