Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/7

Vocarimex: Kỳ vọng có những chuyển biến tích cực sau khi cổ phần hóa

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex là một doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng trong ngành dầu ăn của Việt Nam. Hoạt động chính của Công ty là sản xuất, tinh luyện dầu thực vật các loại và cung cấp nguyên liệu cho các công ty dầu ăn trong ngành. Vocarimex đang sở hữu cổ phần tại hầu hết các doanh nghiệp lớn trên thị trường dầu ăn và hiện chi phối khoảng 80% thị phần. Trong đó, Cái Lân có thị phần lớn nhất, kế đến là Tường An, Golden Hope Nhà Bè và đứng thứ tư là Tân Bình.

- Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân – Calofic: đây là liên doanh giữa Vocarimex và Tập đoàn Wilmar (Singapore). Calofic hiện nay đang giữ thị phần lớn nhất trong ngành dầu ăn với khoảng 37% với 3 thương hiệu phổ biến Neptune, Simply, Maizan. Năm 2013, Calofic đạt mức lợi nhuận 489 tỷ đồng.

- Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An – TAC: hiện đang nắm giữ khoảng 23% thị phần ngành dầu với duy nhất một thương hiệu Tường An cũng là thương hiệu có thị phần lớn nhất ngành dầu thực vật hiện nay. Doanh thu năm 2013 của TAC đạt 4.315 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 65,8 tỷ đồng. Năm 2014, TAC đặt kế hoạch doanh thu 4.100 tỷ và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ và dự kiến chia cổ tức 16% tiền mặt. Trong quý 1/2014, TAC đã ghi nhận doanh thu 1.086 tỷ và lợi nhuận sau thuế 8.45 tỷ đồng, tương ứng 26% và 17% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm.

- Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè: được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Vocarimex và Tập đoàn Sime Darby (Malaysia) một tập đoàn chuyên về trồng cọ dầu và cao su. Hoạt động kinh doanh của Golden Hope Nhà Bè trong năm 2013 không hiệu quả, lợi nhuận Công ty ghi nhận mức lỗ 36 tỷ đồng. Thị phần của Công ty ước tính trên dưới 10%.

- Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình – Nakydaco: có thị phần khá khiêm tốn so với các công ty còn lại ước tính khoảng 4%. Năm 2013, Nakydaco đạt doanh thu 761 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ 2,2 tỷ đồng. Công ty đặt kế hoạch doanh thu cho năm 2014 tỷ là 890 tỷ và lợi nhuận sau thuế 6,5 tỷ đồng.

Kinh doanh dầu xá là nguồn doanh thu chính của Vocarimex (công ty mẹ). Khách hàng mua dầu xá cùa Công ty chủ yếu là hai công ty thành viên là Tường An, Tân Bình và các khách hàng công nghiệp. Doanh thu từ dầu xá đem lại 94% tổng doanh thu, trong đó doanh thu bán nguyên liệu cho Tường An chiếm khoảng 75% tổng doanh thu. Dầu xá đem lại 91% lợi nhuận gộp với biên lợi nhuận gộp 3,7%. Bên cạnh đó, Vocarimex kinh doanh dầu với thương hiệu riêng của Công ty (Voca, Bens, Soby) nhưng do phải cạnh tranh với sản phẩm của các công ty thành viên nên hiệu quả hoạt động này không cao. Doanh thu không ổn định qua các năm và biên lợi nhuận khá thấp chỉ khoảng 1,8%.

Lợi nhuận công ty mẹ chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính. Do chủ yếu là bán hàng khách hàng công nghiệp nên so với các công ty thành viên chi phí SG&A trên doanh thu của Vocarimex khá thấp, tuy nhiên Công ty lại phải chịu chi phí tài chính phần lớn là lãi vay khá cao. Đến cuối năm 2013, trên báo cáo công ty mẹ, tỷ lệ nợ vay/tổng nguồn vốn là 44% trong đó đến 98% là nợ vay ngắn hạn. Năm 2013, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Vocarimex ghi nhận lỗ nhưng nhờ cổ tức nhận được từ các công ty con và công ty liên kết nên lợi nhuận chung của Công ty vẫn đạt 48 tỷ tăng 164% so với 2012.

Nhà nước nắm 36% cổ phần sau khi cổ phần hóa. Vocarimex được cổ phần hóa theo hình thức bán bớt phần vốn tại doanh nghiệp, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước được xác định là 1,218 tỷ đồng. Đối tượng chào bán gồm nhà đầu tư chiến lược (32%), cán bộ công nhân viên (0,88%) và các đối tượng khác (31,12%).

32% cổ phẩn được bán cho nhà đầu tư chiến lược. Vocarimex đã lựa chọn CTCP Kinh Đô (KDC) và CT TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) là hai đối tác chiến lược của Công ty với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 24% và 8%. Giá bán cho đối tác chiến lược là 11.300 đồng/cp.

Sự hợp tác giữ Vocarimex và Kinh Đô được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho cả hai bên.

Vocarimex có thể tận dụng được kinh nghiệm cũng như thế mạnh về chuỗi phân phối trong ngành hàng thực phầm để cải thiện hoạt động phân phối lẻ dầu thực vật.

Ngược lại, Kinh Đô thông qua việc đầu tư vào Vocarimex sẽ có thể mở rộng được ngành hàng kinh doanh, đa dạng hóa các mặt hàng và giảm bớt được tính thời vụ trong hoạt động của Kinh Đô.

31,12% cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai với giá khởi điểm 11.300 đồng/cp. Số lượng 37.901.500 cổ phiếu sẽ được bán đầu giá vào ngày 25/07/2014.

Ngành dầu thực vật được dự báo tăng trưởng khoảng 7.4% về sản lượng trong giai đoạn 2012 – 2017 ( theo Euromonitor). Dung lượng thị trường của ngành dầu thực vật đến năm 2013 ước tính đạt khoảng 20.743 tỷ đồng. Thực trạng ngành dầu trong nước chủ yếu tập trung ở khâu tinh luyện còn nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu hơn 90%.

Mặc dù không còn tăng trưởng mạnh như trước, nhưng dầu ăn là mặt hàng thiết yếu và dung lượng thị trường lớn nên ngành vẫn hấp dẫn nhiều doanh nghiệp tham gia, dẫn đến mức độ cạnh tranh trong ngành cũng khá cao.

Từ năm 2012, thuế nhập khẩu đối với dầu thực vật đã giảm về 0% theo lộ trình của các hiệp định song phương, khi đó thị trường dầu càng trở nên cạnh tranh gay gắt hơn. Những sản phẩm từ các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, đây đều là những quốc gia có thế mạnh về trồng, sản xuất dầu thực vật và có vị trí địa lý gần với Việt Nam đã làm cho các doanh nghiệp dầu trong nước bị sụt giảm doanh thu và mất thị phần.

Do vậy, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với dầu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện nhập vào Việt Nam. Theo đó, mức thuế tự vệ được áp dụng ở 5% từ tháng 5/2013 đến tháng 5/2014, sau đó giảm dần về 4%, 3% và 2% trong các năm tiếp theo cho đến tháng 5/2017.

Hiện tại Vocarimex vẫn chưa công bố thông tin về báo cáo hợp nhất của Công ty, do đó chúng tôi chỉ có thể đánh giá dựa trên các số liệu của Công ty mẹ.

Nhìn chung, lợi nhuận của Vocarimex vẫn đang phụ thuộc nhiều vào các công ty con và công ty liên kết, trong đó quan trọng nhất là lợi nhuận từ liên doanh Calofic. Calofic và Tường An (TAC) là hai công ty có thị phần lớn nhất ngành dầu thực vật nhưng khoảng cách giữ hai công ty lại khá xa.

Thị phần của Calofic cao hơn gấp đôi so với TAC, hiệu quả hoạt động cao hơn hẳn. Chỉ riêng lợi nhuận Vocarimex được nhận từ Calofic hằng năm đã tương đương với lợi nhuận 1 năm của TAC. Tuy nhiên, Vocarimex lại không nắm giữ cổ phần chi phối ở Liên doanh này do đó Công ty cũng không thể hạn chế sự cạnh tranh giữa Calofic với TAC, cũng như các thành viên khác và ngay chính sản phẩm riêng của Vocarimex.

Ngoài ra, trong quý 1/2014 Công ty đã chuyển nhượng 8% cổ phần sở hữu tại Liên doanh Calofic, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 24%, với giá chuyển nhượng 8 triệu USD, đây là mức giá chuyển nhượng bị đánh giá là thấp so với những lợi ích đem lại từ Calofic. Tuy vậy, Vocarimex vẫn có một số điểm nổi bật: (1) Công ty đang nắm giữ một thị phần chi phối của một ngành hàng thiết yếu; (2) Công ty là đầu mối lớn cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong ngành; (3) Ngành dầu ăn vẫn duy trì tăng trưởng sản lượng khoảng 7.4% trong giai đoạn từ 2012 – 2017. Do đó, với vị thế của Công ty đang có, Vocarimex vẫn có khả năng tăng trưởng ổn định trong tương lai.

Ở mức giá khởi điểm 11.300 đồng/cp, chỉ tiêu PE của Vocarimex hiện tại không mấy hấp dẫn tuy nhiên hai chỉ tiêu về PB và PS lại rất đáng chú ý so với bình quân của ngành thực phẩm. PB và PS của ngành thực phẩm hiện nay vào khoảng 5.5x và 4.2x trong khi đó chỉ tiêu này của Công ty lần lượt là 1x và 0,27x (dựa trên doanh thu hợp nhất ước tính). Chúng tôi kỳ vọng Công ty sẽ có những chuyển biến tích cực sau khi cổ phần hóa, khi nhà nước không còn sở hữu chi phối và có sự tham gia của các cổ đông chiến lược sẽ đem lại cải thiện cho hoạt động kinh doanh của Vocarimex trong 2 đến 3 năm tới.

HPG: Sẽ tiếp tục duy trì vị thế đứng đầu trong ngành thép

CTCK MB (MBS)

HPG vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm rất khả quan với doanh thu đạt mức 13.339 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt mức 1.874 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng mạnh so với cùng kỳ đến từ sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Công ty đã tăng 38% so với cùng kỳ, mảng ống thép cũng tiêu thụ tốt và việc ghi nhận doanh thu tại dự án Mandarin Garden (đem lại doanh thu 2,000 tỷ đồng).

Giai đoạn II Khu liên hợp sản xuất thép của Hòa Phát liên tục cho thấy kết quả khả quan khi đã góp phần không nhỏ vào việc gia tăng hiệu quả kinh doanh cho Công ty. Sản lượng thép xây dựng của Công ty nhờ đó mà tăng 228,000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tương tự sản lượng coke và điện cũng tăng thêm lần lượt 80% và 93% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đầu tư công nghệ hiện đại và tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, HPG vẫn tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh của mình là nhà sản xuất có chi phí thấp nhất ngành. Thị phần thép xây dựng của HPG đã tăng lên mức 18% so với mức 15% cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, chúng tôi chưa thấy một công ty thép nào có khả năng thách thức HPG tại thị trường miền Bắc và do đó nhiều khả năng Công ty sẽ tiếp tục duy trì vị thế hiện tại trong các năm tới. Trong thời gian tới HPG dự định tiếp tục đầu tư giai đoạn III Khu liên hợp gang thép Hòa Phát với công suất 750,000 tấn/ năm, thời gian đâu tư là 1.5 năm.

Chúng tôi đánh giá cao định hướng đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn của HPG. Trong bối cảnh phần lớn các công ty thép tại miền Bắc đang gặp khó khăn, việc đi đầu trong đầu tư tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất sẽ giúp HPG tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong ngành trong các năm tới.

LSS: PE cao hơn trung bình ngành

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) vừa ra công bố chi trả cổ tức năm 2013 với tỷ lệ 5,5%/mệnh giá và tạm ứng cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 4,5%/mệnh giá. Như vậy, cổ đông sẽ nhận được 1.000đ/cp trong đợt trả cổ tức này, tương đương với lợi suất cổ tức 8,8%. Tuy nhiên, lưu ý rằng kế hoạch cổ tức cả năm 2014 là 5,5% và sau khi tạm ứng cổ tức 4,5% thì ước tính cổ đông chỉ còn nhận được 100 đồng/cổ phần trong 2015.

LSS đạt 427 tỷ doanh thu và 57,7 tỷ đồng lợi nhuận gộp, lần lượt giảm 26% so với cùng kỳ và 27% so với cùng kỳ do sụt giảm về sản lượng và giá bán. Nhờ sở hữu vùng nguyên liệu riêng nên LSS duy trì được biên lợi nhuận gộp tương đương với cùng kỳ năm trước, ở mức 14%. Bên cạnh đó, lỗ từ hoạt động tài chính ghi nhận 18 tỷ, thấp hơn so với mức 39 tỷ trong cùng kỳ, chủ yếu do chi phí lãi vay giảm 42% so với cùng kỳ nhờ tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm từ mức 84% trong quý I/2013 xuống còn 48% trong quý I/2014. Lợi nhuận sau thuế quý I/2014 đạt 13,6 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.

Sự bất cân đối cung - cầu về đường vẫn còn và lượng đường tồn kho của ngành ở mức cao (+20% so với cùng kỳ) khiến hoạt động kinh doanh của LSS tiếp tục khó khăn. Theo đó, LSS đặt kế hoạch doanh thu 2014 ở mức 1.615 tỷ giảm 11% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2014 đạt 42 tỷ tăng 11% so với cùng kỳ do LSS kỳ vọng vào lãi suất vay giảm và trái phiếu chuyển đổi đến kỳ đáo hạn trong quý 4/2014 sẽ giúp giảm đáng kể chi phí tài chính và cải thiện lợi nhuận so với 2013. Tuy nhiên, khi toàn bộ trái phiếu bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu tại ngày 10/10/2014, EPS 2014 ước tính sẽ bị pha loãng khoảng 9%, từ 840 đồng/cp xuống còn 764 đồng/cp, tương đương P/E 14,8x, cao hơn trung bình ngành ở mức 11x.

Tin bài liên quan