Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/3 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu DXG với giá mục tiêu 30.200 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Lợi nhuận năm 2021-2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) phục hồi mạnh nhờ bàn giao một loạt dự án cũng như mảng môi giới và mức nền lợi nhuận thấp trong năm 2020.

Bên cạnh đó, tổng giá trị sản phẩm mở bán của DXG giai đoạn 2020-2023F ghi nhận bình quân khoảng 6.000-7.000 tỷ/năm.

Thêm vào đó là kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ pháp lý tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2021, qua đó mở khóa tài sản tích lũy như Gem Riverside, Gem Premium

Năm 2021, BSC ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước đạt 7.860 tỷ đồng (tăng 172% so với năm ngoái) và 1.521 tỷ đồng so với mức lỗ 432 tỷ năm 2019, , nhờ vào bàn giao các dự án (1) Opal Boulevard, (2) Gem Sky World, (3) ST-Mortiz và sự hồi phục của mảng dịch vụ môi giới. EPS 2021 FW =2.778 đồng/cp. PE 2021 FW = 8.5 lần.

BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu DXG và nâng giá mục tiêu lên 30.200 đồng/CP (+28% so với mức giá đóng cửa ngày 09/03/2021) dựa trên phương pháp RNAV do thay đổi một số giả định sau: (1) Cập nhật thêm dự án, (2) Điều chỉnh mức chiết khấu WACC và chiết khấu rủi ro, (3) Nâng triển vọng mảng môi giới.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu VCI nằm tại mức 65.3

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu VCI của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt đang ở trong trạng thái hồi phục sau khi đã có giai đoạn giảm mạnh trong nửa cuối tháng 1. Thanh khoản tăng mạnh trong phiên hôm nay đã giúp cổ phiếu đóng cửa tại mức trần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Hôm nay ngày 10/3, đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo động lượng RSI đang ở trên giá trị 50 nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VCI nằm tại khu vực xung quanh 55.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 65.3, cắt lỗ nếu ngưỡng 52.7 bị xuyên thủng.

Tình hình kinh doanh của BSR vẫn gặp nhiều thuận lợi

CTCK MB (MBS)

Trong quý I/2021, chúng tôi dự báo sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) vẫn gặp nhiều thuận lợi khi giá dầu liên tục tăng lên. Dự kiến sản lượng sản xuất và kinh doanh đạt mức 1,5 triệu tấn, doanh thu đạt mức 19.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt mức 1.400 tỷ đồng.

Chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2021 đạt tương ứng 84.580 tỷ đồng và 3.910 tỷ đồng trên cơ sở giả định (i) giá dầu Brent đạt mức bình quân 55 USD/thùng, (ii) sản lượng tăng 16% so với năm ngoái, và (iii) giá bán tăng 30%.

Năm 2020, sản lượng sản phẩm sản xuất và bán hàng của BSR đạt tương ứng 5,96 triệu tấn và 5,93 triệu tấn, bằng 85% so với năm 2019, do trong năm công ty thực hiện dừng sản xuất để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 4 trong 51 ngày.

Trong năm, để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất dài hạn khi dầu thô trong nước suy giảm, đồng thời gia tăng hiệu quả kinh doanh, công ty đã linh hoạt thử nghiệm các loại dầu nhập khẩu khác nhau cho sản xuất. Tỷ trọng dầu thô nhập khẩu chiếm 30% tổng nhu cầu, trong đó có các loại như dầu Azeri, WTI Midland, Bony Light, Sokol...

Doanh thu bán hàng đạt 57.959 tỷ đồng, và lỗ trước thuế 2.843 tỷ đồng, đây là mức lỗ lớn nhất theo năm kể từ năm 2013 do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid19 và việc giá dầu sụt giảm mạnh trong quý I và II/2020. Lịch sử hoạt động cho thấy, trong năm 2014, mặc dù giá dầu cũng có sự sụt giảm mạnh 50% từ 110 USD/thùng đầu năm về 55 USD/thùng cuối năm, công ty cũng vẫn đạt mức lãi 64 tỷ đồng.

Tín hiệu lạc quan là trong quý IV/2020, hoạt động kinh doanh đã ổn định trở lại, nhà máy hoạt động với 108% công suất, doanh thu đạt 17.134 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.247 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đã tăng lên mức 8% trong quý này, cải thiện mạnh so với so với mức giảm 13% của 6 tháng đầu năm. Đây cũng là mức biên lợi nhuận gộp cao nhất theo quý kể từ quý II/2018.

Sau khi hoàn thành bảo dưỡng tổng thể lần 4 trong đầu tháng 10/2020, nhà máy tiếp tục hoạt động ổn định trở lại với 106%-108% công suất thiết kế. Trước đà tăng kéo dài liên tiếp hàng tháng của giá dầu kể từ tháng 10 năm ngoái, BSR đặt kế hoạch 870 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021 dựa trên giả định giá dầu 45 USD/thùng, tăng mạnh so với mức lỗ 2.849 tỷ đồng trong năm 2020.

Giá dầu đã hồi phục và tăng mạnh trở lại trong nửa cuối năm 2020 và tiếp tục tăng tốt trong hai tháng đầu năm 2021 nhờ (i) Vắc xin phòng bệnh Covid được tiêm rộng rãi tại nhiều quốc gia mang lại kỳ vọng dịch sớm được kiểm soát, kinh tế hồi phục và nhu cầu dầu tăng lên, và (ii) chính sách kiểm soát nguồn cung chặt chẽ của nhóm OPEC+.

Giá dầu đã hồi phục 22% trong nửa cuối năm 2020 và đang tăng khoảng 30% từ đầu năm đến nay, hiện đạt 64-66 USD/thùng với dầu Brent và 61-63 USD/thùng với dầu WTI. Với diễn biến và triển vọng giá dầu trong cả năm 2021, chúng tôi đánh giá kế hoạch lợi nhuận BSR đưa ra trong năm 2021 là khá thận trọng.

Chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2021 đạt tương ứng 84.580 tỷ đồng và 3.910 tỷ đồng trên cơ sở giả định (i) giá dầu Brent đạt mức bình quân 55 USD/thùng, (ii) sản lượng tăng 16% so với năm trước, và (iii) giá bán tăng 30%.

Khuyến nghị mua dành cho MWG với giá mục tiêu 214.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) công bố kế hoạch ESOP của công ty dựa trên kết quả kinh doanh năm tài chính 2020 sẽ được phát hành trong 2 đợt.

Bao gồm: Đợt đầu tiên: 9.322.480 cổ phiếu, tương ứng 2% lượng cổ phiếu lưu hành. Ngày phát hành dự kiến trong tháng 3 hoặc tháng 4. Đợt thứ hai: 932.250 cổ phiếu, tương ứng 0,2% lượng cổ phiếu lưu hành. Ngày phát hành dự kiến trong năm 2022.

Tương ứng, giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nới tương đương 49% lượng cổ phiếu mới sẽ được phát hành.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho MWG với giá mục tiêu 214.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 68,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,2%, dựa theo giá đóng cửa phiên 9/3.

Khuyến nghị mua dành cho REE với giá mục tiêu 68.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngày 09/03/2021, CTCP Cơ điện lạnh (REE) công bố tại liệu họp ĐHCĐ thường niên 2021 với kế hoạch kinh doanh tích cực cho năm 2021.

REE đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021 sẽ tăng 9% so với năm trước đó, đạt 1,769 nghìn tỷ đồng chủ yếu do tăng trưởng lợi nhuận 22% từ mảng M&E và bất động sản (bao gồm mảng cho thuê văn phòng của REE), phần nào bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng một chữ số thấp của mảng nước và lợi nhuận giảm 4% trong mảng điện.

Nhìn chung, các kế hoạch này phần lớn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021 theo kế hoạch của REE chiếm 97% dự báo tương ứng của chúng tôi.

REE sẽ tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận trong năm 2020 để có vốn đầu tư cần thiết cho dự án trong mảng điện, nước và cho thuê văn phòng. Do đó, công ty đề xuất sẽ không thanh toán cổ tức tiền mặt cho năm 2020 (so với dự báo của chúng tôi là cổ tức/CP 1.600 đồng cho năm 2020). REE cũng đề xuất sẽ để HĐQT quyết định liệu REE có thanh toán cổ tức tiền mặt trong năm năm 2021 hoặc tiếp tục đầu tư 100% lợi nhuận 2021.

REE cũng đề xuất phát hành toàn bộ 1 triệu cổ phiếu trong đợt mua cổ phiếu quỹ năm 2019 (0,3% cổ phiếu REE lưu hành) là cổ phiếu ESOP cho các nhân sự cấp cao có kết quả hoạt động tốt trong năm 2021 và 2022.

Cụ thể, cán bộ công nhân viên được lựa chọn có thể mua cổ phiếu quỹ của REE thông qua 2 đợt phát hành ESOP, trong quý 1/2022 và quý 1/2023, với giá 10.000 đồng/CP (so với giá đóng cửa hôm nay là 55.000 đồng/CP). Các cổ phiếu ESOP này sẽ không bị hạn chế giao dịch.

REE đề xuất sẽ điều chỉnh Điều lệ công ty nhằm tăng số lượng thành viên HĐQT từ 5 lên 7 thành viên, bao gồm ít nhất 2 thành viên HĐQT độc lập. Với 1 thành viên từ nhiệm trước ĐHCĐ thường niên, REE dự kiến sẽ bổ sung 3 thành viên HĐQT mới tại ĐHCĐ lần này.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho REE với giá mục tiêu 68.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 27% bao gồm lợi suất cổ tức 3%, theo giá đóng cửa hôm nay.

Tin bài liên quan