Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 7/4.

CNG: Năm 2104, kế hoạch cổ tức cao nhưng khả thi

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Đại hội cổ đông CTCP CNG Việt Nam (CNG – sàn HOSE) ngày 4/4/2014 đã thông qua kế hoạch cổ tức tiền mặt 2014 ở mức 35%, tương ứng lợi tức khá cao 8%. Tuy tỷ lệ cổ tức/lợi nhuận ở mức khá cao là 85%, chúng tôi cho rằng kế hoạch cổ tức là khả thi do CNG đang giữ lượng tiền và tương đương tiền lớn là 250 tỷ đồng, tương đương 9.300 đ/cp và CNG không phải chi tiêu cho các khoản đầu tư đáng kể nào trong năm 2014.

Về kế hoạch kinh doanh 2014, CNG đặt kế hoạch doanh thu 1.016 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ ước tăng 12,3% so với cùng kỳ, đạt 70 triệu m3 khí. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 10,6% so với cùng kỳ còn 110 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá khí đầu vào ước tăng 10% so với cùng kỳ theo lộ trình tăng giá khí của Chính phủ. Lợi nhuận sau thuế quý I/2014 sơ bộ ước đạt 22 tỷ, vượt 5% kế hoạch, giảm 22,9% so với cùng kỳ.

CNG cho biết, nguyên nhân chủ yếu do giá khí đầu vào tăng đồng thời giá khí đầu ra giảm. CNG cho biết sẽ hết khấu hao thiết bị máy móc vào năm 2015. Lưu ý rằng chi phí khấu hao thiết bị máy móc năm 2013 là 40 tỷ đồng.

Trong năm 2014, CNG sẽ cung cấp khí cho tổng cộng 32 khách hàng, tăng 18,5% so với cuối năm 2013. CNG từ chối nêu tên khách hàng mới vì lý do bảo mật thông tin, tuy nhiên CNG cho biết tiêu chí hàng đầu lựa chọn khách hàng là tiềm lực tài chính mạnh và tiềm năng hợp tác dài hạn. CNG đang được giao dịch với P/E 10,7x.

ACB: Khuyến nghị theo dõi

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Chúng tôi nhận thấy Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HOSE) vẫn đang trong giai doạn tái cơ cấu hoạt động và cần thêm 2-3 năm nữa để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến 3 nhóm dư nợ có vấn đề. Chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, trong đó tập trung mạnh khu vực Hà Nội và miền Tây chưa có triển vọng rõ rang do ACB chịu sự cạnh tranh gay gắt ở các địa bàn này trong khi chính sách khoán định mức bán lẻ đối với từng nhân viên kinh doanh có thể chưa tạo nên đột phá.

Bên cạnh đó, áp lực tăng chi phí dự phòng để giải quyết các dư nợ có vấn đề sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận chung của ACB trong năm 2014. Mục tiêu lợi nhuận 1.800 tỷ đồng cho năm 2014 sẽ là thách thức đối với ACB trong bối cảnh như vậy. Trong trường hợp khả dũ nhất, khi ACB đạt lợi nhuận mục tiêu EPS forward sẽ ở mức 1.442 đồng/CP tương đương PE forward đạt 12, thấp hơn một chút so với trung bình ngành. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ quan ngại đối với triển vọng lợi nhuận của ngân hàng và tiếp tục khuyến nghị Theo dõi đối với cổ phiếu ACB.

VIC: Triển vọng 2014 rất tích cực

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Năm 2014, Tập đoàn Vingroup – CTCP (VIC – sàn HOSE) sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ chuyển nhượng ba dự án lớn như Royal City, Times City, Vinhomes Riverside và hoạt động kinh doanh thường xuyên có phần đóng góp của Vincom Mega Mall Royalo City và Vincom MegaMall Times City trong cả năm, theo đó, chúng tôi nhận thấy triển vọng năm 2014 của VIC, rất tích cực.

Công ty vẫn duy trì dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án có quy mô lớn, triển vọng và tình hình bán hàng tốt, với điểm rơi lợi nhuận bắt đầu được hạch toán từ năm 2014, tiếp tục trong 2014 và 2015. Dự án thương mại điện tử dù mới trong giai đoạn khởi đầu, tuy chư có dấu ấn lớn về doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới, nhưng kỳ vọng sẽ là một hướng đi mới và mang lại kết quả kinh doanh tốt cho VIC trong tương lai.

EIB: Khuyến nghị theo dõi

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Chúng tôi cho rằng Ngân hàng TMCP Xuât nhập khẩu Việt Nam (EIB – sàn HOSE) đã dần ổn định lại các hoạt động kinh doanh của mình và đạt được một số kết quả khả quan nhất định. Nếu mức NIM được cải thiện tốt hơn nữa và ở trên 3% trong thời gian tới, thu nhập lãi thuần có thể tăng trưởng cao và đóng góp tích cực vào khả năng hoàn thành kế hoạch.

Tuy nhiên, triển vọng hoạt động bán lẻ cần thêm thời gian để đánh giá vì chúng tôi vẫn chưa nhận thấy các chính sách bán lẻ cần thêm thời gian để đánh giá vì chúng tôi vẫn chưa nhận thấy các chính sách thực sự khác biệt giúp EIB có thể tăng mạnh thị phần. Kế hoạch lợi nhuận 2014 do vậy là khác thách thức đối với EIB.

Trong trường hợp khả quan hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, EPS forward sẽ đạt 1.039 đồng/CP, tương đương PE forward ở mức 13, tương đương với trung bình ngành. Tuy nhiên, với một vài điểm còn quan ngại như trên, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị Theo dõi đối với cổ phiếu EIB.