Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu KDH với giá mục tiêu 50.800 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, với giá mục tiêu 50.800 đồng/CP.

Khuyến nghị được đưa ra dựa trên 4 luận điểm chính: Thứ nhất là Presales (giá trị bán hàng) 2022-2023 sẽ tăng trở lại từ mức thấp trong giai đoạn 2020 -2021 nhờ các dự án mở bán mới Classia, Clarita và The Privia; trong đó các dự án thấp tầng chiếm phần lớn dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS). Để hoàn thiện kế hoạch lợi nhuận 2022, KDH sẽ tăng tốc mở bán các dự án này từ 6 tháng cuối năm 2022, bắt đầu từ đẩy mạnh bán hàng với dự án Classia.

Thứ hai, KDH có thương hiệu tốt với uy tín cao trong việc bàn giao giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất giúp giá bán cao hơn trung bình ở các vị trí lân cận. KDH đồng thời sở hữu quỹ đất dự án quy mô lớn (631 ha) ở khu Đông và khu Nam TP.HCM (phần nội thành), nơi đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và giá nhà đất tăng mạnh nhờ phát triển cơ sở hạ tầng với giá vốn tốt.

Thứ ba, định giá vẫn còn hấp dẫn trong dài hạn xét trên giá trị thị trường của quỹ đất, tiềm năng lợi nhuận cũng như so với các doanh nghiệp trong ngành.

Thứ tư, trong ngắn hạn KDH được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án có vị trí tốt tại khu vực TP.HCM vẫn đang thu hút người mua nhà, đặc biệt là lợi thế sở hữu 2 dự án thấp tầng ở khu Đông TP.HCM (Classia đang mở bán 8/2022 và Clarita dự kiến sẽ triển khai vào nửa cuối năm 2023) trong khi câu chuyện lên Quận đang hâm nóng khu vực Bình Chánh.

Rủi ro đầu tư: Rủi ro pháp lý và tiến độ dự án Tân Tạo: Dự án Tân Tạo là dự án rất lớn về cả quỹ đất và tổng vốn đầu tư. Trong dài hạn dự án này được kỳ vọng là động lực lớn nhất giúp KDH vươn mình trở thành công ty hàng đầu trên thị trường, dù trong ngắn hạn việc triển khai có thể còn nhiều phức tạp do quy mô lớn nhưng theo nghị quyết HĐQT tháng 6/2022 của KDH, công ty đã thông qua hạn mức vay tối đa 4,6 nghìn tỷ đồng với thời hạn 7 năm cho dự án này.

Do đó, chúng tôi kỳ vọng KDH sẽ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ xây dựng cho dự án này và sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận cho KDH từ năm 2024.

Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông “loãng”, với tỷ lệ sở hữu của ban lãnh đạo không cao.

Ngoài ra, rủi ro lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, cũng như việc kiểm soát các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành TPDN.

Khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu PTB tại ngưỡng 77

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu PTB của CTCP Phú Tài có một phiên giao dịch điều chỉnh nhẹ sau phiên tăng điểm tốt với cây nến Marubozu của ngày hôm trước, thanh khoản cổ phiếu duy trì vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu đã ở trên đường MA20 và M50 và đường MA20 đang ở dưới MA50 và đang có xu hướng cắt lên trên đường MA50.

Do đó, nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 67.8, chốt lãi tại ngưỡng 77.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 64.0.

Ngành phân bón không tệ như thị trường dự đoán

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Theo ước tính của chúng tôi, doanh thu của ngành phân bón trong quý II/2022 tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái (31.873 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận sau thuế gấp 2,1 lần năm trước (5.512 tỷ đồng).

Tuy nhiên, so sánh với quý I vừa qua, doanh thu của ngành đang có dấu hiệu chững lại với doanh thu/lợi nhuận sau thuế sụt giảm 1,3%/20,4% so với quý trước. Kết quả trên có thể dự đoán được khi mà sản lượng và đơn giá xuất khẩu trong quý II không quá hấp dẫn như quý I.

Như dự đoán của chúng tôi, biên lợi nhuận gộp đạt đỉnh trong quý I/2022, sau đó giảm 5,1%p so với quý trước trong quý II, và đạt mức 26,8%, tăng 9,1%p so với cùng kỳ. Kết quả là, biên lợi nhuận ròng giảm từ 22,3% trong quý I/2022 đến 17,3% trong quý II/2022.

Trong quý II, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu tương đương mức quý I, nhưng giảm 1,6%p so với mức trung bình của năm 2021 là 8,4%. Trong quý I, đơn giá bán ure trung bình đạt 16.800 đồng/kg, gần như bằng mức trong quý I, trong khi giá gas đầu vào tăng đến 21% so với quý trước. Chúng tôi kỳ vọng, giá gas đầu vào có thể giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và giúp các công ty sản xuất ure gia tăng biên lợi nhuận gộp.

Chúng tôi kỳ vọng những đơn vị sản xuất ure có thể gia tăng sản lượng trong quý 3/22, khi nhu cầu nội địa thấp, đặc biệt khi Ấn Độ bước vào vụ mùa Kharif. Trên cơ sở đó, doanh thu toàn ngành trong tiếp theo có thể đi ngang so với quý II. Nhưng nhờ sự sụt giảm giá gas đầu vào, các công ty sản xuất ure như DPM và DCM có thể cải thiện biên LNG.

Tiếp theo đến quý IV, khi cả nước bước vào vụ Đông-Xuân, mùa vụ lớn nhất trong năm, nhu cầu nội địa và cả giá bán dự báo sẽ tăng. Do đó, mặc dù sẽ khó mà vượt qua được kết quả “đỉnh” như quý 1, chúng tôi tin rằng ngành phân bón vẫn có thể gặt hái được một kết quả “viên mãn” trong quý III và quý IV tiếp theo.

Tin bài liên quan