Cổ phiếu bất động sản - xây dựng nâng đỡ, VN-Index bật tăng cuối phiên

Cổ phiếu bất động sản - xây dựng nâng đỡ, VN-Index bật tăng cuối phiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Áp lực gia tăng trên diện rộng khiến chỉ số VN-Index chịu sự rung lắc mạnh, nhiều thời điểm đã lùi khá sâu qua tham chiếu, nhưng vẫn tăng điểm khi kết phiên nhờ lực đỡ từ nhóm bất động sản - xây dựng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 27/6, VN-Index tiếp tục đà tăng và có lúc đã vượt qua mốc 1.135 điểm. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì lâu, mà nhanh chóng suy yếu sau đó, thậm chí còn lùi qua tham chiếu. Dù vậy, chỉ số vẫn kết thúc phiên sáng trong sắc xanh nhạt.

Bước vào phiên giao dịch chiều, VN-Index liên tục rung lắc khi áp lực bán gia tăng mạnh hơn, nhất là tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Việc trụ đỡ quan trọng nhất suy yếu, khiến VN-Index phần lớn giao dịch dưới tham chiếu trong phiên chiều, trước khi bất ngờ bật tăng vào cuối phiên nhờ sự nâng đỡ của một số cổ phiếu bluechips.

Thị trường tuy tăng điểm, nhưng thanh khoản lại giảm mạnh khi hoạt động giao dịch trở nên thận trọng hơn sau phiên biến động mạnh trước đó.

Đóng cửa, với 221 mã tăng và 194 mã giảm, VN-Index tăng 2,3 điểm (+0,2%) lên 1.134,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 722 triệu đơn vị, giá trị 14.682 tỷ đồng, giảm 31% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên 26/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 80,36 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.

Sau phiên tích cực trước đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu suy yếu thấy rõ. Chỉ còn CTG và SSB giữ được sắc xanh nhạt, còn lại đa phần giảm điểm, song mức giảm không quá mạnh.

Trong 10 mã khớp lệnh cao nhất từ 3-14 triệu đơn vị thì đều không tăng và có tới 8 mã giảm, trong đó khớp lệnh nhiều nhất là VPB với 14,4 triệu đơn vị và giảm 0,7% về 20.100 đồng. Ba mã thanh khoản cao tiếp theo là SHB, STB và MBB khớp từ 10-11 triệu đơn vị, trong đó STB đứng giá 29.600 đồng, còn SHB và MBB giảm khoảng 0,5%.

Trong khi nhóm ngân hàng trở thành gánh nặng thì nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu đóng vai trò trụ đỡ chính cho VN-Index trong phiên này. Nhiều cổ phiếu trong nhóm này tăng tốt cả về thanh khoản lẫn điểm số như NVL, KBC, VHM, VRE, HPG, HHV, HBC… để nâng đỡ chỉ số.

Trong đó, NVL dẫn đầu thanh khoản HOSE với hơn 31 triệu đơn vị, tăng 0,7% lên 15.000 đồng. HPG khớp 19,9 triệu đơn vị, tăng 2,5% lên 25.800 đồng. HHV khớp 12,76 triệu đơn vị và tăng 1,7% lên 15.250 đồng…

Nhóm chứng khoán cũng giao dịch tích cực khi các mã đầu nganh như SSI, VND, HCM, VCI… đều tăng điểm và thanh khoản cao, chẳng hạn SSI +3,1% lên 26.600 đồng và khớp 20,38 triệu đơn vị; VND +1,6% lên 19.650 đồng và khớp 16,76 triệu đơn vị. VIX khớp lệnh nhiều nhất nhóm với 23,75 triệu đơn vị, nhưng giảm 3,5% về 11.100 đồng.

Dòng tiền cũng tìm đến những nhóm ngành mới như dầu khí, vận tải để tìm kiếm cơ hội. Theo đó, PVT và PVP tăng kịch trần lên 53.600 đồng và 14.400 đồng, khớp lệnh lần lượt 9,1 triệu và 2,01 triệu đơn vị. Các mã VOS, HAH, VIP đều tăng từ 4-6%, khớp lệnh từ 2,8-5,2 triệu đơn vị.

GEX có thanh khoản vượt trội so với các mã còn lại trong nhóm với 22,6 triệu đơn vị, nhưng lại giảm 2,7% xuống 19.900 đồng.

Ở những nơi khác, lực mua thăm dò giúp khá nhiều cổ phiếu tăng trên dưới 2% và phân tán ở nhiều nhóm ngành khác nhau như bất động sản, hóa chất, thủy sản… với những cái tên như EVG, ASM, CTI, HCD, IDI, ANV, CMX, DGC, MSH…

Trái lại, cổ phiếu ST8 tiếp tục bị chốt lời và giảm sàn về 25.850 đồng, khớp lệnh hơn 0,23 triệu đơn vị. Tương tự là QCG cũng giảm sàn về 9.400 đồng và khớp lệnh 2,87 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index diễn biến kém tích cực hơn, nhất là trong phiên chiều, cho dù cũng đã có những nỗ lực kéo chỉ số..

Đóng cửa, với 105 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,08%) về 230,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 75,56 triệu đơn vị, giá trị 1.367,5 tỷ đồng, giảm 34% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên 26/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,15 triệu đơn vị, giá trị 624 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 có tới 22 mã tăng, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để kéo chỉ số sàn này vượt qua tham chiếu. Chỉ một vài mã tăng điểm đi kèm thanh khoản như PVS (+0,6% lên 32.800 đồng và khớp 7,2 triệu đơn vị), HUT (+0,5% lên 19.700 đồng và khớp 4,4 triệu đơn vị), TNG (+3,7% lên 19.700 đồng và khớp 2,77 triệu đơn vị), PVC (+2,2% lên 18.600 đồng và khớp 2,5 triệu đơn vị).

SHS dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 14,27 triệu đơn vị, nhưng đứng giá tham chiếu 13.700 đồng.

Mã CTC giữ vững sắc tím với mức tăng trần +7,1% lên 3.000 đồng. Ngược lại, các mã API, APS và IDJ tiếp tục nằm sàn với khối lượng dư bán chất đống, với API dư bán sàn hơn 6 triệu đơn vị, APS là 11,8 triệu đơn vị và IDJ là 16,8 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chìm trong sắc đỏ suốt phiên chiều, trước khi bất ngờ leo qua tham chiếu khi đóng cửa.

Đóng cửa, với 184 mã tăng và 102 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,06%) lên 85,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 42,94 triệu đơn vị, giá trị 625,81 tỷ đồng, giảm 29% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên 26/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,49 triệu đơn vị, giá trị hơn 80 tỷ đồng.

Mười mã thanh khoản tốt nhất thị trường này (khớp lệnh từ 1 triệu đơn vị trở lên) đều tăng điểm, trong đó BSR là giao dịch mạnh nhất với 7,18 triệu đơn vị, giá cổ phiếu nhích nhẹ 0,6% lên 17.500 đồng. Các mã C4G, VHG, SBS, VGT, OIL, KCV khớp từ 1-2,8 triệu đơn vị, tăng từ 1,1-4,7%.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là AAS của CTCP Chứng khoán Smart Invest, trong ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 50% và chào bán 80 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, giá cổ phiếu AAS đã tăng kịch trần +14,4% lên 11.900 đồng, khớp lệnh 1,9 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó mã VN30F2307 tăng 2,2 điểm (+0,2%) lên 1.125,2 điểm, khớp lệnh 132.592 đơn vị, khối lượng mở là 55.852 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này có 2 mã khớp lệnh cao nhất là CFPT2303 và CSTB2303, lần lượt đạt 1,656 triệu và 1,609 triệu đơn vị, kết phiên cùng giảm tương ứng 3,6% xuống 540 đồng/CQ và 2,7% xuống 4.380 đồng/CQ.

Tin bài liên quan