Cổ phiếu dệt may: tiềm năng bỏ ngỏ

(ĐTCK-online) Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng lớn và nhiều hàng rào kỹ thuật mới được dựng lên, ngành Dệt may Việt Nam đã xuất sắc “qua mặt” dầu thô để trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong năm 2007 với tổng kim ngạch đạt 7,8 tỷ USD, vượt 450 triệu USD so với kế hoạch và tăng tới 31% so với năm 2006.

Dự kiến, ngành này sẽ còn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lên đến 21,8% trong năm 2008 với kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 10 tỷ USD và tăng lên 25 tỷ USD vào năm 2010. Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành dệt may trong suốt năm qua và những chỉ số tương lai đầy hy vọng liệu có là cú hích phá vỡ sự hờ hững của NĐT đối với cổ phiếu ngành này?

“Triển vọng tăng trưởng không cao”, đó là nhận xét của nhiều NĐT về cổ phiếu ngành này. Ngành dệt may có một khó khăn ai cũng nhìn thấy rõ là phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nước ngoài nên bị động, tỷ suất lợi nhuận thấp… Mặt khác, giá nhân công trong ngành  hiện quá rẻ so với mặt bằng chung của xã hội nên các doanh nghiệp dệt may còn có lãi cao. Tuy nhiên, thời gian tới giá nhân công sẽ không thể thấp mãi và đương nhiên  tăng lương thì lợi nhuận cũng giảm theo.

 Có lẽ vì mang tiếng là một ngành gia công nên kết quả đấu giá cổ phần trong vòng ba tháng gần đây của doanh nghiệp dệt may cũng thể hiện rõ sự không mấy mặn mà của NĐT. Giá đấu thành công bình quân của doanh nghiệp “đại gia” trong ngành là Tổng công ty may Việt Tiến chỉ ở mức 36.618 đồng/cổ phần. CTCP Dệt vải Phong Phú chỉ được ấn định ở mức 13.613 đồng/cổ phần và CTCP Dệt gia dụng Phong Phú 13.485 đồng/cổ phần. Nhà máy Dệt Tân Tiến còn thấp hơn, chỉ đạt 10.098 đồng/cổ phần. Chỉ có cổ phiếu TCM (CTCP dệt may Thành Công) là còn giữ được sự hấp dẫn với NĐT. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, TCM đã có giá 54.500 đồng/cổ phiếu (mức kịch trần so với giá tham chiếu ấn định) và cổ phiếu này đã tăng trong 17 phiên kế tiếp với giá đỉnh là 111.000 đồng/cổ phiếu.  Mặc dù Dệt may Thành Công được biết đến là một trong mười doanh nghiệp tiêu biểu của ngành dệt may - với hàng loạt giải thưởng cũng như có thị phần khá lớn - nhưng đây không phải là lý do khiến NĐT “bỏ phiếu” cho TCM. Hấp lực khác được chú ý hơn là định hướng của công ty này ngay từ khi CPH là trở thành một tập đoàn đa ngành, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Đến nay, TCM cùng với các đối tác đã và đang triển khai một số dự án như: Dự án KCN Sài Gòn - Long An 250ha, Dự án khu đất chuyên dùng tại Đức Hòa 7 héc - ta, Dự án Kho ngoại quan tại cảng Phú Mỹ (17hec - ta), Dự án Khu du lịch, resort với diện tích 10 héc - ta tại Phan Thiết, Dự án Trung tâm kinh doanh và căn hộ cao tầng tại Tp.HCM - Thành Công Tower với tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng…

Phát triển theo hướng đa ngành cũng đang là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp dệt may. Đơn cử, Việt Tiến hướng vào kinh doanh máy in, photocopy, thiết bị máy tính, đầu tư và kinh doanh tài chính... Đại hội cổ đông thường niên 2007 của CTCP Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn cũng đã quyết định đến năm 2010, cơ cấu kinh doanh sẽ chuyển đổi theo hướng đa dạng hoá hoạt động, vẫn giữ 60% doanh thu từ SXKD may mặc còn 30% doanh thu là từ hoạt động kinh doanh bất động sản và 10% từ hoạt động đầu tư tài chính.

Theo ông Ân, trong quý I/2008 sẽ có khoảng 20 doanh nghiệp ngành dệt may tiến hành IPO hoặc phát hành thêm. Nhưng ngay vị lãnh đạo ngành này cũng không quá hy vọng vào sự đột biến giá cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành nếu  chỉ dựa chủ yếu vào sản phẩm truyền thống mà không kinh doanh thêm một số ngành nghề khác. Làm thế nào để cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành đắt giá hơn bằng chính giá trị nội tại của mình chứ không phải vì đầu tư ngành nghề không phải truyền thống? Đây sẽ là bài toán khó cho lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may. Mặc dù đánh giá cổ phiếu dệt may chỉ thuộc nhóm “thường thường bậc trung” nhưng một số NĐT nhận định, cổ phiếu ngành này vẫn còn yếu tố để hấp dẫn vì đây là một ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam nên chắc chắn Nhà nước sẽ có những chính sách phát triển. Một lợi thế nữa mà các doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu chú ý khai thác là họ có một quỹ đất rất lớn có thể sử dụng nhiều mục đích. Ngoài ra, việc các NĐT không đánh giá cao ngành này nên giá vẫn còn rẻ và đây cũng là một lợi thế để có thể quan tâm.