Cổ phiếu bất động sản và thép hút tiền

Cổ phiếu bất động sản và thép hút tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi “ghé thăm” nhóm ngân hàng và chứng khoán, góp phần giúp VN-Index bứt lên mạnh mẽ qua đường M200, xác lập xu hướng tăng dài hạn, dòng tiền đã trở lại với địa chỉ quen thuộc thời gian qua mang tên "bất động sản".

Với những kỳ vọng về việc thị trường bất động sản sẽ trở lại sau những chính sách hỗ trợ và giải pháp quyết liệt từ Chính phủ và các bộ ngành trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho thị trường, thậm chí tới cả các doanh nghiệp, dự án cụ thể, nhóm cổ phiếu bất động sản đã nhận được sự quan tâm lớn dòng tiền đón đầu cơ hội.

Dòng tiền chảy mạnh đã giúp nhiều mã, đặc biệt là các mã bất động sản nhỏ nổi sóng lớn trong khoảng khoảng 2 tháng qua, có nhiều mã tăng mạnh hơn 80%, qua đó cũng giúp VN-Index tăng điểm trong tháng được xem là “bán và đi chơi” - tháng 5, dù mức tăng của thị trường chung là không lớn do sức kéo của nhóm bluechip, trong đó có nhiều nhóm dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán.

Tuy nhiên, sau khi có được khoản lợi nhuận lớn ở nhóm bất động sản, nhiều nhà đầu tư thực hiện hóa lợi nhuận để chuyển hướng tìm kiếm cơ hội ở các mã dẫn dắt khác là ngân hàng, chứng khoán. Với việc 2 nhóm dẫn dắt này, đặc biệt là ngân hàng thu hút được dòng tiền, VN-Index đã phá vỡ thế đi ngang, bứt lên mạnh mẽ để vượt qua ngưỡng cản mạnh MA200, xác lập xu hướng tăng dài hạn khi bước vào tháng 6.

Tuy nhiên, con sóng ở 2 nhóm ngân hàng, chứng khoán không duy trì được lâu, chỉ đủ thời gian T+ đã bị nhanh chóng quay đầu điều chỉnh trong phiên hôm nay (7/6), khiến VN-Index gặp rung lắc.

Dường như nhà đầu tư dự báo các ngân hàng sẽ đối mặt với ít nhất là một năm khó khăn, nhất là với vấn đề nợ xấu khi nền kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của nhiều khách hàng, nên nhanh chóng hiện thực hóa lợi nhuận. Nhóm chứng khoán được dự báo sẽ tích cực hơn, nhưng do thanh khoản chưa được cải thiện rõ rệt nên cũng chỉ tạo sóng một vài phiên.

Trong khi đó, đánh giá nhóm bất động sản mới là nhóm nhiều tiềm năng, cùng với đó là các nhóm có liên quan tới đầu tư công như nguyên vật liệu, xây dựng…, nên dòng tiền nhanh chóng quay lại với nhóm này, kéo nhiều mã tăng mạnh cả điểm số và thanh khoản, qua đó cũng kéo VN-Index trở lại trên tham chiếu và giữ được phiên tăng thứ 5 liên tiếp.

Trong phiên hôm nay, nhóm bất động sản nổi sóng, không chỉ các mã nhỏ EVG, QCG, TDH, mà cả các mã vốn bị xả mạnh giai đoạn trước là NVL, PDR và HPX cũng đồng loạt khoác áo tím hôm nay với lượng dư mua trần còn khá lớn, trên dưới 2 triệu đơn vị.

Trong đó, NVL là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với hơn 53 triệu đơn vị, đóng cửa kịch trần 14.550 đồng, còn dư mua trần 1,34 triệu đơn vị. Tiếp đến là PDR khớp 22,3 triệu đơn vị, đóng cửa còn dư mua trần (15.950 đồng) gần 2,17 triệu đơn vị. Trong khi đó, HPX cũng khớp khá tốt 10,12 triệu đơn vị, còn dư mua trần (4.320 đồng) 2,17 triệu đơn vị.

Trong nhóm bất động sản, xây dựng hôm nay chỉ có khoảng 10 mã giảm với mức giảm nhẹ. Trong khi ngoài 6 sắc tím đã điểm tên ở trên, số còn lại cũng tăng khá mạnh. Trong đó, VPH, HBC tăng gần trần, ITA, DRH tăng gần 6%, FCN, LDG tăng hơn 5%, có 8 mã tăng từ 3% đến gần 5%. Trong số đó, DIG và DXG có giao dịch sôi động với thanh khoản lần lượt là 24,95 triệu đơn vị và 22,37 triệu đơn vị. Ngoài ra, trong Top các mã có thanh khoản tốt hôm nay cũng góp mặt thêm 2 mã bất động sản khác là VCG với 15,28 triệu đơn vị và HQC với 15,8 triệu đơn vị.

Không khởi sắc như nhóm bất động sản, nhưng nhóm thép cũng có phiên giao dịch đáng ghi nhận khi toàn bộ tăng giá, trong đó POM tăng kịch trần lên 6.600 đồng. Trong khi HPG là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 55,49 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,9% lên 22.600 đồng. HSG cũng tăng mạnh hơn 4% lên 16.750 đồng, khớp 28,56 triệu đơn vị, đứng thứ 4 trên sàn.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng và chứng khoán có sự phân hóa, trong đó nhóm ngân hàng mã lớn VCB giảm tới hơn 2% về 97.000 đồng, BID cũng giảm 1% xuống 44.350 đồng. Riêng 2 mã này đã lấy đi của VN-Index gần 3 điểm. Bên cạnh đó là SHB, LPB với mức giảm lần lượt là 1,6% xuống 12.300 đồng và 2,3% xuống 15.000 đồng. Trong đó, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và thứ 3 trên sàn với 40,76 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, EIB tăng mạnh nhất 2,4% lên 21.450 đồng, tiếp đến là TPB (+1,7%), MSB (+1,6%), CTG (+0,7%), các mã VPB, ACB, STB và SSB tăng nhẹ trên dưới 0,2%.

Nhóm chứng khoán có 2 tăng trần là TVB và TVS, cùng 3 mã khác tăng là VIX, ORS và VCI, trong khi các mã bluechip ngoại trừ VCI tăng nhẹ hơn 0,1%, còn lại đều giảm. Trong đó, SSI giảm nhẹ 0,2% xuống 25.100 đồng, VND sau thời gian bùng nổ cũng điều chỉnh nhẹ 0,3% xuống 19.250 đồng, HCM cũng giảm 0,5% xuống 27.550 đồng.

Về thị trường chung, với lực đỡ từ nhóm bất động sản và thép, VN-Index đã bật trở lại, duy trì phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, nhưng do lực cản từ các mã lớn ngân hàng, nên đà tăng rất hạn chế.

Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 1,23 điểm (+0,11%), lên 1.109,54 điểm với 241 mã tăng và 134 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.000,7 triệu đơn vị, giá trị 18.082,7 tỷ đồng, tăng 19% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 70,3 triệu đơn vị, giá trị 1.566,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, HNX sau nửa đầu phiên chiều rung lắc, đã bật dậy mạnh mẽ leo thẳng lên mức cao nhất ngày trước khi hạ nhiệt nhẹ trong đợt ATC, nhưng thanh khoản lại sụt giảm so với phiên hôm qua.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,61 điểm (+0,71%), lên 230,33 điểm với 114 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 117 triệu đơn vị, giá trị 1.870,5 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,9 triệu đơn vị, giá trị 46,2 tỷ đồng.

Trên sàn này, các mã có giao dịch sôi động, thu hút dòng tiền vẫn là các mã quen thuộc là SHS, CEO, PVS. Trong đó, SHS khớp lớn nhất với 17,45 triệu đơn vị, tiếp theo là CEO với 11,27 triệu đơn vị, PVS khớp 6,83 triệu đơn vị. Trong 3 mã này, SHS và PVS đóng cửa ở mức tham chiếu 12.700 đồng và 31.000 đồng, chỉ có CEO tăng 3,8% lên 27.600 đồng.

Ngoài CEO, một mã bất động sản khác trên sàn này cũng tăng mạnh là NRC với 8,3% lên 6.500 đồng, khớp 4,04 triệu đơn vị. HUT tăng 1,6% lên 18.600 đồng, khớp 3,75 triệu đơn vị, IDJ tăng 2% lên 15.300 đồng, khớp 3,19 triệu đơn vị.

Trong khi thị trường UPCoM có chủ yếu lình xình dưới tham chiếu trước khi kịp bước qua vạch xuất phát để có sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,15%), lên 84,56 điểm với 194 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,8 triệu đơn vị, giá trị 767 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 14 tỷ đồng.

Hôm nay BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với gần 9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,1% lên 17.600 đồng. Tiếp đến là VHG khớp 4,14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,8% lên 3.700 đồng. Ngoài ra, có 8 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị, chủ yếu là tăng giá khi đóng cửa, thậm chí có HHG tăng kịch trần lên 2.700 đồng, chỉ có 2 mã đứng tham chiếu là ABB và PAS.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng như chứng khoán cơ sở nhưng thấp hơn. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 6 VN30F2306 tăng 1,9 điểm (+0,17%), lên 1.098 điểm với 157.620 hợp đồng được chuyển nhượng, tổng giá trị 17.281,9 tỷ đồng. Khối lượng mở 56.319 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng biên độ biến động của các mã hôm nay không lớn như thường nhật. Hôm nay CHPG2227 do HSC phát hành là mã có thanh khoản nhất với 3,87 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 12,7% lên 2.300 đồng.

Tin bài liên quan