Việc xử lý tồn tại về tài chính trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN cũng gặp nhiều  khó khăn

Việc xử lý tồn tại về tài chính trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN cũng gặp nhiều khó khăn

Cổ phần hóa “ông lớn”, trở ngại thủ tục

(ĐTCK) Mục tiêu cổ phần hóa gần 300 DN năm nay, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty (TCT), theo các chuyên gia là rất khó khăn.

Ngày 12/4 tới, TCT Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 20 triệu cổ phần thông qua HNX. Quá trình cổ phần hóa Licogi, theo một lãnh đạo DN này, có thể coi là “đoạn trường” bởi nó kéo dài tới 5 năm, do nhiều yếu tố, trong đó có việc TCT vài lần đổi “mẹ” (lúc thì trở thành con của Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, sau đó tập đoàn này giải tán, Licogi lại trở thành DN trực thuộc Bộ Xây dựng - PV). Hơn nữa, do Licogi có nhiều đơn vị thành viên (gần 15 DN), tài sản, dự án trên khắp cả nước nên quá trình định giá DN mất thời gian và kéo dài.

Tương tự, TCT Máy động lực (VEAM) cũng đang thực hiện cổ phần hóa. Nói về những phức tạp trong công tác định giá các DN lớn, một thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa TCT này cho biết, nếu là DN nhỏ thì thời hạn 1 năm kể từ thời điểm chốt xác định giá trị DN đến khi cổ phần hóa có thể hoàn thành, nhưng với các TCT, tập đoàn thì gần như không thể hoàn tất. Đơn cử, chỉ tính riêng các dự án cần xác định thủ tục, giấy phép liên quan đến đất đai, sau khi kiểm kê xong, DN phải chờ xin ý kiến chính quyền các địa phương về việc họ có đồng ý hay không để đưa vào tài sản khi định giá đất DN sau cổ phần hóa.

Việc xác định giá trị tài sản đầu tư tài chính cũng là khâu phức tạp không kém. Với các DN, công ty con đã lên sàn, thị giá cổ phiếu sẽ là căn cứ để tính giá trị. Tuy nhiên, với những DN chưa lên sàn, hiện các TCT, tập đoàn vẫn khá lúng túng. Nếu lấy theo giá trị sổ sách, có những DN thực lực cao hơn hẳn DN đang niêm yết trên sàn, nhưng giá lại chỉ bằng 20 - 25%. Chính vì sự khập khiễng này, nên có TCT đưa định giá DN lên bộ chủ quản, bộ rất e ngại và không dám thông qua.

Thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa TCT này chia sẻ: “Tôi phải ăn trực nằm chờ ở bộ để giải trình và làm việc cho kịp tiến độ. Vậy nhưng, bộ chủ quản chưa an tâm nên làm công văn gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước đề nghị cho ý kiến vào phương án xác định giá trị tài sản của DN. Mất gần tháng trời, câu trả lời mới về đến bộ với nội dung rất đơn giản là những nội dung này thuộc chức năng của bộ chủ quản. Một lần nữa, DN lại phải giải trình và trình bày từ đầu những căn cứ để dẫn đến giá trị tạm tính, dẫn chiếu hàng loạt văn bản mà trích dẫn chính xác chúng cũng mất thời gian không ít”.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, cơ quan này sẽ tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước đẩy nhanh việc sắp xếp, cổ phần hoá DN 100% vốn nhà nước giai đoạn 2014 - 2015 theo phương án, đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 DN.

Ở cấp độ thấp hơn, các bộ, ngành cần vào cuộc quyết liệt. Tại buổi làm việc của Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc thực hiện CPH phải như đánh trận, khi thời điểm, thời cơ đến thì phải thần tốc, chỉ có tiến không có lùi. Chẳng hạn, Bộ trưởng chỉ đạo, nếu có tổ chức, cá nhân nào quan tâm và đặt vấn đề mua cổ phần của công ty mẹ, công ty thành viên thuộc TCT Công nghiệp tàu thủy (SBIC), sẽ phải bán ngay. Bất cứ vướng mắc nào cũng sẽ có phương án giải quyết.

Tuy nhiên, mấu chốt là ở khâu thực thi. Khó khăn, theo nhận xét của các nhà tư vấn cổ phần hóa, là việc xử lý tồn tại về tài chính trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. Lãnh đạo một DN ngành giao thông cho biết, DN có khoản nợ khó đòi rất lớn, nếu cứ treo ở đó mà không được xử lý, DN sẽ không thể hoàn tất việc định giá. DN đề xuất cơ chế cho phép chuyển nợ về Công ty Mua bán nợ (DATC), nhưng hiện còn phải chờ ý kiến cơ quan quản lý.

Ngay như tại SBIC, dù đã có phát pháo hiệu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc cổ phần hóa các DN cũng không dễ dàng khi hầu hết đều là DN yếu, làm ăn thua lỗ và nợ lớn. Chỉ có vài ba DN được NĐT quan tâm và đó đều là NĐT nước ngoài đã từng có hợp tác với DN theo hình thức liên doanh.

“Năm 2014, chúng tôi tham gia xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản theo đoàn của Bộ Tài chính tổ chức và nhận thấy, sự quan tâm của NĐT rất hạn chế”, lãnh đạo SBIC nói.

Một khó khăn khác đến từ việc các NĐT khó có thể mua được cổ phiếu lô lớn trong các đợt cổ phần hóa DNNN lớn. Không biết sức khỏe thực của DN ra sao, không được tham gia cải thiện quản trị DN thì khó có thể khuyến khích NĐT mua cổ phần. Trong khi đó, nếu là NĐT tài chính đơn thuần, các mức giá chào bán thông qua IPO được cho là cao so với giá trị thực của DN.

Còn vô số lý do khác có thể gây trở ngại cho tiến trình cổ phần hóa DNNN. Song với quyết tâm chính trị ở mức cao nhất như hiện nay, mục tiêu cổ phần hóa hàng trăm DN trong năm 2015 có thể sẽ về đích, dù phải tạm chấp nhận về lượng, mà chưa thể ưu tiên cho chất.

Tin bài liên quan