Cổ phiếu thép sẽ vẫn nóng

Cổ phiếu thép sẽ vẫn nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh Trung Quốc - nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới cắt giảm sản lượng để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường và khủng hoảng năng lượng, các doanh nghiệp thép trong nước có thêm cơ hội gia tăng lợi nhuận.

Nhiều doanh nghiệp báo lãi tốt trong quý III

Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với doanh thu đạt 38.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.350 tỷ đồng, tăng lần lượt 56% và 170% so với cùng kỳ.

Trong quý III, các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến hoạt động xây dựng và sản xuất trong nước bị ngưng trệ. Tuy nhiên, do giá bán vẫn được duy trì ở mức cao và thị trường xuất khẩu tích cực, nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) ghi nhận doanh thu hợp nhất giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.141 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 127 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tất nhiên, kết quả này giảm 75% so với con số 532 tỷ đồng của quý trước đó.

Doanh nghiệp cho biết, sản lượng tiêu thụ quý III chỉ bằng 53% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá bán duy trì ở mức cao, giá vốn ở mức bình quân thấp giúp biên lợi nhuận tốt, đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí cố định và có lãi.

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) báo cáo doanh thu quý III/2021 là 3.084 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ; lãi sau thuế 9,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 414 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 9.634 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 142 tỷ đồng, vượt 190% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm, cao gấp 7 lần cùng kỳ.

Doanh nghiệp cùng ngành - Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với doanh thu thuần đạt 910 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi sau thuế đạt 106 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với cùng kỳ, nhưng lại giảm 46% so với quý II/2021.

Thép Thủ Đức – VNSteel (mã TDS) thậm chí lỗ 644 triệu đồng trong quý III, cùng kỳ năm ngoái lãi 2,1 tỷ đồng và quý liền kề trước đó lãi đến 34 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tình hình tiêu thụ rất chậm, giảm hơn nửa sản lượng tiêu thụ hàng tháng.

Nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa trở lại và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới vẫn chưa được cải thiện nên tiềm năng tăng trưởng của ngành thép vẫn được các yếu tố trên hỗ trợ. Nhóm ngành này vẫn còn hấp dẫn nhưng sự hấp dẫn này đã giảm đi nhiều, do khó có thể duy trì tốc độ tăng mạnh như thời gian qua.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Cùng với đó, chi phí sản xuất tăng cao nhưng sản lượng lại thấp, chi phí nguyên liệu tăng mạnh do khó khăn vận chuyển, thu gom khiến giá thành sản xuất cao. Mặt khác, tiêu thụ chậm cũng dẫn đến nguồn tài chính bị ảnh hưởng, thiếu hụt nguồn vốn, cần phải vay bổ sung vốn lưu động làm chi phí tài chính tăng.

Công ty cổ phần Thép Vicas – VNSteel (mã VCA) ghi nhận doanh thu giảm 4%, đạt 578 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp giảm từ 2,8% xuống 2%. Lợi nhuận sau thuế giảm 48% về gần 2 tỷ đồng.

Hoa Sen, Nam Kim… chưa công bố báo cáo tài chính quý VI năm tài chính 2020 - 2021. Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận sau thuế quý này sẽ tăng 110%, lên 950 tỷ đồng (quý II đạt 1.700 tỷ đồng).

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng tiêu thụ tôm mạ của HSG trong quý này đạt 425.776 tấn, giảm 12,7% so với quý trước đó. Riêng xuất khẩu đạt 383.000 tấn, chiếm 90% tổng sản lượng bán ra.

Doanh nghiệp thép tiếp tục hưởng lợi

Giá quặng sắt trên thị trường thế giới đang chịu áp lực giảm khi các nhà máy sản xuất thép tại 28 tỉnh, thành phố phía Bắc Trung Quốc sẽ phải cắt giảm công suất từ ngày 15/10/2021 đến 15/3/2022 nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trong bối cảnh nước này sẽ tổ chức Thế vận hội mùa Đông năm 2022 vào đầu tháng 2 năm sau.

Trước đó, thành phố Đường Sơn (Hà Bắc) - trung tâm sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lớn tại đây phải giảm mạnh công suất hoạt động kể từ cuối tháng 8/2021.

Được biết, sản lượng thép của Đường Sơn chiếm tới 14% tổng sản lượng thép của Trung Quốc, tương đương 8% tổng sản lượng thép toàn cầu.

Sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc trong tháng 8/2021 đã giảm lần lượt 12,2% so với cùng kỳ và thấp hơn 14,2% so với trung bình quý II/2021.

Cùng với đó, lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 9 chỉ đạt 95,6 triệu tấn, giảm so với mức 97,5 triệu tấn hồi tháng 8 trước đó.

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, tổng lượng quặng sắt được nước này nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Thêm vào đó, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng khiến các lĩnh vực sản xuất có mức tiêu thụ năng lượng lớn như sản xuất thép phải ngưng hoặc giảm mạnh hoạt động để đảm bảo điện cho các khu vực kinh tế khác.

Nguồn cung giảm quá nhanh đã khiến ngành thép Trung Quốc rơi vào tình trạng mất cân đối cung - cầu tạm thời. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn ít nhất đến hết quý IV/2021 khi sản lượng điện tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu được cải thiện trong thời gian tới.

Sản lượng và giá bán thép Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 8 - 9 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với giai đoạn tháng 5 - 7, cùng lúc thời điểm các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Trung Quốc bị yêu cầu cắt giảm công suất do thiếu điện.

Nhận định được đưa ra từ các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu thép xây dựng sang thị trường Trung Quốc lớn sẽ được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôn mạ cũng được hưởng lợi gián tiếp, khi áp lực cạnh tranh từ sản phẩm cùng loại của Trung Quốc tại các thị trường xuất khẩu khác giảm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 9/2021, sản lượng sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 2,4 triệu tấn, giảm 3,97% so với tháng 8/2021, tương đương với mức sản lượng cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 24,8 triệu tấn, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Về tiêu thụ thép các loại, trong tháng 9/2021 đạt 2,2 triệu tấn, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng năm 2021, tiêu thụ thép các loại đạt gần 22 triệu tấn, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về tình hình xuất khẩu thép, trong 8 tháng, xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt 10,6 triệu tấn, với trị giá trên 9 tỷ USD, tăng 40% về sản lượng và tăng gấp 2 lần về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Tập đoàn Hòa Phát là cái tên hàng đầu có thể hưởng lợi nhờ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ phôi thép của Công ty trong tháng 9 đạt 140.000 tấn, trong khi 4 tháng trước đó (5 - 8/2021) chỉ đạt 164.000 tấn. Tôn Hòa Phát cũng ghi nhận sản lượng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với gần 50.000 tấn, gấp 2 lần tháng trước. Sản phẩm ống thép Hòa Phát xuất khẩu tăng 50% so với cùng kỳ.

Thép Nam Kim (mã NKG) cũng ghi nhận sản lượng bán hàng tháng 8 đạt 86.299 tấn tôn mạ, tăng 14,3% so với tháng trước; xuất khẩu 80.610 tấn, tăng 30% so với tháng trước. Không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc, NKG và các doanh nghiệp cùng ngành còn xuất sang khu vực ASEAN, EU và Hoa Kỳ.

Cổ phiếu ngành thép liên tục tăng nóng trong thời gian qua và là một trong những nhóm ngành giao dịch sôi động nhất trên thị trường. Nhờ hưởng lợi từ giá thép thế giới và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn chưa được khắc phục, nhóm cổ phiếu ngành này vẫn được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tiếp tục tăng trong tương lai.

Tin bài liên quan