Vietcombank sẽ phát hành thêm 30% vốn điều lệ. tức gần 4.000 tỷ đồng.

Vietcombank sẽ phát hành thêm 30% vốn điều lệ. tức gần 4.000 tỷ đồng.

Cổ phần hóa VCB: Chỉ có 6,5% được đấu giá công khai

(ĐTCK-online) Cuối cùng thì Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã nhận được quyết định cổ phần hóa sau thời gian dài chờ đợi từ phía các nhà đầu tư. Với một cái tên mới là Ngân hàng TMCP Ngoại thương, ngân hàng này đang được dự đoán sẽ trở thành doanh nghiệp có tổng giá trị vốn hóa lớn nhất Việt Nam với số vốn hàng chục tỷ USD.

Điều này có thể trở thành hiện thực khi lượng cổ phiếu được bán đấu giá công khai trong nước chỉ chiếm 6,5% vốn điều lệ (khoảng 975 tỷ đồng), lượng cung nhỏ trong điều kiện TTCK đang ấm lên thì một kịch bản cho sự chênh lệch lớn về cầu so với cung sẽ tác động mạnh tới kết quả đấu giá lần đầu của Vietcombank.

Cũng theo quyết định này, Vietcombank sẽ phát hành thêm 30% vốn điều lệ, tức gần 4.000 tỷ đồng, đưa mức vốn điều lệ của Ngân hàng lên 15.000 tỷ đồng sau cổ phần hóa. Trong 30% vốn phát hành thêm này, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được mua tối đa 20% vốn; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và trái chủ của trái phiếu tăng vốn 3,5% và bán ra bên ngoài 6,5%.

Một điểm đáng chú ý đối với Vietcombank đó là ngân hàng này sẽ chọn đối tác chiến lược trước khi tiến hành IPO. Theo lãnh đạo Vietcombank thì hiện Ngân hàng vẫn trong giai đoạn lựa chọn và đàm phán. Tuy nhiên, danh sách các đối tác chiến lược đã được “lọc” còn 3 đối tác là các ngân hàng lớn đến từ Mỹ và châu Á.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì Vietcombank sẽ được chọn tối đa 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tuy nhiên chính xác con số 2 hay 1 nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa được làm rõ, bởi điều này có thể ảnh hưởng tới quyết định của đối tác trong giai đoạn đàm phán hiện nay. Đó là từ phía Vietcombank, còn về phía các đối tác nước ngoài tham gia đàm phán, được biết tất cả đều mong muốn Vietcombank sẽ chỉ chọn 1 đối tác chiến lược nước ngoài với tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tối đa cho phép là 20%.

“Chúng tôi sẽ hoàn tất việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tiềm năng cũng như mức giá khởi điểm tiến hành đấu giá công khai lên Thủ tướng Chính phủ quyết định trong tháng 10 này, mọi thông tin về mức giá cho đối tác cũng như giá khởi điểm… đều chưa có quyết định cuối cùng nên nhà đầu tư phải lưu ý, tránh các tin đồn thổi”, lãnh đạo Vietcombank cho biết.

Hiện có một vấn đề cũng chưa được xác định chắc chắn là thời điểm cụ thể cho IPO của Vietcombank mà chỉ biết rằng, sau khi lựa chọn xong đối tác chiến lược thì Vietcombank mới tiến hành IPO.

Cũng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì sau khi tiến hành IPO, Vietcombank được quản lý một phần tiền thu được từ cổ phần hóa để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi hoàn thành cổ phần hóa Vietcombank.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vietcombank sẽ là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Ngoài ra, Hội đồng quản trị của Vietcombank sẽ được quyền quyết định về vấn đề hình thành Tâp đoàn Tài chính Vietcombank. Đây là một sự thay đổi lớn so với hiện nay khi đại diện chủ sở hữu của Vietcombank vẫn là Ngân hàng Nhà nước. Sự kỳ vọng về những thay đổi trong cơ chế quản trị, điều hành có thực hiện được hay không, mấu chốt nằm ở chỗ này.