Cổ phiếu CAG treo giá “trên trời”

(ĐTCK) Hoạt động kinh doanh không quá nhiều nổi bật, nhưng cổ phiếu CAG của Công ty cổ phần (CTCP) Cảng An Giang đã tăng giá hơn 10 lần trong vòng chưa đầy 1 năm niêm yết, hiện thị giá đã vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu, với mức P/E tính bằng… trăm lần. 

CAG âm thầm “leo dốc”

Ngày 14/6, ông Lê Văn Phúc, thành viên HĐQT CTCP Cảng An Giang (CAG) đăng ký bán ra 264.500 cổ phiếu CAG, tương đương 50% số cổ phần mà ông đang sở hữu tại Công ty. Sau gần 1 tháng kể từ ngày đăng ký giao dịch, ông Phúc không bán được cổ phiếu nào.

Niêm yết vào ngày 4/12/2017 với giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phiếu, dù không nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư, nhưng tính đến hết ngày 30/7, cổ phiếu CAG đạt hơn 107.000 đồng/cổ phiếu. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018, CAG dự kiến doanh thu 74 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 29% so với năm 2017. Ở mức thị giá này, trên vốn điều lệ 138 tỷ đồng, CAG đang sở hữu mức P/E dự phóng không tưởng… hơn 350 lần.

Tuy nhiên, theo thống kê, trong tổng số gần 160 phiên giao dịch, có khoảng hơn 120 phiên thanh khoản của CAG là con số 0, trong đó phiên giao dịch có thanh khoản cao nhất đạt 2.200 đơn vị vào ngày 16/1/2018. Đà tăng giá của CAG theo đó nhờ vào thanh khoản nhỏ giọt, khoảng vài trăm cổ phiếu khớp mỗi phiên. Điểm đáng nói là, trừ những phiên trắng thanh khoản, những phiên khớp lệnh hầu hết giá khớp tăng gần hết biên độ.

Diễn biến này không quá khó hiểu khi mà nhìn vào cơ cấu cổ đông, cổ đông lớn và cổ đông nội bộ đã chiếm khoảng 90% vốn điều lệ CAG, trong đó Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 7,3 triệu cổ phiếu, tương đương 52,98% vốn điều lệ của CAG.

Báo cáo tài chính quý II/2018 của CAG cũng cho thấy, tính đến 30/6/2018, CAG có vốn chủ sở hữu 145 tỷ đồng, không biến động so với thời điểm đầu năm. Với giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu đạt 10.500 đồng, thì mức P/B của CAG là hơn 10 lần.

Khoảng lệch quá lớn giữa hiệu quả doanh nghiệp và thị giá cổ phiếu

Những cổ phiếu có thị giá cao đi kèm với thanh khoản nhỏ giọt là hiện tượng không hiếm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông thường, một cổ phiếu tăng giá hợp lý nếu thị giá phải được hỗ trợ từ yếu tố nền tảng tăng trưởng hoạt động kinh doanh ổn định của doanh nghiệp. Nhưng với CAG thì sao?

Tiền thân là Cảng Mỹ Thới An Giang, CAG hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2011 với vốn điều lệ 138 tỷ đồng, trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang nắm 52,98% vốn. Sau đó, phần vốn này chuyển về SCIC.

Hiện CAG đang quản lý và khai thác 2 cảng lớn của An Giang là cảng Mỹ Thới và cảng thủy nội địa Bình Long, trong đó xuất khẩu lúa gạo là một trong những mặt hàng chủ lực của CAG.

Tuy nhiên, điểm khó đối với doanh nghiệp khai thác cảng ở An Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là năng lực chưa đủ đáp ứng nhu cầu vận chuyển. Hiện nay, cảng Mỹ Thới do CAG quản lý có công suất đáp ứng tối đa cho tàu 5.000 DWT. Nếu như hoàn thành việc đầu tư mở rộng bến tàu giai đoạn 2016 - 2020, CAG có thể tăng năng lực tiếp nhận tàu lên 10.000-15.000 DWT.

Cho đến lúc đạt được mục tiêu này, CAG phải chấp nhận thực tế phần lớn nông sản xuất khẩu vận chuyển lên các cảng tại TP.HCM, khiến chi phí phát sinh, gây áp lực đến chi phí cho doanh nghiệp. Không những hạn chế về năng lực, xu hướng cạnh tranh về giá cũng khiến CAG phải đối mặt với những thách thức.

Khi cổ đông chất vấn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 rằng, vì sao Công ty đặt kế hoạch lãi 4 tỷ đồng, mức này quá thấp, Ban lãnh đạo CAG cho hay, từ năm 2016 có thêm nhiều cảng mới, Công ty phải chịu sự cạnh tranh về giá gay gắt, khiến hiệu quả kinh doanh giảm mạnh.

Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi năm đạt 14,4%, thì từ năm 2015 đến nay, kết quả kinh doanh lại cho thấy sụt giảm về cả doanh thu cũng như lợi nhuận. Đáng chú ý năm 2017, doanh thu của CAG đạt 67,8 tỷ đồng, giảm 17,5% so với năm 2016, nhưng lợi nhuận chỉ hơn 3,1 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 72% so với năm 2016. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, kết quả dù có cải thiện hơn với doanh thu 36,6 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 2,5 tỷ đồng, tăng 8,6% và đạt lần lượt 49,4% và 62,5% kế hoạch cả năm, nhưng biên lợi nhuận gộp trên doanh thu tiếp tục giảm, đạt 19,6%.

Giả sử những chiến lược kinh doanh của CAG đề ra là hợp lý và cần thêm thời gian để chuyển mình, thì với mức thị giá hiện tại, liệu đã phản ánh đúng triển vọng của doanh nghiệp? So với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực như CTCP Cảng Đồng Nai (PDN), CTCP Cảng Đà Nẵng (CDN) hay CTCP Cảng Cát Lái (CLL)… đều là các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, CAG đang là quán quân về giá, nhưng lại “bét sổ” về các chỉ số thể hiện hiệu quả kinh doanh. Năm 2017, hệ số ROA và ROE của CAG thấp nhất ngành, lần lượt đạt 4,5% và 2,1%. Ngay cả CDN là doanh nghiệp được đánh giá kinh doanh hiệu quả nhất, thì mức P/E dự phóng cũng chỉ khoảng 8 lần, còn PDN khoảng 10 lần, CLL khoảng 11,5 lần.

Điểm cộng duy nhất là dù hoạt động kinh doanh ra sao trong các năm qua, Ban lãnh đạo CAG đều duy trì trả cổ tức cho cổ đông, dù chỉ ở mức thấp. Cổ tức tiền mặt dĩ nhiên là điều mà cổ đông nào cũng mong đợi, nhưng với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, việc phân bổ lợi nhuận hợp lý cho hoạt động tái đầu tư và lợi ích của cổ đông lại là điều cần cân nhắc.

Hoạt động trong lĩnh vực cảng biển, vị trí địa lý làm nên lợi thế giá trị, nhưng quan trọng hơn, doanh nghiệp đó phải có khả năng khai thác lợi thế sẵn có và kiểm soát tốt các chi phí để tạo ra dòng lợi nhuận tăng trưởng. Nhà đầu tư luôn nhìn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh cốt lỗi của doanh nghiệp để xem xét mức thị giá liệu có hợp lý và có gì bất thường hay không. Với mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu, CAG đang có P/E cao không tưởng.                  

Tin bài liên quan