Ảnh: Dũng Minh/ĐTCK

Ảnh: Dũng Minh/ĐTCK

Cổ phần hóa, thoái vốn: Trụ đỡ cho thị trường chứng khoán 2018

(ĐTCK) Triển vọng thị trường chứng khoán 2018 được nhìn nhận chịu tác động lớn từ chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và sẽ sôi động ngay từ những ngày đầu năm với hàng loạt doanh nghiệp bom tấn chào sàn.

Cổ phần hóa nhanh chân hút vốn

Khoảng 1 tỷ USD là số tiền dự kiến thị trường phải chi ra để hấp thụ các đợt IPO trong quý I/2018 với những tên tuổi như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power, Tập đoàn Cao su, Genco 3… Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành, có kết quả kinh doanh tốt nên bên cạnh thu hút dòng vốn nội, có sự hấp dẫn nhất định với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự chuyển động của thị trường thứ cấp có tác động cực lớn đến tâm lý và hành động của các nhà đầu tư khi tham gia các đợt IPO, nên theo quan điểm của ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), giao dịch trên sàn HOSE và HNX ngay từ đầu năm 2018 sẽ tiếp tục được nhà đầu tư chú ý mạnh mẽ, cũng là tâm điểm quan tâm của các nhà tạo lập chính sách. Yếu tố bàn tay vô hình sẽ hỗ trợ, nâng đỡ thị trường.

Nếu như trước đây, khi thị trường dội cung, nhà đầu tư thường có tâm lý e ngại và giá cổ phiếu lập tức xuống thì nay diễn biến đang có phần trái ngược. Bởi nguồn tiền đổ ra mua cổ phiếu không chỉ là dòng tiền loanh quanh trên thị trường bấy lâu nay, rút chỗ này đập vào mua chỗ khác, mà thực sự đang có dòng tiền mới với quy mô lớn, ào ạt đổ vào.

Ông Võ Trí Quang Nguyên, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán MB Chi nhánh TP. HCM cho biết, ghi nhận từ thị trường gần đây cho thấy, có một lượng tiền mới rất dồi dào từ các nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc. Những nhà đầu tư này không quá e dè và phân tích rất kỹ doanh nghiệp mà thực hiện chiến thuật đánh nhanh, quay vòng nhanh.

Hơn 1 tỷ USD chỉ là số tiền tính theo giá khởi điểm của các đợt IPO, nên rất có thể quy mô hấp thụ lượng hàng này sẽ đẩy số tiền lên chừng 2 - 2,5 tỷ USD. Đặc biệt, vấn đề dòng tiền ngoại được quan tâm khi đây là nhóm nhà đầu tư chủ đạo tham gia các đợt mua cổ phần chiến lược tại các doanh nghiệp.

Theo quy định, việc chào bán cho nhà đầu tư chiến lược diễn ra trong vòng 1 năm sau IPO, tức là trong năm 2018 và tổng lượng tiền để các doanh nghiệp đều bán thành công (nếu chỉ tính theo giá trúng thầu bình quân là giá khởi điểm của các đợt chào bán), số tiền sẽ vọt lên hơn 10 tỷ USD.

Hàng chục tỷ USD đổ vào nền kinh tế Việt Nam qua con đường cổ phần hóa sẽ tác động vô cùng lớn đến các cán cân kinh tế vĩ mô như ngoại hối, chính sách tỷ giá, đầu tư công… Do đó ở tầm kinh tế vĩ mô, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, sẽ là bài toán được nâng lên đặt xuống và tính toán vô cùng cẩn trọng.

Thoái vốn: Nói được làm được

Đánh giá về thị trường chứng khoán 2017, có một điểm các thành viên thị trường đều đánh giá rất cao, đó là việc thoái vốn hàng khủng đã được thực hiện tốt. Kết quả thoái vốn doanh nghiệp nhà nước năm 2017 của Chính phủ rất thành công với những thương vụ lớn điển hình như Sabeco, Vinamilk…

Đó là những doanh nghiệp nhà nước hoạt động tốt, tiếp tục có tiềm năng phát triển cho nên đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phương thức thoái vốn cũng thuận tiện, công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể tham gia. Giá bán thu được rất cao so với dự kiến ban đầu, tạo ra lực đẩy lớn cho thị trường chứng khoán, cho thấy mức độ tác động của hàng khủng với thị trường lớn đến mức độ nào.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ngay trong quý I/2018, SCIC sẽ triển khai việc thoái vốn tại các doanh nghiệp quy mô lớn bị lỗi hẹn năm 2017 như Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), Domesco (DMC), FPT và tiếp tục triển khai việc bán vốn tại các doanh nghiệp đầu ngành khác như Bảo Minh, Vinare, Sa Giang, Khoáng sản Hà Giang…

Ngoài SCIC, nhiều tên tuổi ở các doanh nghiệp trực thuộc các bộ, ngành, tập đoàn cũng triển khai bán vốn quyết liệt, đơn cử như Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các tổng công ty của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các tổng công ty có vốn góp của Bộ Công thương như Viglacera, Tổng công ty Thép, Tập đoàn Dệt May (Vinatex)… cũng rậm rịch lộ trình thoái vốn.

Danh sách các doanh nghiệp sắp thoái vốn nêu trên đa số là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả và có những yếu tố khác thu hút nhà đầu tư như thương hiệu, thị trường, nhân sự, bề dày lịch sử hoạt động. Đặc biệt, nhà đầu tư có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần, nói cách khác là mua thâu tóm được cả doanh nghiệp. Đây là cơ hội được đánh giá không lặp lại nên sự sôi động vào - ra của các nhà đầu tư là điều có thể dự đoán trước.

Đặc biệt, nếu như các năm trước động thái bán vốn tại doanh nghiệp lớn được khơi lên, nhưng hầu như ít triển khai khiến nhà đầu tư chưa thực sự tin tưởng cơ quan quản lý nói được làm được, thì những chuyển biến của năm 2017 đã thay đổi hoàn toàn quan điểm đó. Yếu tố này theo nhìn nhận của giới kinh doanh chứng khoán, sẽ tạo lực hỗ trợ rất tốt cho thị trường trong năm 2018 vì nhà đầu tư tin tưởng rằng, những đợt thoái vốn được công bố, được đánh động sẽ được sớm triển khai trong thực tế.

Cơ chế mở, hút vốn lớn

Bán vốn nhà nước phải công khai minh bạch, điều này đang được cải thiện mạnh mẽ và được giám sát khá nghiêm ngặt. Song với từng trường hợp, phương thức bán sẽ được cân đong rất kỹ để có thể tối đa hóa nguồn lực thu về.

Hai khung pháp lý gồm Nghị định 126/2017/NĐ-CP và dự thảo sửa đổi Nghị định 91/2011/NĐ-CP đang kỳ vọng được sớm ban hành sẽ mở ra nhiều phương thức bán vốn mới, cập nhật theo thông lệ trên thế giới, càng tạo ra sự sôi động cho thị trường. Đơn cử như phương thức dựng sổ, bán cạnh tranh theo lô.

Một số cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá cũng được các cơ quan chức năng xem xét, cho phép áp dụng nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài như miễn chào mua công khai, cho phép đặt cọc bằng USD, được phép nộp mã số giao dịch muộn (gia hạn nhiều nhất 15 ngày sau ngày thanh toán), giao dịch ký quỹ có thể được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được cấp thẩm quyền.

Nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị 100% giá trị giao dịch vào ngày thanh toán, vì tiền đặt cọc là một phần của thanh toán (năm 2016, nhà đầu tư phải chuẩn bị 110% giá trị thanh toán và được hoàn lại 10% sau khi giao dịch hoàn tất). Với các thương vụ lên tới vài tỷ USD, đây là một điểm thuận tiện rất lớn cho các nhà đầu tư.

Năm 2017, thị trường rộn ràng với khoảng 1,2 tỷ USD, giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường niêm yết (tương đương 26.000 tỷ đồng cổ phiếu) đối lập với bức tranh năm 2016, khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 11/2017, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016.  Rất nhiều dữ liệu như đã phân tích khiến cho kỳ vọng về một năm sôi động của cả khối ngoại, khối nội trên thị trường chứng khoán, năm 2018, đang ngày một rõ nét.

Tin bài liên quan