Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hậu thuẫn, VN-Index bật tăng trở lại

Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hậu thuẫn, VN-Index bật tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 2 phiên giảm điểm, VN-Index đã lấy lại đà tăng khá tốt trong phiên hôm nay khi nhận được sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán.

Trong phiên giao dịch sáng, sau nửa đầu phiên thận trọng, dòng tiền đã tự tin hơn khi nhận thấy bên bán không dám ra lệnh giá thấp, giúp VN-Index bật tăng trở lại. Tuy nhiên, VN-Index 2 lần thất bại khi chinh phục mốc điểm 1.250.

Bước sang phiên giao dịch chiều, dòng tiền hoạt động tích cực hơn, đặc biệt là hướng vào 2 nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng và chứng khoán, giúp nhiều mã trong 2 nhóm này tăng cao, qua đó tạo sức lan tỏa, kéo VN-Index bật tăng mạnh qua ngưỡng cản của phiên sáng để đóng cửa trên mốc 1.260 điểm. Thanh khoản nhích nhẹ so với phiên hôm qua, nhưng vẫn chưa bằng 4 phiên liền trước đó.

Chốt phiên, VN-Index tăng 17,62 điểm (+1,42%), lên 1.260,08 điểm với 339 mã tăng, trong khi chỉ có 139 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 915,6 triệu đơn vị, giá trị 22.992,4 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng tăng nhẹ 6% về giá trị so với phiên hôm qua, cho thấy dòng tiền hướng nhiều tới nhóm bluechip, ở đây là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 56,8 triệu đơn vị, giá trị 1.793,9 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng chỉ còn EIB hụt đà cuối phiên, đóng cửa với sắc đỏ nhạt, còn lại đều tăng giá. Trong đó, VIB tăng kịch trần lên 23.600 đồng, khớp 27,15 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới 1,6 triệu đơn vị, mức thanh khoản kỷ lục kể từ khi chào sàn. Ngoài ra, các mã khác tăng mạnh có LPB tăng 5,26% lên 17.000 đồng, TCB tăng 4,96% lên 42.300 đồng, MBB tăng 4,09% lên 24.150 đồng, CTG tăng 3,15% lên 34.350 đồng, MSB tăng 3,14% lên 14.800 đồng; có 5 mã tăng trên 2% là ACB, BID, STB, TPB và VPB… Trong đó, MBB là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 39,36 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán thậm chí toàn một màu xanh với mã tăng ít nhất cũng là 1%, trong khi mã tăng mạnh nhất là VCI tăng 4,93% lên 53.200 đồng. Tiếp đến là VIX tăng 3,63% lên 20.000 đồng. SSI tăng 2,9% lên 37.200 đồng, cùng với 7 mã khác cũng có mức tăng trên 2%. Trong nhóm này, VIX là mã có thanh khoản tốt nhất và thứ 3 thị trường với 28,83 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản và thép vẫn có sự phân hóa, nhưng sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn sắc đỏ. Trong đó, nhóm thép có mức tăng không đáng kể và thanh khoản cũng khiêm tốn hơn nhiều so với các nhóm khác cũng như với chính nhóm này trong các phiên trước.

Trong nhóm bất động sản HPX và D2D vẫn yên vị ở mức trần do lực cung không thấm vào đâu so với cầu, số còn lại tăng không quá mạnh. Trong đó, DIG là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và thứ 2 thị trường sau MBB với 29,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,67% lên 30.400 đồng.

Trong nhóm VN30, ngoài nhóm ngân hàng, có nhiều mã khác tăng tốt như MWG tăng 5,49% lên 48.000 đồng, khớp 20,64 triệu đơn vị, có lúc lên kịch trần 48.650 đồng; FPT tăng 2,23% lên 114.500 đồng; GAS và POW tăng trên dưới 1,5%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG gây ấn tượng mạnh trong phiên chiều khi bật lên mức kịch trần 12.650 đồng, khớp 27,18 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần 1 triệu đơn vị, dù có thời điểm trong phiên bị đẩy xuống dưới tham chiếu.

Sàn HNX cũng có diễn biến tích cực trong phiên chiều, thậm chí còn đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,86 điểm (+0,79%), lên 238,03 điểm với 108 mã tăng và 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77,6 triệu đơn vị, giá trị 1.583,5 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 47,4 tỷ đồng.

Theo đà tăng của nhóm cổ phiếu chứng khoán, SHS nhận được dòng tiền mạnh mẽ trong phiên chiều nên bứt lên, đóng cửa ở mức cao nhất ngày 19.200 đồng, tăng 2,13% với thanh khoản 25,39 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại trên sàn HNX.

Một mã chứng khoán khác là MBS cũng tăng tốt 1,77% lên mức cao nhất ngày 28.700 đồng, khớp 3,17 triệu đơn vị, trong Top 5 thanh khoản trên HNX. Trong Top 5 mã thanh khoản trên sàn này, chỉ duy nhất CEO vẫn có sắc đỏ khi giảm 0,44% xuống 22.600 đồng, còn lại đều đóng cửa trong sắc xanh.

Trong khi 2 sàn niêm yết có phiên giao dịch chiều tích cực, thì UPCoM lại khá nhọc nhằn khi lại bị “dẫn bàn” ngay những phút đầu và phải rất vất vả để gỡ điểm như phiên sáng, nhưng lại thiếu chút may mắn, nên vẫn đóng cửa với sắc đỏ nhạt.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,06 điểm (-0,07%), xuống 90,54 điểm với 192 mã tăng và 99 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,7 triệu đơn vị, giá trị 443 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 51 tỷ đồng.

Trong 9 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chỉ có 2 mã đóng cửa giảm giá và đều giảm hơn 2% là DRI và HSV, còn lại đều tăng, trong đó BOT tăng kịch trần lên 3.300 đồng và còn dư mua trần với thanh khoản 4,12 triệu đơn vị, chỉ đứng sau BSR.

Mã đứng thứ 3 về thanh khoản là C4G với 3,06 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,77% lên 11.500 đồng. Tiếp đến là DDV với 2,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,51% lên 13.900 đồng…

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hôm nay đều tăng tốt hơn thị trường cơ sở (VN30 tăng 24,32 điểm, tương ứng tăng 1,97% lên 1.259,06 điểm) , ngoại trừ hợp đồng đáo hạn tháng 9/2024. Trong đó, hợp đồng đáo hạn ngày mai là VN30F2403 tăng 25,5 điểm (+2,07%), lên 1.255,5 điểm với 289.691 hợp đồng được chuyển nhượng, tương đương giá trị 36.077,9 tỷ đồng; khối lượng mở 39.565 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay cũng có thanh khoản khá tốt với 4 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị, cùng 14 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong 4 mã có thanh khoản tốt nhất, có 3 mã do SSI phát hành, mã còn lại do ACBS phát hành. Trong đó, có 2 mã là chứng quyền của MWG, 1 mã là chứng quyền của STB và 1 mã là chứng quyền của VRE. Cụ thể, CSTB2322 tăng 19,61% lên 610 đồng, thanh khoản 4,9 triệu đơn vị; CMWG2316 tăng 55,84% lên 1.200 đồng, thanh khoản 3,88 triệu đơn vị; CVRE2315 đứng tham chiếu 350 đồng, thanh khoản 3,05 triệu đơn vị; CMWG2313 tăng 33,33% lên 1.000 đồng, thanh khoản 2,45 triệu đơn vị.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay cũng có giao dịch khá sôi động với tổng khối lượng 7,24 triệu đơn vị, giá trị 4.071,7 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch tốt nhất là RHG12101 của Tập đoàn R&H với gần 1,42 triệu đơn vị, giá trị 144,9 tỷ đồng.

Tin bài liên quan