Kết quả kinh doanh quý III/2010 của các DN ngành thép gây nhiều thất vọng (Ảnh minh họa: VNE)

Kết quả kinh doanh quý III/2010 của các DN ngành thép gây nhiều thất vọng (Ảnh minh họa: VNE)

Có nên bắt đáy cổ phiếu ngành thép?

(ĐTCK-online) Kết quả kinh doanh quý III/2010 của các DN ngành thép gây nhiều thất vọng. Những khó khăn và rủi ro của các DN hầu như đã được chiết khấu vào giá, khiến giá cổ phiếu nhóm ngành thép đang ở mức đáy. Vấn đề đặt ra là chiến lược đầu tư nào dành cho nhóm ngành này trong thời gian tới?

Giá thép năm 2010 biến động ngoài dự báo của nhiều DN

Giá thép tăng mạnh trong quý I/2010 và đạt đỉnh gần 15,5 triệu đồng/tấn do tính chu kỳ của ngành thép và giá nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu bao gồm phôi thép, thép phế, than cốc… tăng mạnh. Ngoài ra, yếu tố đầu cơ của nhiều đại lý phân phối cũng khiến cho nhu cầu tăng đột biến.

Từ giữa tháng 5/2010, giá thép trong nước liên tục điều chỉnh giảm. Nguyên nhân là do giá thép thế giới sụt giảm dưới tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và chính sách kiềm chế tăng nóng thị trường bất động sản của Trung Quốc. Điều này khiến nhiều DN thiệt hại khi đã lỡ nhập khẩu nguyên liệu giá cao từ quý I/2010.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ cùng với ảnh hưởng của tính thời vụ khiến lượng tiêu thụ thép quý II/2010 chỉ đạt khoảng 800.000 tấn, sụt giảm mạnh so với mức 1,2 triệu tấn của quý I/2010.

Sang quý III/2010, lượng thép tiêu thụ lại tăng mạnh với 1,4 triệu tấn. Giá thép trong nước cũng tăng nhanh trở lại, vượt mức đỉnh của quý I/2010, đạt xấp xỉ 16 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận nhà phân phối đã đầu cơ đón đầu tính mùa vụ và một phần là do giá phôi thép thế giới phục hồi nhẹ trở lại.

Điều đáng chú ý trong năm nay là khi ngành thép rơi vào mùa cao điểm, vào đầu tháng 10/2010, thì giá thép lại sụt giảm nhẹ và lượng cầu khá yếu. Tình hình tiêu thụ vẫn ở mức thấp so với các năm trước. Như vậy, ngành thép đang biến động thất thường và đảo ngược xu thế hàng năm.

Có nên bắt đáy cổ phiếu ngành thép? ảnh 1 

Hệ quả là lợi nhuận quý III/2010 gây nhiều thất vọng

Tình hình tiêu thụ thép trong quý III/2010 tăng 40% so với quý II/2010, giá thép cũng đã tăng trở lại. Dự báo, lượng thép tiêu thụ trong quý IV/2010 sẽ tăng nhẹ so với quý III/2010.

Tuy nhiên, lợi nhuận quý III/2010 của các DN trong ngành thép công bố gây nhiều thất vọng. Lý do chủ yếu khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh là do biến động thất thường của giá thép, tỷ giá, lãi suất và chi phí sản xuất đầu vào đều tăng mạnh. Áp lực biến động tỷ giá USD/VND lên kết quả kinh doanh của các DN ngành thép là rất lớn, do phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều DN phải tăng chiết khấu cho khách hàng và đại lý phân phối nhằm giải quyết hàng tồn kho.

 Có nên bắt đáy cổ phiếu ngành thép? ảnh 2

Điểm sáng từ các DN tập trung phát triển theo chiều dọc và thị trường ngách

Đối với ngành thép, vấn đề chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào đóng vai trò quan trọng. Việc tham gia xuyên suốt vào chuỗi giá trị ngành sẽ giúp cải thiện giá trị gia tăng, kiểm soát có hiệu quả rủi ro nguyên vật liệu đầu vào và giá bán đầu ra.

Một số DN nhỏ tập trung phát triển thị trường ngách cũng đang thu được kết quả khả quan nhất định. Điển hình như CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) đang dẫn đầu trong lĩnh vực thép hình, CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) đang mở rộng các dòng sản phẩm liên quan đến thép không gỉ…

 

Chiến lược nào cho cổ phiếu thép trong giai đoạn này?

Cổ phiếu ngành thép khá nhạy cảm với biến động giá thép trong nước và tình hình tồn kho của các DN. Diễn biến thất thường của giá thép vừa qua vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư đối với cổ phiếu nhóm ngành này.

Lợi nhuận quý II và quý III/2010 của các DN cũng kém hấp dẫn trước những biến động thất thường của ngành thép và tình hình tiêu thụ ở mức thấp. Điều này được phản ánh vào mức giá cổ phiếu ngành thép hiện tại. Mức P/E và P/B trung bình của các DN ngành thép niêm yết hiện vào khoảng 6,5 lần và 1,2 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình thị trường. Các cổ phiếu ngành thép được xem như đang ở mức đáy của thị trường.

Chúng tôi không kỳ vọng vào những biến động đột biến về lợi nhuận của các DN ngành thép trong ngắn hạn. Xét về trung và dài hạn, ngành thép đang có nhiều cơ hội phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn và có hướng ổn định hơn so với năm 2009.

Đối với trường phái đầu tư bảo thủ thì đây vẫn chưa là thời điểm thích hợp để tham gia vào cổ phiếu ngành thép. Trường phái ưa thích mạo hiểm có thể tích lũy cổ phiếu nhóm này để đón đầu cơ hội hồi phục của ngành.

Chúng tôi duy trì quan điểm lựa chọn DN phát triển theo chiều sâu (chủ động đầu vào và đầu ra), thị phần và thương hiệu lớn như POM, HPG. Một số DN phát triển nhắm vào thị trường ngách và quy mô ở mức trung bình như DTL, TLH, DNY, SHI… cũng hứa hẹn có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Đối với các DN thương mại thép như SMC, HMC, CNT…, kết quả kinh doanh thường phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường thép. Do đó, nên thận trọng và lựa chọn thời điểm tham gia hợp lý khi đầu tư cổ phiếu nhóm này.