Tuy có thị trường ruột, dịch vụ cung cấp độc quyền nhưng cổ phiếu hàng không giao dịch trên thị trường rất ít.

Tuy có thị trường ruột, dịch vụ cung cấp độc quyền nhưng cổ phiếu hàng không giao dịch trên thị trường rất ít.

Cổ phiếu hàng không “ở ẩn”

(ĐTCK-online) Khoảng 10 DN trực thuộc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu. Song chưa một DN nào xuất hiện trên sàn Hà Nội hoặc TP. HCM, giao dịch cổ phiếu hàng không trên thị trường OTC cũng lặng sóng. Vì sao cổ phiếu hàng không, thuộc lĩnh vực độc quyền, đầy tiềm năng phát triển, lại ít phổ biến như vậy?

Theo giá tham khảo trên thị trường, cổ phiếu của Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài (NASCO) là 70.000 đồng/CP (mệnh giá 10.000 đồng), Xuất nhập khẩu hàng không (AIRIMEX) giá 37.000 đồng/CP, In hàng không (APVN) giá 22.000 đồng/CP và Nhựa hàng không (APLAPCO) giá 45.000 đồng/CP, Cung ứng dịch vụ hàng không (Airserco) giá 20.000 đồng/CP, Tư vấn xây dựng và Dịch vụ hàng không (AEC) giá 80.000 đồng/CP, Suất ăn hàng không Nội Bài giá 735.000 đồng/CP (mệnh giá 100.000 đồng); Cung ứng và XNK lao động hàng không giá 285.000 đồng/CP.

Có thị trường ruột, dịch vụ cung cấp độc quyền nhưng cổ phiếu hàng không giao dịch trên thị trường rất ít. Thời hoàng kim của TTCK cuối năm 2006, trong khi nhiều công ty cổ phần khác nhộn nhịp kẻ bán, người mua thì cổ phiếu hàng không vẫn lặng lẽ dù không bao giờ thiếu trong các sàn giao dịch phi chính thức. Anh Nguyễn Quang Hải, một nhà đầu tư ưa chuộng cổ phiếu hàng không cho biết, mua cổ phần của các công ty này rất khó, chủ yếu mua gom của CBCNV, hơn nữa do mới cổ phần hóa, cổ phiếu bán cho CBCNV chưa được chuyển nhượng chính thức, tỷ lệ Nhà nước nắm giữ cổ phiếu cao nên lượng bán ra ngoài rất ít. Khi thị trường OTC đóng băng như thời điểm hiện nay, hàng vẫn ít chứ không như nhiều ngành khác (xem bảng).

Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng chia sẻ quan điểm như vậy, không ít người lo ngại những vụ lình sình liên quan đến Vietnam Airlines trong năm 2005-2006 sẽ ảnh hưởng không tốt đến ngành nên không mấy mặn mà với cổ phiếu hàng không. Hơn nữa, những DN đã cổ phần hóa trong ngành chỉ có quy mô vốn nhỏ, tốc độ tăng trưởng không cao.

 

Chưa sẵn sàng niêm yết

Theo kế hoạch, từ năm 2005, trong số các DN hạch toán độc lập trực thuộc Vietnam Airlines có một DN nằm trong diện phải niêm yết, giao dịch trên TTCK là Công ty Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO). Nhưng sau đó, Chính phủ có quyết định chuyển SASCO về trực thuộc Cụm cảng hàng không miền Nam, bởi vậy cho đến nay trong số các DN hàng không cổ phần hóa chưa có DN nào “lên sàn”.

Kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù, mang tính độc quyền nên nhu cầu gọi vốn, quảng bá thương hiệu của các DN hàng không không mấy mạnh mẽ. Trong số DN đã cổ phần hóa chỉ có NASCO và NCTS mặn mà với mục tiêu lên sàn.

NASCO đặt mục tiêu lên sàn TP. HCM vào năm 2008, song điều kiện về vốn điều lệ đang là câu hỏi khó với ban lãnh đạo DN này. Từ 45 tỷ đồng vốn điều lệ khi cổ phần hóa năm 2005, NASCO đã xin tăng vốn điều lệ lên 60 tỷ đồng vào năm 2007 và 80 tỷ đồng vào năm 2008 bằng cách phát hành thêm cổ phiếu qua đó giảm dần vốn chi phối của Nhà nước. Tuy nhiên, phương án của Công ty chưa được chấp thuận do Vietnam Airlines chủ trương không đầu tư thêm vốn vào các công ty mới cổ phần, năm 2010 mới thôi nắm giữ cổ phần chi phối tại các công ty này. “Trước mắt, Công ty chỉ biết hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng. Ấp ủ nhiều ý tưởng kinh doanh song chúng tôi chưa thể “lên sàn” để gọi vốn”, một lãnh đạo của NASCO  nói.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới cổ phiếu hàng không và đánh tiếng muốn tham gia nhưng sau đó lại rút lui. Nguyên nhân, theo nhận định của một chuyên gia tài chính trong ngành, là do Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại các DN đã cổ phần hóa (trừ CTCP Nhựa hàng không); hoạt động của các DN hàng không vẫn chịu áp lực rất lớn từ những mệnh lệnh hành chính, quyết định tập thể khiến nhiều cơ hội làm ăn vuột khỏi tầm tay. Có DN lên kế hoạch ĐHCĐ từ tháng 3 song tới tháng 7 mới tổ chức được bởi còn phải xin ý kiến. Lại có DN, HĐQT hầu như không có vai trò gì với hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Sẽ khó có được những đột biến về hiệu quả kinh doanh sau cổ phần hóa, cổ phiếu hàng không vẫn chưa thể hấp dẫn nhà đầu tư nếu vẫn giữ cách làm ăn này”, giám đốc một công ty cổ phần hàng không khẳng định.

Các công ty cũ còn chưa bứt phá sau cổ phần hóa khiến cổ phiếu hàng không chưa tạo được dấu ấn trên thị trường. Tuy nhiên, cùng với xu hướng đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, thị trường cổ phiếu hàng không hứa hẹn thêm nhiều hàng mới, chẳng hạn CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài và CTCP Khách sạn hàng không mới được thành lập. Hiện Vietnam Airlines đang hoàn thiện đề án thành lập thêm một loạt công ty mới, bao gồm CTCP Tài chính đầu tư hàng không, CTCP Bảo hiểm hàng không, CTCP Kinh doanh bất động sản hàng không và CTCP Tin học Viễn thông hàng không.

Doanh nghiệp

Cổ phần Nhà nước

Cổ phần CBCNV

Cổ đông ngoài

Tổng cộng

CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài

 1.800.000

660.000

540.000

3.000.000

 CTCP In hàng không

867.000

207.100

625.900

1.700.000

CTCP Cung ứng và XNK lao động hàng không

255.000

185.000

60.000

500.000

CTCP Cung ứng dịch vụ hàng không

1.483.825 

 341.600 

974.575 

2.800.000

CTCP Tư vấn XD và DV hàng không

255.000

50.500

194.500 

500.000

CTCP DV hàng không Sân bay Đà Nẵng

735.000

188.900

576.100

1.500.000

CTCP Vận tải ôtô hàng không

343.000

153.400

203.600

700.000

CTCP Công trình hàng không

1.632.000

247.800

1.320.200

3.200.000

CTCP Nhựa cao cấp hàng không 

525.400 

180.200

734.400

1.440.000

CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài

2.295.000

1.241.800

963.200

4.500.000

CTCP XNK hàng không

1.020.000

137.400

842.600

2.000.000

(Cơ cấu vốn cổ phần của các DN hàng không, tính đến ngày 14/6/2007)