Quý IV/2022, lợi nhuận ngành than tăng trưởng cao, vượt kỳ vọng

Quý IV/2022, lợi nhuận ngành than tăng trưởng cao, vượt kỳ vọng

Cổ phiếu than vẫn còn dư địa tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu khai thác than duy trì đà tăng giá từ trước Tết nhờ kết quả kinh doanh năm 2022 ấn tượng và triển vọng sáng năm 2023 từ việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.

Lợi nhuận vượt kỳ vọng

Trong năm 2022, giá nguyên vật liệu đầu vào như xăng, dầu, sắt thép, một số loại vật tư phải nhập khẩu… liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất than của nhiều đơn vị. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đầu năm tác động lớn đến lực lượng lao động của nhiều doanh nghiệp khai thác than, gây ảnh hưởng đến sản lượng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kết thúc năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn sản xuất được 39,4 triệu tấn than, tiêu thụ 46,5 triệu tấn (tiêu thụ trong nước 45,3 triệu tấn), tăng 8% so với kế hoạch. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt hơn 168.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ khi thành lập và tăng 28% so với năm 2021. Lợi nhuận đạt 8.100 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2021 và vượt gần 5.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

Năm 2023, TKV đặt mục tiêu đạt 168.800 tỷ đồng doanh thu, sản xuất và tiêu thụ than tương đương năm 2022. TKV cho biết, Tập đoàn sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp cho từng đơn vị để thực hiện sản xuất - kinh doanh ổn định, bảo đảm cung cấp đủ than cho các đối tác, bạn hàng theo hợp đồng dài hạn đã ký kết.

Trong đó, than cho điện không thấp hơn 38,5 triệu tấn, than cho sản xuất phân bón không thấp hơn 2,5 triệu tấn. Đồng thời, chủ động, linh hoạt trong công tác sản xuất và tiêu thụ than theo mô hình sản xuất và thương mại than, với phương châm vừa xuất khẩu than, vừa nhập khẩu than theo hướng sản xuất tối đa các loại than chất lượng cao.

Với Công ty cổ phần Than Mông Dương - Vinacomin (mã chứng khoán MDC), báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 cho thấy, doanh thu trong kỳ đạt 939 tỷ đồng, tăng 68,6%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 92,5 tỷ đồng, tăng 823% so với quý IV/2021. Lũy kế cả năm 2022, MDC đạt doanh thu 2.817 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế hơn 103 tỷ đồng, tăng 230% so với năm 2021.

Tương tự, Công ty Xuất nhập khẩu than (mã chứng khoán CLM) có kết quả kinh doanh quý IV/2022 ấn tượng khi đạt doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2022 hơn 13.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 391% và 393% so với cùng kỳ năm 2021. Về lợi nhuận, lãi sau thuế quý IV/2022 đạt 44 tỷ đồng, tăng 450% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm 2022 đạt 337 tỷ đồng, tăng hơn 1.000% so với năm 2021.

Một số doanh nghiệp khác ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý cuối năm 2022 như Than Cao Sơn (CST) lãi ròng 168 tỷ đồng, tăng 154%; Than Vàng Danh (TVD) lãi ròng 148 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; Than Hà Tu (THT) và Than Núi Béo (NBC) có lợi nhuận lần lượt tăng 96% và 70% so với cùng kỳ…

Kết quả kinh doanh ngành than vượt dự báo nên trong 2 tuần qua, nhóm cổ phiếu khai thác than liên tục tăng giá, kéo dài đà tăng từ trước Tết khi những kết quả kinh doanh đầu tiên của ngành được hé lộ. Trong đó, phiên giao dịch ngày 27/1/2022, một loạt cổ phiếu ngành than như NBC, TVD, THT, TDN, TC6, MDC, ITS... đồng loạt tăng giá trần.

Biến động giá nhóm cổ phiếu ngành than trong 3 tháng qua. Nguồn: Wichart.

Biến động giá nhóm cổ phiếu ngành than trong 3 tháng qua. Nguồn: Wichart.

Theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, hiện Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Đông Âu, Tây Âu là những thị trường nhập khẩu than, than đá lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, sản lượng than xuất sang Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 5% tổng nhu cầu, nên nước này phải nhập khẩu từ các nước khác như Úc và Nga. Hiện tại, Trung Quốc vẫn thiếu hụt than trầm trọng, đặc biệt là than dành cho ngành năng lượng, phát điện.

Trong năm 2022, giá hầu hết các mặt hàng nguyên liệu, trong đó có xăng, dầu, than, khí tự nhiên tăng khoảng 60%, do nhiều yếu tố như xung đột giữa Nga và Ukraine, dịch Covid-19 khiến Trung Quốc phong toả nhiều tỉnh, thành phố vì dịch Covid-19, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu...

Dự báo, năm 2023, giá than và các mặt hàng năng lượng sẽ giảm khoảng 11%, nhưng vẫn ở mặt bằng cao. Về sản lượng than, theo ông Kiên, trong năm nay sẽ tăng do nhu cầu từ Trung Quốc rất lớn và các thị trường khác đều ổn định về nhu cầu. Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, ngành than Việt Nam sẽ được hưởng lợi, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng than dự kiến được đẩy mạnh, doanh thu và lợi nhuận của các công ty than năm 2023 tiếp tục tăng trưởng.

Ông Kiên nhận xét, cổ phiếu ngành than vừa qua có đợt tăng giá mạnh, không ít mã tăng từ 100 - 150% sau 3 tháng, nhưng cổ phiếu ngành này vẫn còn dư địa tăng giá khoảng 20 - 30%, nhờ những tín hiệu kinh doanh tích cực năm 2023.

Các doanh nghiệp trong ngành than thường có cơ cấu cổ đông cô đặc, nên thanh khoản của cổ phiếu không cao, nhưng các doanh nghiệp lớn như Than Vàng Danh, Than Cọc 6, Than Núi Béo, Than Cao Sơn có khối lượng giao dịch từ 1 - 2 triệu cổ phiếu/phiên. Vì thế, ông Kiên cho rằng, cổ phiếu ngành than vẫn được nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ quan tâm.

TKV: Dấu hỏi quản lý tài chính

Trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán đối với TKV và nhận xét, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính - kế toán, đầu tư, mua sắm và quản lý, sử dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước của công ty mẹ TKV và các đơn vị được kiểm toán có những hạn chế, tồn tại.

Cụ thể, đối với nội dung quản lý nợ phải thu, phải trả, kết quả kiểm toán cho thấy, tình trạng quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi, phải trích lập dự phòng. Tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tính đến ngày 31/12/2021 của TKV là hơn 279,1 tỷ đồng, trích dự phòng nợ phải thu gần 238,3 tỷ đồng; đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, có trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán, chậm hoàn ứng theo quy định.

Về quản lý hàng tồn kho, có trường hợp chưa yêu cầu đơn vị giám định cung cấp các tài liệu thể hiện số lượng mẫu được lấy, sơ đồ lấy mẫu; chưa thực hiện kiểm định/hiệu chuẩn và đánh giá sai số của thiết bị đo mức tự động tại bể chứa xăng dầu; chưa thực hiện giám định độ ẩm lượng than sau khi nhập về kho, tiềm ẩn rủi ro chất lượng, độ ẩm hàng nhập kho.

Về quản lý doanh thu, thu nhập, có đơn vị chưa thực hiện kê khai giá bán than theo quy định; một số khách hàng chưa có hồ sơ đủ điều kiện hộ kinh doanh thương mại.

Về quản lý chi phí, giá thành sản xuất - kinh doanh, chưa ban hành đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật; chưa xây dựng, ban hành tỷ lệ hao hụt đối với công đoạn vận chuyển than theo từng cung độ vận chuyển, loại phương tiện, độ ẩm thực tế áp dụng; chưa cập nhật, xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu trên cơ sở định mức tiêu hao nhiên liệu TKV; định mức năng suất thiết bị, tiêu hao nhiên liệu đối với xe ô tô và máy xúc phục vụ công nghệ chưa gắn với năng suất hoạt động (tkm/h, tấn/h)...

Đối với việc quản lý các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, có đơn vị chưa kê khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng biếu, tặng; tính thiếu thuế thu nhập cá nhân; chưa loại trừ một số khoản chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; chưa giảm thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ cổ tức; trích Quỹ khoa học và công nghệ vượt quy định.

Trong quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, công ty mẹ TKV có một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả như đầu tư vào Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê... Ngoài ra, công ty mẹ TKV có sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng đối với 6 dự án đang được triển khai. Chẳng hạn, tiến độ một số hạng mục, công trình thực hiện chậm so với yêu cầu của hợp đồng, hay việc một số dự án lập tổng mức đầu tư chưa chính xác, thiếu cơ sở.

Năng lực sản xuất của ngành than Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu trong nước, nên hàng năm phải nhập khẩu số lượng lớn, nhưng vẫn thực hiện xuất khẩu than.

TKV dự kiến, từ nay đến năm 2025, mỗi năm, Việt Nam sẽ xuất khẩu gần 2 triệu tấn than chất lượng cao (trong nước không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không hết) và nhập về 70 - 75 triệu tấn than chất lượng kém hơn cho sản xuất công nghiệp (điện, phân bón, xi măng, luyện kim...).

Tin bài liên quan