Chỉ khi dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngân hàng, thị trường chung mới có khả năng bứt tốc

Chỉ khi dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngân hàng, thị trường chung mới có khả năng bứt tốc

Cổ phiếu ngân hàng: Chờ hiệu ứng giãn Thông tư 02

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kéo dài thời hạn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN là thông tin tích cực trong trung hạn đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại, dù hiện tại dòng tiền vẫn dè dặt với cổ phiếu “họ” bank.

Tạo dư địa tăng trưởng tín dụng

Với tình hình lạm phát, tỷ giá vẫn được kiểm soát tốt, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024. Bên cạnh việc duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp, mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang cân nhắc kéo dài thời hạn áp dụng của Thông tư 02/2023/TT-NHNN (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn).

Theo ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS), khó khăn lớn nhất của các ngân hàng trong năm nay đến từ việc phải đảm bảo hài hòa mục tiêu kép, bao gồm việc đảm bảo dòng tiền được bơm ra nền kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh, vừa đảm bảo nợ xấu được kiểm soát. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kéo dài thời hạn triển khai Thông tư 02 được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, có thêm dư địa tăng trưởng tín dụng.

Mục tiêu của cơ quan quản lý ngành ngân hàng khi ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN là nhằm giữ cho nợ xấu của các ngân hàng không bị tăng lên quá mạnh trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản kém thanh khoản. Cụ thể, tính đến ngày 31/10/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu toàn hệ thống đạt 158.700 tỷ đồng, với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Thông tư 02 có hiệu lực đến cuối tháng 6/2024. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản khó có thể phục hồi trước nửa đầu năm 2024, vì vậy, việc kiến nghị kéo dài thời gian Thông tư 02 là có cơ sở.

Từ góc nhìn của ông Hồ Đức Thành, chuyên gia phân tích ngành, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), phần lớn các ngân hàng mặc dù không chuyển nhóm nợ nhưng đã trích lập đầy đủ để phòng ngừa rủi ro, nên việc kéo dài thời gian của Thông tư 02 được đánh giá sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới lợi nhuận.

Điều đáng quan tâm hơn là tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng đã tăng nhanh trong năm 2023, lên mức 3%, phản ánh những diễn biến tiêu cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chu kỳ suy giảm của ngành bất động sản và kinh tế tăng trưởng chậm lại. Chi phí dự phòng của các ngân hàng cũng tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận ròng của hầu hết các ngân hàng sẽ thu hẹp.

Vì vậy, nếu việc gia hạn Thông tư 02 được thông qua, các ngân hàng được hưởng lợi khi nợ xấu trên sổ sách “ít hơn”, các khách hàng không phải chịu mức lãi suất phạt, đồng thời nợ xấu cũng là tiêu chí để phân bổ room tín dụng cho năm sau. Chính sách này sẽ giúp giảm tốc độ gia tăng nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng, đồng thời giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp đang vay nợ, từ đó, tạo dư địa để đẩy dòng vốn tín dụng mới ra thị trường.

Chờ “kích hoạt” cổ phiếu

Việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN có thể tác động tích cực lên nhóm ngân hàng khi áp lực nợ xấu giảm bớt.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng trong các diễn biến của chỉ số VN-Index khi chiếm tới hơn 40% tổng vốn hóa toàn thị trường. Hiện tại, chỉ số đang trong xu hướng xác định lại vùng giá cân bằng mới, các nhóm cổ phiếu thay nhau nâng đỡ và dẫn dắt thị trường.

Tuy nhiên, để VN-Index tiến xa hơn, chắc chắn cần sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu “vua”. Mức P/B toàn ngành ngân hàng ở thời điểm hiện tại đang tương đương với giai đoạn 2016.

Ngành ngân hàng đang bước vào chu kỳ tăng trưởng chậm sau thời gian dài tăng trưởng nóng. Định giá các ngân hàng, ngoài dựa vào hệ số P/B, các nhà đầu tư nên chú ý tới chất lượng tài sản của ngân hàng và sự bền vững của các nguồn thu nhập. Mức định giá hiện tại đang phản ánh thái độ thận trọng của thị trường dành cho nhóm cổ phiếu này. Với những tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng được tái định giá ở mặt bằng cao hơn.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN có thể tác động tích cực trực tiếp lên nhóm cổ phiếu ngân hàng khi áp lực nợ xấu giảm bớt, từ đó, các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng, có nhiều dư địa cho việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng có dư nợ bất động sản cao.

Theo BSC, tín dụng toàn hệ thống có thể bứt tốc trong quý IV/2023 với mức dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt khoảng 12% và cải thiện lên 13 - 14% trong năm 2024. Trong đó, thu nhập lãi thuần sẽ là động lực tăng trưởng chính với kỳ vọng NIM cải thiện và tín dụng tăng tốc theo tính chu kỳ trong quý IV/2023. Tuy nhiên, áp lực chi phí tín dụng chưa dễ hạ nhiệt trong ngắn hạn làm kìm hãm tốc độ phục hồi của lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023.

BSC cũng lưu ý, do quý IV/2022 là mức nền thấp nhất về lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng trong 2 năm trở lại đây, nên kỳ vọng các ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý IV/2023. Điều này tạo hiệu ứng tốt đối với tâm lý thị trường.

Nhận định về cơ hội cụ thể trong nhóm ngân hàng, chuyên gia KBSV cho rằng, những ngân hàng kiểm soát được nợ xấu ổn định sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng. Đơn cử, VietinBank dự báo sẽ cải thiện biên lãi thuần (NIM) trong năm 2024. Với bộ đệm dự phòng lớn và danh mục cho vay ít rủi ro, VietinBank sẽ tiếp tục kiểm soát nợ xấu ổn định dưới 1,8% trong năm tới.

Ông Trần Văn Tuấn, nhà đầu tư tại sàn MBS cho rằng, thu nhập lãi thuần vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng, nên tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) là các yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá về khả năng tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Theo ông Tuấn, ngân hàng là nhóm cổ phiếu đáng lưu ý trong năm 2024, khi chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới đi vào giai đoạn cuối, xu hướng giảm lãi suất toàn cầu sẽ kích thích làn sóng sản xuất và tiêu dùng mới, từ đó, nhu cầu vốn của nền kinh tế nói chung sẽ khởi sắc hơn. Chỉ khi dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngân hàng thì thị trường mới có khả năng “bứt tốc”. Tài khoản lúc nào cũng “găm” vài mã cổ phiếu của các ngân hàng hoạt động an toàn, không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp như ACB hay VIB…, nhưng ông Tuấn cho rằng, để trải nghiệm “sóng” cổ phiếu, STB hay SHB vẫn là những cổ phiếu “hay”.

Tin bài liên quan