Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng, thị trường tăng tốc

Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng, thị trường tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền sôi động đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp các mã này đua nhau nổi sóng, với điểm sáng là CTG tăng kịch trần, ACB và MBB tăng 5-6%, kéo VN-Index tăng tốc qua mốc 1.185 điểm.

Phiên giao dịch sáng 5/2 diễn ra khá chậm rãi. Dù thị trường chào đón sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng nhưng còn thiếu sự “đồng nhất của anh cả VCB và dòng tiền tham gia thận trọng khiến thị trường giao dịch phân hóa, chỉ số VN-Index đã duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên và tạm dừng dưới vùng giá 1.180 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng 30 phút lình xình đi ngang, lực cầu gia tăng đã lan rộng toàn nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiếp sức giúp các mã trong ngành đua nhau khởi sắc, thậm chí CTG còn tăng kịch trần và nhiều mã sát trần, giúp VN-Index thẳng tiến hướng tới mốc 1.190 điểm.

Tuy nhiên, thị trường chỉ tiệm cận vùng giá trên rồi hạ độ cao đôi chút về cuối phiên khi một số mã bank bớt nóng. Điểm tích cực vẫn là thanh khoản thị trường khá tốt với sự đóng góp lớn của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi top 10 mã giao dịch sôi động nhất thì có tới 7 mã bank.

Chốt phiên, sàn HOSE có 270 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index tăng 13,51 điểm (+1,15%) lên 1.186,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 874,8 triệu đơn vị, giá trị 19.193,72 tỷ đồng, cùng giảm nhẹ hơn 4% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 2/2. Giao dịch thảo thuận đóng góp 104,85 triệu đơn vị, giá trị 2.217,62 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn dẫn dắt thị trường với mức tăng ấn tượng hơn chỉ số chung, kết phiên tăng 22,6 lên gần mức 1.200 điểm. Trong đó chỉ còn 6 mã mất điểm là VRE giảm 2,2%, BCM giảm 1,6%, còn lại MSN, POW, VCB, PLX giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Ngược lại có tới 21 mã tăng, điểm sáng là cổ phiếu CTG tăng kịch trần, tiếp theo đó là loạt mã bank khác có mức tăng trong khoảng 2-6% là ACB, MBB, VIB, TCB, BID, TPB, SHB, STB, VPB.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HBC đã nằm sàn khi đóng cửa với thanh khoản đạt 10,84 triệu đơn vị, HNG và POM lần lượt dư bán sàn 7,86 triệu đơn vị và 2,23 triệu đơn vị, QNP cũng giữ mức giá sàn với khối lượng dư bán sàn 16.700 đơn vị.

Xét về nhóm ngành, với diễn biến khởi sắc của các cổ phiếu ngân hàng, dòng bank vẫn có mức tăng vượt trội trên thị trường. Trong đó, các mã giao dịch sôi động nhất thị trường là SHB khớp 38,73 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,6%, MBB khớp hơn 37 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 5,5%, ACB khớp 28,12 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 5,9%, CTG khớp 21,68 triệu đơn vị và đóng cửa tăng kịch trần.

Đứng ở vị trí tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ và thông tin, với sự đóng góp đáng kể của anh cả trong ngành là FPT tăng 1,5% lên 103.500 đồng/CP và khớp gần 2,7 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán hồi phục nhẹ, đáng kể là VND đóng cửa tăng 1,8% lên mức 22.200 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 toàn thị trường và là mã sôi động nhất ngành với 21,63 triệu đơn vị khớp lệnh; SSI tăng nhẹ 0,4% và khớp 19,53 triệu đơn vị.

Ngược lại, nhóm nông lâm ngư là nhóm giảm sâu nhất, với HNG giảm sàn, HSL giảm 3,23%, NSC giảm 2,29%, HAG giảm 4,64%...

Trên sàn HNX, nỗ lực bật hồi bất thành khi áp lực bán vẫn chiếm ưu thế trên thị trường cùng gánh nặng gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên, sàn HNX có 70 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 0,28 điểm (-0,12%) xuống 230,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 69,44 triệu đơn vị, giá trị 1.338,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,22 triệu đơn vị, giá trị 41,31 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS vẫn có giao dịch vượt trội trên thị trường với hơn 27 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng áp lực bán gia tăng hơn trong phiên chiều khiến mã này đóng cửa giảm sâu hơn so với phiên sáng khi để mất 1,1% xuống mức 18.100 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là HUT và CEO lần lượt khớp 4,86 triệu đơn vị và hơn 4 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng giảm 2,1% xuống 18.700 đồng/CP và giảm 0,5% xuống 21.500 đồng/CP.

Ngược lại, một số mã trong nhóm HNX30 vẫn khởi sắc như MBS tăng 1,9% và khớp 3,33 triệu đơn vị, IDC tăng 0,5% và khớp 1,96 triệu đơn vị, TNG tăng 1,5% và khớp 1,77 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc nhưng may mắn hồi phục thành công về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,17%), lên 88,53 điểm với 142 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,51 triệu đơn vị, giá trị 434,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 233,73 tỷ đồng, trong đó riêng NAB thỏa thuận 10,44 triệu đơn vị, giá trị gần 140 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng đua nhau khởi sắc, trong đó NAB vừa có kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 8/3 tới đóng cửa tăng 1,3% lên mức 15.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,98 triệu đơn vị.

Các mã bank khác là ABB tăng 1,2% và khớp 1,38 triệu đơn vị, VAB tăng 2,7% lên 7.600 đồng/Cp và khớp 0,77 triệu đơn vị.

Điểm sáng là BCA có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp, đóng cửa đứng tại mức giá 10.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt 0,79 triệu đơn vị, gấp hơn 20 lần thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh 20-25 điểm. Trong đó, VN30F2402 tăng 21,4 điểm, tương đương +1,8% lên 1.202,5 điểm, khớp lệnh gần 170.250 đơn vị, khối lượng mở 47.880 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này CVPB2311 dẫn đầu thanh khoản với gần 4,9 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 4,8% lên mức 220 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2326 và CSTB2322 cùng khớp hơn 2,8 triệu đơn vị, đóng cửa lần lượt đứng giá tham chiếu 690 đồng/cq và tăng 16,7% lên 770 đồng/cq.

Tin bài liên quan