Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/7

HSG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

HSG vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng đầu niên độ tài chính 2013 - 2014 với lợi nhuận sau thuế tiếp tục suy giảm.

Trong quý III, HSG đạt 4.322,7 tỷ đồng doanh thu (+32,5% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 110,7 tỷ đồng (-40,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Theo đó 9 tháng đầu niên độ, HSG đạt 10.963,3 tỷ đồng (+28% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 78,3% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 281,3 tỷ đồng (-47,7% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 46,8% kế hoạch). Lợi nhuận sụt giảm khi doanh thu tăng lên khả năng là do giá vốn hàng bán tăng mạnh, cũng như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên do chiến lược đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ.

Sản lượng thành phẩm trong 9 tháng đầu năm đạt 595.411 tấn (+36,8% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó sản lượng xuất khẩu là 85.747 tấn, chiếm 42,5%. Mức giá bình quân đạt 18,4 triệu đồng/tấn (-6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giá bình quân niên độ trước đạt 19,6 triệu đồng/tấn). HSG vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược hạ giá bán sản phẩm để gia tăng sản lượng tiêu thụ.

Chúng tôi vẫn duy trì dự báo về doanh thu, đạt 14.304 tỷ đồng (+21,5% so với năm ngoái), nhưng điều chỉnh hạ dự báo lợi nhuận sau thuế của HSG, chỉ còn 335,8 tỷ đồng (-42,1% so với năm ngoái). HSG có thể hoàn thành kế hoạch về doanh thu nhưng sẽ không hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận. EPS forward đạt 3.486 đồng, P/E forward 13 lần, tương đương với mức trung bình ngành thép là. Do đó chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI HSG.

Vocarimex: Giá hợp lý khoảng 14.204 đồng/cổ phiếu

CTCK Vietcombank (VCBS)

Hiện nay, Vocarimex gần như chiếm lĩnh thị trường dầu ăn trong nước với việc sở hữu hệ thống các công ty con và công ty liên kết đều là các đơn vị uy tín, có thương hiệu nổi tiếng. Đặc biệt năng lực sản xuất của Vocarimex và toàn hệ thống hiện đang chiếm trên 81% tổng công xuất dầu tinh luyện toàn ngành, đáp ứng trên 85% thị phần dầu thực vật trong nước.

Khả năng tăng trưởng của Vocarimex dù không ổn định nhưng vẫn nằm trong xu hướng tăng. Doanh thu và lợi nhuận ròng bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2010 – 2013 của công ty mẹ đạt lần lượt khoảng 3.900 tỷ đồng và 26,5 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân mỗi năm lần lượt đạt 8% và 42%.

Sản phẩm chính của công ty là dầu xá (chiếm 94% doanh thu) với giá trị doanh thu bình quân mỗi năm đạt trên 4.000 tỷ đồng trong 3 năm qua và tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong nước cụ thể là cung ứng cho hệ thống các công ty con và công ty liên kết, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là CTCP Dầu thực vật Tường An.

Sự kiện cổ phần hóa Vocarimex đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tuy nhiên chúng tôi cho rằng mức độ hấp dẫn của khoản đầu tư cần cân nhắc một số quan ngại sau (1) cơ cấu tổ chức làm hạn chế và chưa phát huy hết lợi thế của hệ thống, các đơn vị trong ngành cạnh tranh gay gắt trong cuộc chiến dành thị phần (2) phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (3) Tỷ suất sinh lợi ở mức thấp và khó có tăng trưởng đột biến

Chúng tôi tiến hành định giá Vocarimex theo phương pháp so sánh PE. Theo đó giá trị hợp lý của cổ phiếu Vocarimex sẽ vào khoảng 14.204 đồng/cổ phiếu cao hơn mức giá khởi điểm là 11.300 đồng/cổ phiếu.

>> Tải báo cáo

CSM: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 giảm do giá bán bình quân giảm khoảng 7%, sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 2%. Trong quý II/2014, CSM chưa ghi nhận doanh thu từ tiêu thụ lốp radian toàn thép. Lợi nhuận trước thuế ước giảm 3,2%n/n, còn 216 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí tài chính tăng.

CSM dự kiến sẽ ghi nhận 80 tỷ đồng lợi nhuận từ dự án chung cư 9 Nguyễn Khoái vào quý IV/2014 khi có quyết định của UBND TP. Đối tác mua lại dự án chung cư này đã đặt cọc 63 tỷ đồng. Số còn lại (157 tỷ đồng) sẽ được thanh toán trong 8 đợt (cách 3 tháng/đợt), hiện tại đối tác đã thanh toán đợt 1 (gần 20 tỷ đồng).

Trong năm 2014, CSM dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 62.000 chiếc lốp với giá bán bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/lốp. Ước tính của công ty thận trọng hơn so với dự báo của chúng tôi là 70.000 chiếc lốp và đóng góp khoảng 350 tỷ đồng vào doanh thu cho CSM trong 2014. CSM đang tiến hành xin cấp chứng nhận chất lượng quốc tế để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu và kỳ vọng sẽ đạt chứng nhận trong quý IV/2014. Thị trường tiêu thụ chính là Mỹ, Canada nơi các sản phẩm lốp của TQ hiện đang bị áp thuế chống bán phá giá cao.

Cổ phiếu CSM đã tăng 26,5% kể từ khi chúng tôi đư ra khuyến nghị MUA từ ngày 15/06/2014 cho thấy cơ bản tốt của công ty đã được phản ánh vào giá. Chúng tôi hạ đánh giá từ MUA sang GIỮ với giá mục tiêu 50.000 đồng/cp (cao hơn mức giá hiện tại 11,1%).

>> Tải báo cáo

IMP: PB chỉ ở mức 1,3x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 đạt 43 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo của chúng tôi khoảng 8%. Điều này chủ yếu nhờ: (1)tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu 5 tháng đầu năm 2014 giảm nhẹ 1,6% điểm phần trăm so với cùng kỳ, xuống còn 32%; và (2)thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân 6 tháng đầu năm 2014 đã trở lại mức bình thường 22%, so với 26% trong 6 tháng đầu năm 2013.

Năm 2013, do mới chuyển sang phát triển thị trường OTC nên tỷ lệ chi phí marketing tăng cao, vượt mức trần quy định 10%. Phần chi phí vượt không được khấu trừ thuế khiến thuế suất bình quân của IMP tăng cao.

Tuy nhiên, trong 2014, mức trần khống chế này cũng đã được Quốc hội nâng lên 15% và IMP vẫn đang kiểm soát tốt chi phí này). Kết thúc 6 tháng đầu năm 2014, IMP đã hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận 2014.

OTC vẫn tăng trưởng tốt. Một điểm tích cực khác trong hoạt động kinh doanh của IMP là hệ thương mại (OTC) vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2014, khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, mặc dù doanh thu từ hệ điều trị (ETC) 6 tháng đầu năm 2014 giảm tới 55% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tổng doanh thu của IMP chỉ giảm khoảng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 373,5 tỷ đồng, hoàn thành 37,3% kế hoạch doanh thu 2014.

Như đã đề cập trong các phân tích trước, trong ngắn và trung hạn, kênh ETC vẫn còn khó khăn, đặc biệt là những tháng đầu năm (mùa cao điểm của ETC). IMP là công ty sản xuất thuốc tập trung vào chất lượng, nên ”giá thấp” - một trong những tiêu chí ưu tiên để lựa chọn thuốc trúng thầu vào bệnh viện theo quy định của thông tư 36/2013-TTLT-BYT-BTC (bổ sung cho Thông tư 01/2012-TTLT-BYT-BTC) không phải là lợi thế của IMP. Công ty cũng đang tiến hành việc nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng lên PIC/S-GMP. Về dài hạn, khi dự án hoàn tất sẽ mở ra cho IMP những cơ hội xuất khẩu cũng như nâng cao khả năng trúng thầu vào bệnh viện.

Chia cổ phiếu thưởng trong quý III/2014. IMP cho biết, công ty sẽ tiến hành kế hoạch chia thưởng này sau khi hoàn tất việc bán 300 ngàn cổ phiếu quỹ. Lượng cổ phiếu quỹ này được IMP mua từ 2012, với giá bình quân khoảng 39.300 đồng/cp. Công ty dự kiến bán với giá không dưới 55.000.

Như vậy, tối thiểu IMP sẽ thu được khoản thặng dư gần 4,7 tỷ đồng. Công ty đã bán thành công 90 ngàn cp quỹ trong tháng 6/2014, 210 ngàn cổ phiếu còn lại được đăng ký bán từ ngày 10/07 đến 08/08/2014 và có khả năng cao sẽ hoàn tất như kế hoạch.

Chúng tôi quan sát thấy có khoảng 300 ngàn cổ phiếu IMP được giao dịch thoả thuận trong hơn 10 ngày qua. Do vậy, IMP có thể sẽ chốt quyền chia cổ phiếu thưởng trong tháng 8, hoặc muộn nhất là tháng 9/2014.

Sau đó, công ty sẽ thực hiện các đợt phát hành tiếp theo, bao gồm: (1)phát hành ESOP 5% với mức giá 12.000 đồng/cp; và (3)phát hành riêng lẻ cho CĐ chiến lược 10% số cổ phiếu, giá phát hành dự kiến không thấp hơn 30.000 đồng/cp.

Mức giá cụ thể sẽ do HĐQT xem xét quyết định dựa trên giá thị trường bình quân 10 phiên liên tiếp trước ngày phát hành và tỷ lệ chiết khấu không quá 20%.

Nếu các đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của IMP sẽ tăng từ 167,1 lên 275,6 tỷ đồng trong 2014 và tỷ lệ pha loãng khoảng 6,6%. Theo đó, room nước ngoài của cổ phiếu IMP sẽ tăng thêm khoảng 1,9 triệu cổ phiếu.

Kỳ vọng cải thiện tốt hơn nữa trong 6 tháng cuối năm 2014 khi thị trường đã chuyển sang mùa cao điểm của OTC do IMP đang đẩy mạnh hoạt động phân phối qua kênh này. Kế hoạch tăng vốn cũng nhằm mục đích phát triển hệ thống phân phối. Ngoài ra, công ty cũng có hợp tác sản xuất nhượng quyền một số sản phẩm mới trong quý III/2014.

Chúng tôi duy trì dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của IMP với tốc độ tăng trưởng là 12,9% và 38,7% so với năm ngoái, đạt lần lượt 951,2 và 84,7 tỷ đồng. Theo đó, cổ phiếu IMP đang giao dịch ở mức PE 2014 khoảng 12x, tương đương với bình quân ngành. Tuy nhiên, PB của IMP chỉ ở mức 1,3x, rất thấp so với mức 2,7x bình quân ngành.

Tin bài liên quan