Hàng trăm quỹ đầu tư đến tìm kiếm cơ hội qua  Gateway to Vietnam

Hàng trăm quỹ đầu tư đến tìm kiếm cơ hội qua Gateway to Vietnam

Cổ phần hoá và cơ hội đầu tư, khi nào 2 thành 1?

(ĐTCK) Kế hoạch cổ phần hoá (CPH) 432 DNNN trong năm 2014 và 2015 được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội mới thu hút sự quan tâm của đông đảo các NĐT trong và ngoài nước.
Hàng trăm quỹ đầu tư đến tìm kiếm cơ hội này tại Việt Nam, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy, kỳ vọng làn sóng IPO vẫn chưa trở thành hiện thực.

Diễn biến mới

Tại hội thảo Gateway to Vietnam 2014 với chủ đề “Tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam” do SSI tổ chức, ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, cho biết, Thủ tướng vừa ký phê duyệt phương án CPH Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Theo đó, Vietnam Airlines có vốn điều lệ 14.000 tỷ đồng, trong đó 75% sẽ do Nhà nước nắm giữ, 20% sẽ bán cho đối tác chiến lược và 5% còn lại bán cho người lao động và bán đấu giá ra bên ngoài.

Theo quyết định này, sau CPH, Vietnam Airlines sẽ phải niêm yết ngay trên TTCK nếu đủ điều kiện. Về lâu dài, tùy điều kiện cụ thể, Nhà nước sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu xuống còn 65%.

CPH được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong đề án cải cách DNNN nhằm tăng tính minh bạch, hiệu quả và thu hút các nguồn lực từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Ông Dũng cho biết, chương trình cải cách DNNN ở Việt Nam đã được triển khai từ năm 1996, được đẩy nhanh hơn vào giai đoạn 2001 – 2005, đặc biệt là giai đoạn 2014 - 2015. Số lượng DNNN nắm giữ 100% vốn đã giảm dần, từ 12.000 DN vào năm 1986 xuống còn 5.600 DN đến năm 2001 và còn 1.200 DN tính đến đầu năm 2014.

“Cải cách DNNN là một trong 3 trọng tâm cải cách nền kinh tế. Chính vì vậy mà từ tháng 7/2012, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Trong quyết định tái cơ cấu này có 4 nội dung quan trọng. Một là thể chế, bao gồm thể chế cho các DN mà Nhà nước còn nắm giữ 100% vốn. Hai là hoàn thiện khung pháp luật để đẩy mạnh tái cơ cấu. Ba là thực hiện quyền và nghĩa vụ về sở hữu của Nhà nước. Và bốn là CPH”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, đến thời điểm này đã có 4.100 DN được CPH. Theo lộ trình, giai đoạn 2014 - 2015 phải CPH 432 DN, gồm một tập đoàn là Vinatex, 3 tổng công ty (90 - 91) là Vietnam Airlines, Vicem (Tổng công ty Xi măng Việt Nam) và Vinalines (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam).

Tính đến ngày 10/9, đã có 65 DN được phê duyệt chuyền thành công ty cổ phần, trong đó có Vinatex và mới đây là Vietnam Airlines.

Trong 432 DN thuộc diện CPH, đã có 360 DN thành lập ban chỉ đạo CPH, khoảng 253 DN đang tiến hành xác định giá trị DN và 100 DN đã công bố giá trị DN. Ông Dũng cho biết, có khả năng 150 DN sẽ được phê duyệt phương án CPH và thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) ngay trong năm nay.

NĐT vẫn chờ

Tại phiên thảo luận về chủ đề “Làn sóng IPO”, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ý chí chính trị về cải cách DNNN nói chung và CPH nói riêng chưa bao giờ rõ rệt như hiện nay. Tuy nhiên, ý chí chính trị không thôi chưa đủ, mà còn cần phải có các giải pháp mang tính kỹ thuật.

“Khó khăn nhất khiến CPH chậm hiện nay là vấn đề kỹ thuật. Đó là vấn đề định giá, tìm kiếm đối tác chiến lược, xử lý lao động dôi dư và lên sàn sau CPH. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc để cùng nhau tháo gỡ”, ông Thành nói.

Về vấn đề gắn CPH với niêm yết để tạo cơ hội thu hút các NĐT, TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, theo quy định hiện hành, các DN chào bán cổ phần ra công chúng sau một năm sẽ phải lên sàn. Bên cạnh đó, quyết định gần đây của Chính phủ cũng yêu cầu DN khi xây dựng phương án CPH phải kèm theo kế hoạch niêm yết.

Ông Bằng cho biết thêm, UBCK đang soạn thảo văn bản để Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành quyết định, trong đó có nội dung yêu cầu DN sau khi đấu giá cổ phần xong, phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường có tổ chức trong vòng 60 ngày.

“Thị trường có tổ chức gồm thị trường niêm yết và thị trường UPCoM, trong đó UPCoM không yêu cầu DN phải có Nghị quyết ĐHCĐ về việc đăng ký giao dịch. Quy định này tạo thuận lợi hơn cho các DN sau IPO đưa cổ phiếu lên sàn, từ đó thu hút được sự quan tâm của NĐT”, ông Bằng giải thích.

Chia sẻ ý kiến cho rằng, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại nhiều DN đã CPH hiện nay còn cao, NĐT chưa có cơ hội tham gia. Điều này kéo theo việc dù đã chuyển sang công ty cổ phần nhưng cách thức hoạt động hầu như không có gì thay đổi, ông Dũng thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề quản trị thay đổi không bao nhiêu, hoạt động của DN vẫn trong tình trạng trì trệ. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, CPH lần này đang được thực hiện quyết liệt, DN nào đã CPH sẽ phải tiếp tục thoái vốn theo tỷ lệ và lộ trình yêu cầu.

Trao đổi với ĐTCK về những băn khoăn nếu Nhà nước bán ra bên ngoài với tỷ lệ cao hơn thì liệu thị trường có bội thực, dẫn đến kế hoạch CPH không thành công, vì có đến 432 DN CPH chỉ trong vòng 2 năm?

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, CPH không chỉ là chuyển từ DNNN thành công ty cổ phần. Đó là mục tiêu của Nhà nước. Đối với NĐT, vấn đề họ quan tâm là sau CPH, Nhà nước sẽ còn nắm giữ tỷ lệ bao nhiêu tại DN; DN có lên sàn hay không? Nhà nước sợ bán nhiều sẽ ế, nhưng đối với NĐT, số lượng CPH ra bên ngoài phải đủ lớn mới có sức hấp dẫn, giúp NĐT có thể tham gia vào hoạt động quản lý và điều hành tại DN.

Rõ ràng, việc CPH 432 DN trong vòng 2 năm có thể tạo ra một làn sóng IPO, nhưng làn sóng đầu tư vào các cơ hội này vẫn chưa có. Các NĐT vẫn phải chờ cho đến khi các DN tiếp tục bán bớt phần vốn Nhà nước sau khi đã IPO.

VN-Index trong 8 tháng đầu năm đã tăng 25%, mức vốn hoá thị trường tăng 40%, thanh khoản cải thiện mạnh mẽ với khối lượng giao dịch trong 8 tháng tăng 80% so với mức bình quân của năm 2013. Vốn gián tiếp vào TTCK tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn qua các đợt IPO tăng 40% so với cùng kỳ… Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, TTCK đang rất thuận lợi, Nhà nước cần mạnh tay bán bớt phần vốn của mình tại các DN mà Nhà nước vẫn còn nắm giữ tỷ lệ sở hữu cao, tạo cơ hội cho các NĐT tham gia thị trường hơn nữa.

Tin bài liên quan