Cổ phần hóa các “ông lớn” lại chậm

Cổ phần hóa các “ông lớn” lại chậm

(ĐTCK) Trong kế hoạch 6 tháng cuối năm, nhiều tổng công ty thuộc diện phải cổ phần hóa tổng công ty mẹ năm 2013 không nhắc dòng nào đến nhiệm vụ này.

> Cổ phần hóa “đại gia”: Khởi động sớm

> Đề xuất mới gỡ vướng cổ phần hóa 

Với tiến trình ì ạch như hiện nay, những cái tên được kỳ vọng sẽ thực hiện IPO hồi đầu năm như Vietnam Airlines, Viglacera… nhiều khả năng sẽ tiếp tục lỗi hẹn.

Theo thông tin mới nhất, Vietnam Airlines đã chọn thời điểm gút sổ sách nhằm định giá DN vào cuối quý I/2013, song việc xác định giá trị DN để có thể ra mức định giá, nếu sớm nhất cũng phải cuối năm 2013 mới xong. Như vậy, việc IPO chắc chắn sẽ phải lùi sang năm 2014. Cũng trong năm 2013, theo chỉ đạo hồi đầu năm của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, 11 tổng công ty lớn thuộc Bộ này sẽ phải cổ phần hóa công ty mẹ. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, chưa có đơn vị nào triển khai được việc này. Có nhiều vướng mắc được nêu ra, trong đó DN e ngại nhất việc định giá DN bị đẩy giá trị lên quá cao, khiến các tổng công ty chịu sức ép vốn ảo sau cổ phần hóa.

Tại Viglacera,  mọi việc dường như không có tiến triển do nhiệm vụ quan trọng nhất, theo lãnh đạo DN này, là tập trung đưa DN thoát lỗ trong 6 tháng đầu năm. Tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, Tổng công ty này cũng không hề nhắc đến kế hoạch cổ phần hóa.

Trong khi đó, cổ phiếu của các DN trên TTCK hiện nay nhiều về số lượng nhưng lại có vẻ kém hấp dẫn, một trong những nguyên nhân là quy mô DN quá nhỏ. Theo một báo cáo của Collier Capital công bố gần đây, 1/5 các nhà đầu tư tư nhân (các quỹ đầu tư lớn) trên thế giới được khảo sát cho biết, họ đang xoay sang các thị trường châu Á mới nổi như Việt Nam và Indonesia do các mối quan ngại rằng, những gì thu được từ thị trường Trung Quốc đang ngày càng ít đi và rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài lại khó tìm được các địa chỉ để bỏ vốn vào hai thị trường mới nổi này. Đơn cử, trong chuyến thăm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước mới đây, lãnh đạo Quỹ đầu tư TPG cho biết, họ quan tâm đến việc mua cổ phần hoặc mua lại các DN lớn, dự án lớn đã và đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng có rất ít DN trong tầm ngắm.

Thống kê sơ bộ từ cơ quan quản lý cho thấy, 6 tháng đầu năm chỉ có khoảng 10 DNNN được cổ phần hóa và đều là những DN quy mô nhỏ. Trong khi đó, lại có rất nhiều DN xin lùi thời điểm cổ phần hóa sau năm 2015. Trong văn bản kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bán tiếp phần vốn nhà nước ở 2 DN đã cổ phần hóa thuộc Bộ Công thương hôm 2/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng, cổ phần hóa là chủ trương và giải pháp cơ bản, quan trọng nhất trong sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Với những gì đang diễn ra trên thực tế, xem ra, khối DNNN, đặc biệt các tổng công ty, tập đoàn còn thiếu nhất quán trong nhận thức và hành động để thực hiện chủ trương này.