Tâm lý đám đông đến từ các nhà đầu tư đại chúng hiện đã cân bằng

Tâm lý đám đông đến từ các nhà đầu tư đại chúng hiện đã cân bằng

Cổ phiếu giảm sâu, nhiều doanh nghiệp vào cuộc ổn định tâm lý nhà đầu tư

(ĐTCK) Nhà đầu tư ngày càng nhận ra rằng, việc giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn bật tăng mạnh trở lại từ mức đáy là nhờ động thái tích cực từ ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc khẳng định tiềm năng doanh nghiệp cũng như giá trị cổ phiếu. HBC, CTD, NLG và mới đây là TCB đang thể hiện rõ nét nỗ lực này.

Sau khi niêm yết ngày 4/6, giá cổ phiếu TCB của Techcombank giảm sàn, đi ngược với xu hướng tăng mạnh của hầu hết các cổ phiếu ngân hàng và doanh nghiệp lớn mới niêm yết từ đầu năm đến nay.

Với mức giảm này, một số tổ chức đầu tư vào TCB trước lúc niêm yết đang tạm ghi nhận khoản lỗ trên giá trị sổ sách. Điều này tạo ra áp lực với Ban lãnh đạo Ngân hàng. Ngày 6/6/2018, một công ty chứng khoán lớn đã phát đi bản báo cáo lần đầu về cổ phiếu TCB với khuyến nghị mua, kỳ vọng mức sinh lời xấp xỉ 50%.

Các công ty chứng khoán lớn thường nhận được những hợp đồng tham gia tạo lập thị trường cho cổ phiếu thông qua hoạt động tư vấn đầu tư và môi giới.

Với sự tham gia của các công ty chứng khoán, không khó hiểu khi giá một cổ phiếu giảm dưới giá trị thật thì sẽ có một bản khuyến nghị đầu tư phân tích chi tiết về doanh nghiệp được gửi đến nhà đầu tư đại chúng. Đây là những nỗ lực của doanh nghiệp liên kết với công ty chứng khoán để truyền tải thông tin đến nhà đầu tư.

Từ nhiều năm trước, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) đã ký hợp đồng với Công ty Chứng khoán HSC về quan hệ nhà đầu tư (IR) và công ty này có các bước để xác lập giá trị cổ phiếu NLG trên thị trường.

Gần đây, giá cổ phiếu NLG đã phục hồi, nhưng sau khi cân nhắc, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT NLG vẫn đăng ký mua 500.000 cổ phiếu. Một thành viên HĐQT khác đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu NLG. Những thông tin này giúp NLG nối dài chuỗi tăng giá lên 31.900 đồng/CP, từ mức đáy 25.700 đồng/CP thiết lập hôm 30/5.

Giá cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã phải trải qua một giai đoạn dài giảm  mạnh. Tuy nhiên, mới đây, sau khi chốt danh sách chia cổ tức và cổ phiếu thưởng, HBC điều chỉnh về còn 23.000 đồng/CP, thuộc hàng thị giá nhỏ cộng với động thái quyết liệt của Chủ tịch HBC Lê Viết Hải đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu, giá HBC đã tăng mạnh trở lại.

Trong đợt suy giảm giá cổ phiếu HBC trước đó, ông Hải từng đăng ký mua vào khi giá HBC dưới 50.000 đồng/CP (giá chưa chia tách), nhưng cũng chỉ tác động đến tâm lý thị trường một vài phiên. Việc ông Hải tiếp tục đăng ký mua vào được xem là hành động quyết liệt trong việc khẳng định giá trị cổ phiếu HBC.

Hồi đầu năm, khi giá HBC sụt giảm, một số quỹ đầu tư cũng như nhà đầu tư cá nhân trong một cuộc gặp gỡ Ban lãnh đạo HBC đã chất vấn lý do giảm các khoản phải thu của HBC, cho thấy nhà đầu tư rất nhạy cảm với sức khỏe của doanh nghiệp. HBC đang tập trung xử lý vấn đề về khoản phải thu, với hy vọng, các khoản chủ đầu tư nợ của HBC trước sau gì cũng sẽ thanh toán cả gốc và lãi.

Cũng trong ngành xây dựng, Coteccons (CTD) đối mặt với áp lực từ cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên khi giá cổ phiếu giảm trước loạt tin đồn chảy máu chất xám, tin đồn về bất đồng với cổ đông lớn…

Mặc dù đã phục hồi từ mức giá 122.000 đồng/CP nhưng thị giá CTD trước đại hội vẫn thấp hơn 10% so với giá mà các quỹ mua trong đợt phát hành riêng lẻ năm 2016 là 150.000 đồng/CP.

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT CTD đã trả lời các chất vấn của cổ đông rằng, việc một phó giám đốc CTD ra đi không ảnh hưởng đến CTD.

Ông Dương cũng khẳng định, nếu biết đường đi, Coteccons không chỉ là một công ty xây dựng lớn nhất, mà còn trong nhóm 10 tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, thời điểm Coteccons sáp nhập Unicons, giá cổ phiếu tăng mạnh, ông Dương khẳng định, nếu Coteccons sáp nhập công ty vệ tinh thì giá cổ phiếu sẽ tăng.

Khẳng định đó giúp giá cổ phiếu CTD phục hồi trên mức 150.000 đồng/CP. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang chờ đợi những thông tin cụ thể hơn về kế hoạch sáp nhập sau đại hội. Rất có thể, CTD sẽ tổ chức đại hội bất thường để trình phương án sáp nhập.

Quan sát từ thị trường cho thấy, đợt điều chỉnh vừa qua của TTCK Việt Nam bị chi phối mạnh bởi áp lực tâm lý. Vì thế, giá nhiều cổ phiếu giảm sâu xuống quá mức dự định và giá trị hợp lý của doanh nghiệp.

Điều này khiến các cổ đông, đặc biệt là các tổ chức đầu tư tạo áp lực lớn lên ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, phải hành động để ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Chính việc các lãnh đạo doanh nghiệp đồng loạt có động thái đăng ký mua vào, hay thông tin ra thị trường đã góp phần không nhỏ giúp chứng khoán Việt Nam phục hồi. Vai trò tạo lập và bình ổn thị trường của các quỹ, các tổ chức đầu tư trong tình huống này đã thể hiện rõ, cân bằng lại tâm lý đám đông đến từ các nhà đầu tư đại chúng.         

Tin bài liên quan