Cổ phiếu dầu khí: Tìm cơ hội từ khó khăn

Cổ phiếu dầu khí: Tìm cơ hội từ khó khăn

(ĐTCK) Đợt giảm mạnh theo xu hướng của giá dầu trong tuần qua đã đưa thị giá nhiều cổ phiếu dầu khí về vùng thấp nhất 1 - 2 năm. Giá dầu vẫn là ẩn số, nhưng trong bối cảnh tâm lý thị trường chung ổn định trở lại, nhiều nhà đầu tư xem đây là cơ hội để tích lũy cổ phiếu.

Thị giá cổ phiếu giảm mạnh cùng giá dầu

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2/2020 tại 86.800 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu GAS của Tổng công ty cổ phần Khí Việt Nam - CTCP dù có 2 phiên tăng gần 6,4%, nhưng vẫn thấp hơn 8,5% so với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đợt giảm giá 5 phiên đầu Xuân đã đưa giá cổ phiếu GAS về vùng thấp nhất kể từ tháng 1/2019, bất chấp việc Tổng công ty công bố kết quả kinh doanh năm 2019 khả quan với 75.653 tỷ đồng doanh thu, 15.141 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4,1% so với năm 2018.

Giá giảm mạnh 15 - 20% chỉ sau vài phiên và rơi về vùng thấp nhất 1 - 2 năm cũng là diễn biến của nhiều cổ phiếu dầu khí khác như PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí, PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí.

Tương tự, cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn hay OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam sau thành công của đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng đầu năm 2018, nay giảm sâu dưới mệnh giá.

Diễn biến giảm của nhóm cổ phiếu dầu khí tương đồng với diễn biến giảm của giá dầu thế giới. Chỉ trong vòng 2 tuần, giá dầu WTI hợp đồng tháng 3/2020 trên Sàn giao dịch hàng hóa NewYork (Nymex) lao dốc từ 58,34 USD/thùng ngày 22/1/2020 xuống 49,61 USD/thùng vào ngày 4/2/2020, mất 14,96% giá trị, ghi nhận mức giá thấp nhất 1 năm.

Giá dầu Brent hợp đồng tháng 4/2020 trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE-Intercontinental Exchange) giảm 16,5%, từ 65,2 USD/thùng xuống 54,45 USD/thùng. So với đầu tháng 1/2020, giá dầu WTI giảm 21,6%, còn giá dầu Brent giảm 21%.

Giá dầu giảm trong bối cảnh dịch cúm do virus Corona lan rộng tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và là động lực tăng trưởng chủ chốt đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu trong những năm gần đây - dẫn đến lo ngại giảm sức cầu dầu mỏ trên thị trường bởi sự đình trệ sản xuất, giao thông tại quốc gia này, đồng thời ảnh hưởng đến giao thông, thương mại toàn cầu.

Lo ngại của nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí sẽ bị ảnh hưởng đã tạo nên tâm lý bán ra trên thị trường, ngay khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết, nhất là khi toàn thị trường quan ngại về dịch cúm tại Trung Quốc đang lây lan.

Dự báo tác động của giá dầu đến các doanh nghiệp

Giá dầu sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, trước tiên là các doanh nghiệp thuộc nhóm trung và hạ nguồn.

Cổ phiếu dầu khí: Tìm cơ hội từ khó khăn ảnh 1

Một số doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành dầu khí.

Chẳng hạn, với BSR, do đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, nhà máy luôn phải duy trì tồn kho và cần thời gian chế biến để từ dầu thô ra sản phẩm xuất bán, dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng bởi tồn kho có giá cao làm biên lợi nhuận giảm.

Các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như PLX, OIL cũng bị ảnh hưởng tương tự.

Trước đây, đợt giảm mạnh của giá dầu WTI từ 74 USD/thùng xuống 45 USD/thùng trong quý IV/2018 khiến giá vốn trong kỳ của BSR vượt doanh thu, lợi nhuận gộp âm 831 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 1.026 tỷ đồng.

Đối với nhóm doanh nghiệp phân phối khí như GAS, Công ty cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam (PGS), Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG)…, doanh thu cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi giá bán khí có sự tham chiếu theo giá dầu thế giới.

Giá dầu giảm đồng nghĩa giá bán khí cũng giảm, mặc dù mức chênh lệch đầu vào, đầu ra có thể đảm bảo doanh nghiệp có lãi, nhưng quy mô doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm so với giai đoạn giá dầu tăng.

Lo ngại giá dầu giảm kéo dài khiến khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ có thể bị ảnh hưởng cũng là nguy cơ của nhóm doanh nghiệp dịch vụ dầu khí như PVS, PVD, Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) hay Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS).

Tuy vậy, nhóm doanh nghiệp này được đánh giá ít chịu ảnh hưởng hơn trong ngắn hạn, do các hợp đồng dài hạn hơn và việc khởi động, tạm ngưng các dự án dầu khí thường ảnh hưởng bởi xu hướng dài hạn của giá dầu hơn là biến động ngắn hạn.

Ngược lại, nhóm điện khí, phân bón như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2)… sẽ hưởng lợi nhờ giảm chi phí đầu vào.

Đối với doanh nghiệp vận tải như Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), giá dầu biến động sẽ không ảnh hưởng trực tiếp khi các tàu chủ yếu là thuê định hạn (time charter) với chi phí nhiên liệu được trả bởi khách hàng.

Sức hấp dẫn từ ngành nghề đặc thù

Nhóm cổ phiếu dầu khí vốn có sức hấp dẫn từ ngành nghề kinh doanh có tính đặc thù, rào cản gia nhập ngành lớn, nhiều doanh nghiệp gần như độc quyền trong lĩnh vực hoạt động đem lại lợi thế cạnh tranh lớn, dù đợt giảm mạnh của giá dầu cuối năm 2014 khiến 5 năm qua được xem là giai đoạn khó khăn của ngành dầu khí.

Với doanh nghiệp trong nhóm thượng nguồn, khó khăn có thể gói gọn: “Dự án trong nước khan hiếm, giá dịch vụ duy trì ở mức thấp, cạnh tranh trên thị trường khốc liệt, việc phát triển dịch vụ ra nước ngoài gặp khó khăn”.

Như tại PVS, lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 - 2019 vẫn thấp hơn hơn 50% so với giai đoạn 2013 - 2014, nhiều mảng kinh doanh thua lỗ hoặc biên lợi nhuận mỏng.

Tại PVD, tình hình còn khó khăn hơn, kế hoạch kinh doanh những năm qua luôn để ngỏ bài toán lợi nhuận, kết quả thoát lỗ phụ thuộc nhiều vào các giải pháp tài chính như thay đổi khấu hao hay các khoản hoàn nhập.

Tuy vậy, trong giai đoạn khó khăn cũng ghi nhận nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp trong tiết giảm chi phí, tái cấu trúc hoạt động tinh gọn hơn, hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, PVD đã cải thiện được hiệu quả kinh doanh chính thông qua phát triển dịch vụ khoan ra nước ngoài.

Với 4 giàn khoan tự nâng đã có việc làm cho tới hết năm 2020 sẽ là yếu tố giúp đảm bảo hiệu suất hoạt động cho PVD trong năm nay.

Về dài hạn, triển vọng từ năm 2021 được kỳ vọng khả quan hơn khi giàn khoan nước sâu TAD - PV DRILLING V sẽ khoan cho dự án khoan của Brunei Shell Petroleum (BSP), dự kiến từ tháng 4/2021.

Với PVS, các mảng thế mạnh như dịch vụ cơ khí và xây lắp (M&C) và dịch vụ lắp đặt, đầu mối, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các công trình dầu khí (O&M) ghi nhận tăng trưởng doanh thu tốt trong năm 2019, vượt kế hoạch đề ra.

Song song với đó, PVS cấu trúc các lĩnh vực kém hiệu quả, mới đây, Tổng công ty công bố thanh lý tàu, giải thể Công ty TNHH Khảo sát địa vật lý PTSC - liên doanh với CGGVeritas Services Holding B.V (Hà Lan) hoạt động không hiệu quả, lỗ lũy kế lớn.

Sự thích ứng trong khó khăn được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp này có thể cải thiện hiệu quả hoạt động khi tình hình thị trường có dấu hiệu phục hồi và khả năng thích nghi tốt hơn với những biến động trong tương lai.

Trong năm qua, thị trường khoan tại khu vực Đông Nam Á có xu hướng dần hồi phục khi các chủ mỏ khôi phục hoạt động khoan thăm dò, làm tăng nhu cầu khoan và giá thuê.

Xu hướng này được đánh giá sẽ không dễ đảo ngược, nếu cú sốc ngắn hạn của giá dầu sớm được kiểm soát.

Tại Việt Nam, trong điều kiện các mỏ dầu khí hiện ở giai đoạn cuối chu kỳ khai thác, ngành dầu khí đang triển khai hàng loạt dự án như các mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2, Cá Rồng Đỏ, Sao Vàng - Đại Nguyệt, các dự án đường ống dẫn khí như Lô B Ô Môn, Nam Côn Sơn 2… nhằm đảm bảo đầu vào cho các ngành công nghiệp điện khí, phân đạm, lọc dầu trong nước.

Đây đều là các dự án có vốn đầu tư lớn đem lại lượng công việc dồi dào, theo đó, kỳ vọng các doanh nghiệp như PVS, PVD, PVD, PXS, PVC sẽ được hưởng lợi.

Với nhóm trung và hạ nguồn như lọc hóa dầu, chế biến, vận chuyển và phân phối khí, phân phối xăng dầu và các nhóm liên quan như phân bón, điện khí…, kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp đang tăng trưởng và có triển vọng tích cực, thậm chí hưởng lợi từ xu hướng giảm của giá dầu trong ngắn hạn.

Một điểm hấp dẫn khác với nhóm dầu khí là nhiều doanh nghiệp có nền tảng tài chính, dòng tiền mạnh, cơ cấu tài chính tốt.

Tính đến cuối quý IV/2019, con số tiền và tiền gửi của PVS là 4.928 tỷ đồng, chiếm 35% tổng tài sản; con số này tại GAS là 29.391 tỷ đồng và 47,2%, tại PLX là 16.673 tỷ đồng và 26,7%...

Dù tỷ lệ tiền mặt cao có thể làm giảm hiệu suất sinh lời trên tài sản, nguồn vốn, nhưng giúp doanh nghiệp tạo ra nguồn doanh thu tài chính bù đắp cho sự suy giảm của lợi nhuận hoạt động, mặt khác là có sẵn nguồn lực phục vụ cho các kế hoạch đầu tư khi cần thiết, cũng như chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông ngay cả trong giai đoạn kinh doanh khó khăn.

Trong khi đó, nhiều ý kiến đánh giá cao khả năng tình hình dịch cúm do virus Corona hiện nay có thể sớm được kiểm soát.

Khi hoạt động sản xuất, giao thương tại Trung Quốc khôi phục, giá dầu sẽ nhanh chóng phục hồi, nhu cầu có thể tăng cao hơn để bù đắp cho giai đoạn đình trệ.

Thực tế, sau 2 tuần giảm mạnh, thị trường đã đón nhận những thông tin tích cực hơn về việc kiểm soát dịch bệnh, cùng việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh cân nhắc khả năng tiếp tục giảm sản lượng, giá dầu đã tăng trở lại, giúp nhiều cổ phiếu dầu khí hồi phục, đem lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư bắt đáy.

Dù vậy, sự thận trọng khi bắt đáy cổ phiếu dầu khí vẫn là cần thiết khi giá dầu luôn cho thấy biến động khó lường và khó dự báo, qua đó ảnh hưởng đến khả năng phục hồi thị giá của các cổ phiếu trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan