Cơ chế bỏ giá cao thì trúng (đấu giá) mà Việt Nam áp dụng không thực sự thuận lợi cho các nhà đầu tư

Cơ chế bỏ giá cao thì trúng (đấu giá) mà Việt Nam áp dụng không thực sự thuận lợi cho các nhà đầu tư

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Băng qua lối mòn - Kỳ 3: Tạo dựng đường cao tốc

(ĐTCK) Cổ phần hóa thực chất, tạo động lực cho doanh nghiệp “lột xác” hoàn toàn, đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ về tư duy và cách làm. Nhiều gợi mở chính sách táo bạo được kỳ vọng sớm đi vào cuộc sống, góp phần tạo ra những bước tiến dài cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Bán đứt doanh nghiệp, tại sao không?

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN diễn ra đầu tháng 12/2016, câu chuyện được nhiều nhà đầu tư nước ngoài thảo luận là tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam chỉ ra, nhiều doanh nghiệp, sau khi cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 90% (trong khi nắm giữ trên 51% đã khó thu hút nhà đầu tư lớn). Về bản chất, doanh nghiệp chưa có thay đổi gì, bộ máy lãnh đạo, cơ cấu kinh doanh vẫn như trước đây.

Có nhiều doanh nghiệp không thuộc danh mục nhà nước cần nắm giữ cổ phần, nhưng thực tế hiếm có phương án chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) bán 100% vốn nhà nước. Trong cái nhìn của nhiều tổ chức tư vấn, và nhà đầu tư, đây là một trong những lý do khiến cho nhiều đợt IPO thời gian qua kém hấp dẫn.

Để tạo đột phá cho tiến trình cổ phần hóa, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất một phương án táo bạo: với những doanh nghiệp không nằm trong danh mục Nhà nước cần nắm giữ cổ phần, ngay từ đầu, cần bán 100% vốn Nhà nước. Điều này không chỉ gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, vì họ có cơ hội được toàn quyền làm chủ doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, mà còn giúp gỡ khó cho quản lý nhà nước.

“Thực tế ở những doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nhà nước còn nắm giữ 20 - 25% vốn khiến cho việc quản lý, giám sát hoạt động sao cho đảm bảo hiệu quả đồng vốn đầu tư của nhà nước gặp nhiều khó khăn. Rải vốn ra như vậy, ngay việc tìm nhân sự để đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cũng có không ít bất cập”, ông Chung nói.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, Bộ nhận được sự đồng thuận cao về bước cải cách lớn là quy định cụ thể luôn tại quyết định này một phụ lục về danh mục các doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp mà nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn và tỷ lệ cụ thể vốn nhà nước tại từng doanh nghiệp.

“Văn bản trên được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhà đầu tư biết ngay doanh nghiệp nào trong diện cổ phần hóa và tỷ lệ vốn bán ra ngoài là bao nhiêu để triển khai, trong khi trước đây, các bộ, ngành, địa phương phải mất từ 8 tháng đến 2 năm để xây dựng danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa, doanh nghiệp mà nhà nước cần nắm vốn”, ông Đông nói. 

Bài học từ “cô gái đẹp” Vinamilk

Đợt thoái 9% vốn nhà nước tại Vinamilk, doanh nghiệp được ví von như một trong những “cô gái” đẹp nhất của “ông bố” Nhà nước, diễn ra hôm 12/12 ế gần một nửa cổ phần là một minh chứng chứng minh những đề xuất từ thị trường rất có lý.

Hiện nay, quy trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, bán vốn trước hoặc sau IPO tại các doanh nghiệp nhà nước phải thông qua hình thức chào bán cạnh tranh, đấu giá. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, cơ chế bỏ giá cao thì trúng (đấu giá) mà Việt Nam áp dụng không thực sự thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bởi lẽ, giả sử cùng là nhà đầu tư như nhau, một bên trúng giá cao, một bên trúng giá thấp, thì vô hình trung bên trúng giá cao sẽ bị đánh giá về năng lực. Đặc biệt, khi đấu giá, đòi hỏi nhà đầu tư nước ngoài phải rất am hiểu về quy trình, nếu không dễ sai sót và mất cọc.

Giới tư vấn cho rằng, nếu SCIC được áp dụng phương pháp dựng sổ, có thể có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn. Phương pháp dựng sổ đã được thực hiện thông dụng tại nhiều nước trên thế giới. Theo đó, đơn vị tư vấn sẽ đứng ra xây dựng hồ sơ, quảng bá và đo nhu cầu thị trường thông qua việc dựng sổ nhu cầu mua của các nhà đầu tư ở các mức giá khác nhau nằm trên một khung giá được xác định trước.

Cách làm này giúp bên chào bán xác định được mức giá tối ưu nhất cho đợt phát hành thành công và bớt đi các thủ tục phức tạp như việc đặt cọc, tuân theo nhiều biểu mẫu... của quy trình chào bán cạnh tranh hiện nay.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp tư nhân lớn cũng đã bắt đầu áp dụng phương pháp dựng sổ để phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và nhận được sự ủng hộ tích cực, bởi phương pháp này sẽ tạo sự minh bạch, đo lường tốt hơn sự hấp thụ của thị trường để đảm bảo sự thành công của phiên chào bán.

“Chúng tôi hy vọng, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có khung pháp lý để hỗ trợ việc chào bán cổ phần Nhà nước thuận lợi hơn”, một đại diện đến từ Morgan Stanley bày tỏ quan điểm. 

Tranh cãi quy chế mới

Dự thảo nghị định thay thế các Nghị định 59/2011, Nghị định 189/2013 và Nghị định 116/2015 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lui các vật cản và góp phần tạo ra con đường cao tốc cho tiến trình cổ phần hóa. Nhiều quy định mới đã được đề xuất, trong đó có chi phí thuê tư vấn cổ phần hóa do Ban chỉ đạo cổ phần hóa toàn quyền quyết định và bổ sung thêm phương thức bán dựng sổ…

Tuy nhiên, việc giải quyết nút thắt lớn nhất về định giá lợi thế đất đai lại chưa thuyết phục các thành viên thị trường. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay,  dự thảo Nghị định yêu cầu, doanh nghiệp cổ phần hóa phải lập phương án sử dụng đất (làm rõ đất nào là xây dựng nhà xưởng, văn phòng công ty, đất nào có ý định xây dựng nhà chung cư, trung tâm thương mại…) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và hoàn thành trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Khi đó, diện tích đất mà doanh nghiệp sử dụng chưa đúng mục đích, chưa phù hợp với quy hoạch, chưa phù hợp với ngành nghề kinh doanh sẽ được các địa phương xem xét, quyết định để thu hồi. Với đất sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê, doanh nghiệp  phải tính giá trị quyền sử dụng những khu đất này vào giá trị doanh nghiệp.

Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán bình luận rằng, sẽ chẳng có doanh nghiệp nào lập quy hoạch để rồi bị thu hồi bớt quyền sử dụng đất. Tương tự, liệu có doanh nghiệp nào trước khi cổ phần hóa dám “cầm đèn chạy trước ô tô” công bố rộng rãi rằng, tôi đã có đối tác muốn liên doanh để chuyển đổi quyền sử dụng các khu đất vàng (có như vậy doanh nghiệp mới lập được quy hoạch sử dụng đất chi tiết)? Vị chuyên gia này e ngại rằng, những quy định như vậy, nếu không được xem xét kỹ, có thể lại là vật cản mới trên con đường cổ phần hóa các doanh nghiệp.        

Ngày 26/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Danh mục Doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 - 2020, kèm theo Quyết định thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn 103 doanh nghiệp. Trong số này, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đứng đầu về số lượng, với 6 doanh nghiệp. Trong số các địa phương, Hà Nội giữ lại nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhất, với 4 doanh nghiệp.

Số 137 doanh nghiệp còn lại được phân thành ba nhóm, trong đó 4 doanh nghiệp nhà nước sẽ nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 doanh nghiệp có cổ phần nhà nước từ 50 - 65% và 106 doanh nghiệp trong nhóm nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

So với tiêu chí doanh nghiệp nhà nước của Quyết định 37/2014/QĐ-TTg, số ngành, lĩnh vực có doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã giảm còn 12, thay vì 16 ngành. Đặc biệt, tiêu chí những doanh nghiệp thành viên có vai trò chủ yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chiến lược phát triển, nắm giữ các bí quyết kinh doanh, công nghệ mà tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thiết phải nắm giữ 100% vốn để thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính được giao không xuất hiện trong bất cứ nhóm phân loại nào được liệt kê.

Các doanh nghiệp đang chuẩn bị cổ phần hóa như Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)... đều có tên trong danh sách Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Tin bài liên quan