Cổ phiếu khai khoáng kích hoạt "ngòi nổ"

Cổ phiếu khai khoáng kích hoạt "ngòi nổ"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều năm dài giao dịch dưới mệnh giá, nhóm cổ phiếu khai khoáng đang bùng nổ trong thời gian gần đây.

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 13/9 đến ngày 17/9, VN-Index tăng 7,33 điểm, tương đương 0,54% lên 1.352,64 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5,9% xuống 105.942 tỷ đồng, khối lượng giảm 0,4% xuống 3.647 triệu cổ phiếu.

Chỉ số HNX-Index tăng 7,92 điểm, tương đương 2,26% lên 357,97 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 10,9% lên 17.699 tỷ đồng, khối lượng tăng 11,1% lên 866 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, cổ phiếu nhóm khai khoáng cũng có một tuần giao dịch thăng hoa với sắc tím hiện diện trong nhiều mã, qua đó giúp nhóm này tăng 12,86% trong tuần qua.

Cổ phiếu khai khoáng thăng hoa

Mã chứng khoán

Niêm yết

Giá đóng cửa ngày 10/9 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 17/9 (VNĐ)

Biến động (%)

TVD

HNX

13.800

19.200

39,13

TDN

HNX

14.000

19.400

38,57

MDC

HNX

12.500

17.000

36,00

HLC

HNX

14.000

19.000

35,71

BMC

HOSE

22.750

28.700

26,15

NBC

HNX

19.500

23.800

22,05

MVB

HNX

26.000

31.100

19,54

DHM

HOSE

11.750

13.350

13,62

Trong nhóm khai khoáng, cổ phiếu than đã âm thầm trở mình từ tháng 6 vừa qua. Sự bứt phá này đã giúp nhiều cổ phiếu vượt mệnh giá sau thời gian dài không được nhà đầu tư chú ý. Thậm chí, cả những cổ phiếu duy trì ở mức “trà đá” trong nhiều năm trước cũng gặp được thời.

Cụ thể, mã TVD của CTCP Than Vàng Danh đã tăng 39,13% trong tuần qua và tăng 126% kể từ đầu tháng 8, đưa cổ phiếu chạm mốc 19.200 đồng (chốt phiên ngày 17/9), khả năng thanh khoản của TVD cũng được chuyển biến rõ rệt. Trong phiên ngày 16/9, khối lượng giao dịch của TVD cao nhất tuần với tổng hơn 1,48 triệu đơn vị, giá trị hơn 28 tỷ đồng.

Mã TDN của CTCP Than Đèo Nai cũng tăng 38,57% trong tuần, giúp cổ phiếu chốt giá 19.400 đồng vào phiên ngày 17/9. Nhìn lại những năm 2019 trở về trước, TDN chỉ giao dịch quanh mức giá từ 3.000 - 6.000 đồng/CP với mức thanh khoản đì đẹt mỗi phiên.

Cổ phiếu MDC của CTCP Than Mông Dương cũng là trường hợp tương tự. Sau nhiều năm “tàng hình” trên thị trường, chỉ trong tuần qua, MDC đã tăng 36% và tăng 88,9% từ đầu tháng 8. Chốt phiên cuối tuần, MDC đạt 17.000 đồng/CP.

Ngoài ra, mã NBC của CTCP Than Núi Bèo ghi nhận tăng 22,05% trong tuần. Trước phiên ngày 21/6, NBC vẫn duy trì dưới mệnh giá và cổ phiếu chỉ bứt phá khi ngành than nhận được nhiều tín hiệu tích cực hơn. Đồng thời, mã HLC của CTCP Than Hà Lầm cũng tăng 35,71%; mã MVB của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV tăng 19,54%...

Bên cạnh nhóm than, nhóm khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản, khai thác dầu,.. cũng được đà tăng trưởng.

Điển hình như mã BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định đã tăng 26,15%, trong đó phiên đầu tuần và cuối tuần tăng trần, giúp cổ phiếu đạt 28.700 đồng/CP khi chốt tuần. So với đầu tháng 8, BMC đã tăng 95,2%.

Dù cổ phiếu đang nằm trong diện cảnh báo, nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến mã DHM của CTCP Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu. DHM có hai phiên tăng trần vào cuối tuần, chốt ở mức 13.350 đồng/CP.

Kinh doanh trồi sụt

Trái ngược với đà tăng của cổ phiếu, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp khai khoáng không mấy sáng sủa trong nửa đầu năm 2021.

6 tháng đầu năm 2021, Than Vàng Danh đạt doanh thu là 2.545,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết, đại dịch bùng phát do phải tăng chi phí cho công tác phòng chống dịch, đặc biệt việc tiêu thụ than cho khu vực Uông Bí, Đông Triều gặp nhiều khó khăn. Do đó, lãi ròng giảm tới 31,4% xuống 21,4 tỷ đồng.

Đối với Than Đèo Nai, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 1.577,4 tỷ đồng, giảm 5,1% so với nửa đầu năm 2020; lãi ròng giảm 16,9% về mức 21,1 tỷ đồng, do sản lượng than tiêu thụ quý II giảm 4% và 6 tháng giảm 7% so với cùng kỳ.

CTCP Than Hà Lầm ghi nhận doanh thu thuần tăng 6% lên 1.518,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng 15,8% nên lãi gộp giảm 33,2% xuống 190,6 tỷ đồng. Song nhờ chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm, lãi ròng của HLC đi ngang cùng kỳ và đạt 22,2 tỷ đồng.

Dẫu vậy, điều đáng mừng là không phải tất cả doanh nghiệp khai khoáng đều có kết quả kinh doanh đi lùi. Than Mông Dương công bố doanh thu thuần đạt 1.177,1 tỷ đồng, tăng 14,4% so với nửa đầu năm 2020 do sản lượng tiêu thụ tăng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 44,3% lên gần 14,8 tỷ đồng.

Than Núi Bèo cho biết, doanh thu thuần đạt 1.081,7 tỷ đồng, tăng 20% và lãi ròng đạt 16,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 144 tỷ đồng. Công ty giải trình trong 6 tháng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lao động bị thiếu hụt, công tác bố trí sản xuất gặp khó khăn, sản lượng thấp không đạt kế hoạch, cùng với tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Thực tế khác kỳ vọng

Thực tế, nhóm ngành khai khoáng ngày càng có đóng góp giảm sút trong giá trị sản xuất công nghiệp (IIP). Theo Tổng cục Thống kế, IIP tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,4%.

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi các ngành khác đều tăng thì riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Trong khi đó, giá than thế giới đang được đẩy lên cao do hai nền kinh tế lớn của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường đặt hàng để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng cao hơn từ các nhà máy sản xuất.

Theo đó, giá than thế giới tháng 9 (tính đến ngày 19/9) đạt 177,5 USD/tấn, tăng 15,41% so với tháng 8 (150,15 USD/tấn) và tăng 116,46% so với tháng 1 đầu năm (82 USD/tấn). Mặt khác, giá than trung bình năm 2020 ở mức khoảng 73 USD/tấn. Như vậy, giá than thế giới đã tăng xấp xỉ 143,1% so với năm 2020.

Song từ kết quả kinh doanh cho thấy, các doanh nghiệp than nội địa chưa được hưởng lợi quá nhiều từ xu hướng này.

Ở trong nước, các địa phương như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Điện Biên là các vùng sản xuất chính trong nước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 8/2021. Tuy nhiên, do tác động nhất định của thời tiết cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, dẫn đến hoạt động khai thác và phân phối vẫn bị ảnh hưởng.

Nhiều nhà đầu tư nhạy bén đánh giá đặc thù của ngành than là ngành suy thoái, trữ lượng dần cạn kiệt, khai thác ngày càng xuống sâu chi phí càng bị đẩy lên cao. Do đó, không nên kỳ vọng quá cao vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp than nội địa.

Do đó, triển vọng chung của ngành khai khoáng vẫn được nhận định ở mức trung bình trong năm 2021.

Tin bài liên quan