Kỳ vọng kịch bản “đáy kép”

Kỳ vọng kịch bản “đáy kép”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên khung đồ thị ngắn hạn, VN-Index giảm có phần “thái quá”, không chỉ phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.050 điểm, mà còn vi phạm cả tín hiệu mua tại 1.030 điểm, khiến cho tâm lý bán hoảng loạn xuất hiện cùng lúc với đà bán ròng đẩy mạnh đến từ khối ngoại.

Bối cảnh tiền tệ thắt chặt

Trước xu hướng bất ổn vĩ mô toàn cầu cộng với việc toàn thế giới tăng lãi suất bảo vệ nội tệ sau khi Fed tăng lãi suất USD để chống lại lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn khẳng định quan điểm điều hành tỷ giá là “ổn định nhưng không cố định”, có thể hiểu là việc Chính phủ đã lựa chọn cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết và có quản lý. Tỷ giá USD/VND tự do có thời điểm cán mốc 25.000 đồng/USD, cao nhất trong lịch sử.

Trong ngắn hạn, những ảnh hưởng từ việc nới biên độ tỷ giá đồng USD giao ngay từ mức ±3% lên ±5 và về trung và dài hạn, nếu nền kinh tế vẫn diễn biến tốt như mong đợi, bức tranh tỷ giá trong những tháng cuối năm sẽ có phần hạ nhiệt và con số tỷ giá hối đoái xoay quanh tốc độ lạm phát cộng vài ba phần trăm là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tác động đang thấy rõ khi khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh và tạo ra áp lực không cần thiết lên thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn đang nằm trong cơn “bão tin đồn”.

Còn cơ sở giữ hỗ trợ 1.000 điểm

Thị trường Việt Nam chứng kiến nhịp điều chỉnh sâu nhất trên toàn cầu. Chỉ số VN-Index đóng cửa với mẫu nến Marubozu tại 1.019,6 điểm (giảm 3,65% trong ngày) với thanh khoản gia tăng vượt bật. Ở biểu đồ tuần ghi nhận thị trường có một phiên “quay xe”, mặc dù không phủ nhận toàn diện nỗ lực mua bắt đáy, nhưng vận động chỉ số cho thấy xu hướng giảm trung hạn chiếm ưu thế.

Điểm số dễ dàng quay về tiệm cận vùng hỗ trợ tâm lý tại mức 1.000 điểm, cũng là mức hỗ trợ đáng chờ đợi khi lực cầu đầu tư giá trị và trung hạn đã từng tham gia đỡ chỉ số tại vùng giá này.

Điểm sáng duy nhất đến từ động lượng thanh khoản gia tăng, cho thấy dòng tiền kỳ vọng cao với nỗ lực tạo đáy 2 tại đây; kịch bản về một đảo gom hàng “Island Reversal” vẫn còn xác suất tích lũy thành công khi vượt qua ngưỡng kháng cự tại 1.070 điểm. Tuy vậy, trong tình huống xấu nhất, thị trường phủ nhận kịch bản “đáy kép” và không giữ được ngưỡng 1.000 điểm, nhà đầu tư cần tuân thủ điểm cắt lỗ, ít nhất hạ tỷ trọng.

Ngành chú ý: Ngân hàng

Tính tới cuối tuần qua, 16 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn ngành đạt 58,8% so với cùng kỳ (theo dữ liệu FiinPro). Một số ngân hàng tập trung mũi nhọn vào mảng bán lẻ có mức tăng trưởng nổi trội trên 80% so với cùng kỳ như VIB, STB, ACB.

Tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các ngân hàng thương mại sáng 16/10, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Như vậy, với chủ trương ổn định vĩ mô, không chỉ vấn đề thanh khoản hệ thống thu hẹp; dư địa tăng trưởng hạn mức tín dụng không còn nhiều trong giai đoạn cuối năm nay. Biên lãi ròng NIM giảm tốc bởi xu hướng lãi suất huy động tăng nhưng lãi vay không tăng tương ứng do chính sách hỗ trợ vốn doanh nghiệp.

Với chính sách thắt chặt chung thì dòng tiền doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả (đặc biệt đối với doanh nghiệp bất động sản) cùng với “quả bom” trái phiếu chờ đáo hạn sẽ gây áp lực gia tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu tại ngân hàng. Tổng quát, mặc dù bức tranh lợi nhuận tích cực trong quý III, nhưng kết quả kinh doanh chung ngành ngân hàng dự báo gặp nhiều khó khăn trong quý IV/2022 và năm 2023.

Trên biểu đồ giá, mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong năm nhưng chỉ số ngành ngân hàng không tránh khỏi xu hướng giảm, ghi nhận mức giảm 38% kể từ vùng đỉnh trong tháng 2 năm nay, cao hơn mức giảm 30% của VN-Index. Góc nhìn kỹ thuật, nhóm ngân hàng thể hiện bộ mặt “tươi tắn” so với thị trường chung khi dừng chân tại đường tín hiệu Ma10; chỉ báo RSI ngay lập tức quay về vùng quá bán, kỳ vọng dòng tiền tham gia hỗ trợ. Rủi ro hệ thống đối với trái phiếu doanh nghiệp, khiến cho dòng tiền chú ý vào nhóm ngân hàng có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp thấp như VCB, BID, LPB.

Tin bài liên quan