Cổ phiếu ô tô khó bật sáng

Cổ phiếu ô tô khó bật sáng

(ĐTCK) Quý IV thường là mùa ô tô bán chạy nhất, nhưng quý IV năm nay, liệu các DN ngành ô tô có kỳ vọng cải thiện được doanh thu hay không? Dưới tác động của Nghị định 116/2017/NĐ-CP, câu trả lời dường như chưa rõ ràng.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 5/2018 sản lượng tiêu thụ ô tô của cả nước đạt 22.374 xe, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng doanh số tiêu thụ ô tô cả nước đạt 103.055 xe, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, sản lượng xe lắp ráp ghi nhận tăng trưởng mạnh trong khi sản lượng xe nhập khẩu giảm, một phần đến từ việc cắt giảm nguồn cung xe nhập khẩu nguyên chiếc từ một số nhà sản xuất. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối ô tô. 

Động thái “tạm dừng” từ các nhà sản xuất được cho là phản ứng trở lại đối với chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc siết chặt các quy định tiêu chuẩn đối với xe nhập khẩu về xuất xứ, kiểu loại, mức độ khí thải…, thể hiện qua Nghị định 116/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Nghị định 116 có hiệu lực cùng lúc với việc Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Atiga). Theo đó, đối với lĩnh vực ô tô, từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực các nước ASEAN vào Việt Nam chính thức về 0%. Điều này được cho là tạo tiền đề cho sự bùng nổ của thế hệ “ô tô giá rẻ” tại Việt Nam đặc biệt từ năm 2018, nhưng thực tế lại không như kỳ vọng.

Tại CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC), với dự báo thị trường tiêu thụ ô tô sẽ đi ngang so với năm 2017, năm 2018, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 14.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 175 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 3% và 1% so với thực hiện năm 2017.

Theo ông Mai Việt Hà, Tổng giám đốc SVC, kế hoạch đưa ra trên cơ sở tình hình thực tế bởi vì quý II/2018 xuất hiện xu hướng giảm, còn quý III/2018 có thể sẽ là quý “trũng” nhất của thị trường, dự kiến sẽ không có xe bán. Mặt khác, một số nhà sản xuất xe lắp ráp (CKD) đang xử lý hàng tồn để chuẩn bị cho lượng xe CBU dự kiến sẽ đưa về Việt Nam trong quý IV/2018.

Được biết, dòng xe chủ lực mà SVC đang phân phối là Toyota, Ford và Honda… Tính đến cuối năm 2017, thị phần của SVC chiếm gần 10% trong tổng thị phần của VAMA.

Theo ông Hà, trong 6 tháng đầu năm chỉ có 3 nhà sản xuất ô tô chính thức nhập khẩu được là Honda, đưa về thời điểm đầu tháng 4, dòng Chervolet của General Motors đưa vào trong tháng 5 và dòng xe sang Volvo, mà SVC là một trong những nhà nhập khẩu chính thức được thông quan và đưa xe trong tháng 5.

Ngoài SVC, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối ô tô như CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX) và CTCP City Auto (CTF) cũng chịu sự tác động đáng kể từ chính sách.

Tiêu thụ giảm sút, lo ngại những biến đổi khó lường về mặt chính sách khiến nhà đầu tư thiếu niềm tin về triển vọng cổ phiếu ô tô. Cổ phiếu ngành này hầu hết đều giảm giá từ đầu năm 2018 đến nay. Trong đó HAX ghi nhận mức giảm mạnh nhất. 

Cổ phiếu HAX đã giảm mạnh từ 23.600 đồng/cổ phiếu (sau chia tách cổ phiếu vào tháng 3/2018) xuống còn 16.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm gần 31% so với thời điểm đầu năm.

Trong quý I/2018, HAX đạt doanh thu 980 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh, đạt 2,8 tỷ đồng, chỉ tương đương 8% lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó năm 2018, HAX đạt mục tiêu kinh doanh khá tham vọng với doanh thu dự kiến 5.184 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng, tăng trưởng 30% và 24,4% so với thực hiện năm 2017. So với kế hoạch, HAX mới chỉ hoàn thành 18,9% và 2,4% doanh thu và lợi nhuận sau quý đầu năm. Với kế hoạch này, tại mức giá kết phiên 18/6, HAX giao dịch với mức P/E dự phóng năm 2018 khoảng 4,9 lần.

Dù là đại lý ủy quyền của Ford Việt Nam, cổ phiếu CTF cũng nằm trong xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu CTF cũng giảm 20% từ đầu năm từ mức 23.400 đồng/cổ phiếu, giảm còn 18.700 đồng/cổ phiếu. Một trong những nguyên nhân đến từ tình hình tiêu thụ dòng xe Ford trong quý I/2018 sụt giảm.

Cổ phiếu SVC cũng đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2018, kết phiên 18/6, SVC đạt 45.800 đồng/cổ phiếu, giảm 11,7% so với thời điểm đầu năm.

Nhiều doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh chính sách trong ngành ô tô. Bước đi tiếp theo như thế nào là câu hỏi đầy trăn trở. Một số DN cho biết sẽ chuyển hướng sang tập trung vào khâu dịch vụ, bảo hành sữa chữa. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp nhóm này. 

Tin bài liên quan