Cổ phiếu chứng khoán trở lại đường đua

Cổ phiếu chứng khoán trở lại đường đua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với tình hình kinh doanh lạc quan, giá các cổ phiếu ngành chứng khoán đã bật tăng mạnh với trung bình ở mức 11,24% trong tuần qua.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 12,24 điểm, tương đương tăng 0,86%, lên 1.456,51 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 21,1% lên 159.797 tỷ đồng, khối lượng tăng 22,9% lên 5.451 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 15,52 điểm, tương đương tăng 3,77%, lên 427,64 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 23,1% lên 21.663 tỷ đồng, khối lượng tăng 18,9% lên 877 triệu cổ phiếu.

Đặc biệt, trong phiên ngày 4/11, VN-Index giảm điểm ngay từ khi mở cửa, song nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu chứng khoán, VN-Index đã đảo chiều tăng trở lại vào cuối phiên.

Sắc xanh phủ kín nhóm cổ phiếu chứng khoán

Mã chứng khoán

Niêm yết

Giá đóng cửa ngày 29/10 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 5/10 (VNĐ)

Chênh lệch (%)

APS

HNX

34.800

44.100

26,72

TCI

UPCoM

18.300

22.600

23,50

BSI

HOSE

34.900

41.800

19,77

VIX

HOSE

22.200

26.150

17,79

BVS

HNX

33.100

38.500

16,31

VND

HOSE

57.000

64.400

12,98

MBS

HNX

34.900

39.300

12,61

APG

HOSE

17.350

19.500

12,39

SHS

HNX

38.500

43.200

12,21

AAS

UPCoM

20.700

23.100

11,59

HCM

HOSE

38.200

42.100

10,21

SSI

HOSE

40.500

42.900

5,03

Trong tuần qua, tâm điểm ngành chứng khoán đổ dồn về cổ phiếu APS của CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (Apec Securities) khi mã này đã tăng 26,72% từ 38.200 đồng/CP lên 44.100 đồng/CP. Kể từ đầu năm, APS đã tăng như vũ bão từ mức giá 4.700 đồng/CP (chốt phiên ngày 4/1), tương đương 9,58 lần.

Vào ngày 16/11 tới đây, APS sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2021. Trong đó, APS sẽ xin ý kiến cổ đông về việc bổ sung chứng khoán phái sinh vào lĩnh vực kinh doanh của Công ty. Để đảm bảo nguồn vốn theo quy định của UBCKNN, Công ty dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ và ESOP nhằm tăng vốn điều lệ từ 780 tỷ đồng lên 830 tỷ đồng.

Xét về tình hình kinh doanh của APS, trong quý III, doanh thu hoạt động của Công ty đạt 134 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế 96,9 tỷ đồng, gấp gần 7 lần. Tính chung 9 tháng, APS đã đem về 134 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp hơn 7 lần 9 tháng năm 2020.

Kế tiếp là mã TCI thuộc CTCP Chứng khoán Thành Công đã giữ được sắc xanh suốt tuần giúp cổ phiếu tăng 23,50% và đóng cửa với mức giá 22.600 đồng/CP vào phiên cuối tuần. Thanh khoản của cổ phiếu cũng được cải thiện đáng kể với bình quân đạt 979.144 đơn vị/phiên.

TCI cho biết trong quý III, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giúp Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với tổng doanh thu tăng 70,8% lên 74,4 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 76,4% lên 40,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, TCI công bố doanh thu thuần đạt 134,8 tỷ đồng, tăng 66,6% và lãi sau thuế đạt 149,3 tỷ đồng, tăng 335,2%.

Tuần qua là tuần giao dịch rực rỡ của BSI (CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC) khi đây là cổ phiếu chứng khoán bật mạnh nhất sàn HOSE. BSI đã tăng 19,77% với 2 phiên tăng trần vào ngày 2/11 và 4/11; các phiên còn lại, cổ phiếu luôn duy trì đà tăng tích cực giúp BSI tăng liên tiếp 9 phiên kể từ ngày 26/10.

Trong quý III/2021, tổng doanh thu hoạt động của BSI đạt 320 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước; theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 104 tỷ đồng tăng 53%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu hoạt động của Công ty đạt 921 tỷ đồng và lãi sau thuế 282 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 179% so với 9 tháng năm 2020.

Hầu hết, các mã cổ phiếu chứng khoán khác cũng đều được đưa trở lại đường đua kể cả những mã vừa và nhỏ như APG của Chứng khoán APG tăng 12,39%; AAS của Chứng Khoán Smart Invest tăng 11,59%. Còn với nhóm cổ phiếu lớn hơn nằm trong top thị phần và có nền tảng tốt, đà tăng vẫn được duy trì đều đặn như VND của Chứng khoán VNDirect tăng 12,98%; SSI của Chứng khoán SSI tăng 5,03%,…

Doanh nghiệp còn sức bật

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng là thời điểm thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ. Rất nhiều nhà đầu tư trước đây chưa nghĩ tới chứng khoán cũng bắt tìm kiếm những cơ hội để “vận động” tài chính trên mảnh đất này.

Theo số liệu Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD), chỉ trong tháng 10/2021, có hơn 129.500 tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng trước. Con số này chỉ đứng sau kỷ lục lập vào tháng 6 vừa qua với hơn 140.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong một tháng.

Lũy kế 10 tháng năm 2021, đã có gần 1,09 triệu tài khoản do nhà đầu tư cá nhân mở mới, gấp gần 3 lần số tài khoản mở mới của cả năm trước, cao hơn tổng số tài khoản được mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại (1,03 triệu tài khoản).

Đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán trong tháng 11, Chứng khoán Everest cho rằng việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kỳ vọng vào gói hỗ trợ kinh tế có thể được Quốc hội chốt thông qua. Đồng thời, kết quả kinh doanh 9 tháng của các công ty niêm yết tăng trưởng đã vượt ngoài kỳ vọng và định giá PE ở mức hợp lý.

Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) nhận định việc mở cửa nền kinh tế là động lực tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán trong tháng 11. Gói kích cầu 800.000 tỷ đồng sẽ khôi phục nền kinh tế và khơi thông dòng vốn và kích thích tiêu dùng sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài.

Ngoài ra, việc gia tăng đầu tư công sẽ thu hút được dòng vốn FDI. Bên cạnh đó, lãi suất vẫn trong xu hướng giảm ở các kỳ hạn ngắn cho thấy thị trường chứng khoán vẫn là kênh tăng trưởng tốt nhất trong ngắn và trung hạn.

Với bức tranh thuận lợi của thị trường cùng kết quả kinh doanh rực rỡ trong quý III, cổ phiếu chứng khoán được nhận định vẫn còn dư địa tăng trưởng.

Chứng khoán MBS thống kê rằng có 31/35 công ty chứng khoán, chiếm 96,1% vốn hóa của ngành, dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng 27% so với năm ngoái. Chỉ tính đến ngày 1/9/2021, giá cổ phiếu các Công ty chứng khoán đã tăng xấp xỉ 112,74% kể từ đầu năm, cho thấy triển vọng lợi nhuận của năm 2021 đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Thậm chí, một số công ty chứng khoán đã phải nâng mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm lên mức cao mới. Vào tháng 9/2021, VNDirect đã công bố thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 3.951 tỷ đồng, tăng 55% so với kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận trước và sau thuế tăng 82% lên lần lượt 2.000 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng.

Hay như trường hợp của Chứng khoán APG cũng quyết định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2021 lên 140 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch đề ra đầu năm và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, tăng 57%.

Giới chuyên gia nhìn nhận, những yếu tố chính giúp kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán tích cực chủ yếu đến từ gia tăng thu phí giao dịch khi thanh khoản của thị trường duy trì ở mức cao, cùng với nghiệp vụ cho vay ký quỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng khi các công ty chứng khoán đồng loạt tăng vốn.

Từ đầu năm nay, ước khoảng 30 công ty chứng khoán có kế hoạch tăng vốn điều lệ và 14 công ty đã hoàn tất việc tăng vốn toàn phần hoặc một phần, giúp thị trường có thể đón nhận các gói margin hấp dẫn.

Tin bài liên quan