Cổ phiếu VND bị bán tháo

Cổ phiếu VND bị bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những thông tin đã được xác nhận cũng như đồn thổi về Trung nam Group, đơn vị phát hành trái phiếu liên quan nhiều đến VNDirect đã khiến cổ phiếu VND có phiên giao dịch đầy biến động và gây rúng động toàn thị trường.

Toàn phiên, này cổ phiếu VND khớp lệnh gần 106 triệu đơn vị, mức cao kỷ lục. Trong đó, có đến hơn 90 triệu đơn vị chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ ở nửa đầu phiên chiều.

Cổ phiếu này trong phiên sáng có thời điểm tăng nhẹ, và kết thúc phiên sáng cũng chỉ giảm nhẹ. Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ gia tăng ngay khi bắt đầu phiên chiều và tăng tốc khiến có lúc mã này đã giảm sản và đóng cửa mất 6,5% xuống 18.050 đồng/cổ phiếu.

Thông tin ảnh hưởng đến cổ phiếu VND có lẽ đến từ CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam, thành viên thuộc Trung nam Group vừa công bố dời ngày thanh toán lãi và gốc của lô trái phiếu TRECB2223001 từ ngày 30/6 sang 4/8/2023.

Lô trái phiếu TRECB2223001 được phát hành vào ngày 30/6/2022 với kỳ hạn một năm, khối lượng phát hành là 15 triệu trái phiếu với giá phát hành 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm. Tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu trên là CTCP Chứng khoán VNDirect (VND).

Ngoài lô trái phiếu TRECB2223001, doanh nghiệp này còn phát hành thêm một lô trái phiếu tổng giá trị 500 tỷ đồng, được phát hành ngày 14/10/2022 và đáo hạn 29/8/2024.

Theo CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam, lý do chậm thanh toán lãi là các nhà máy điện thuộc thuộc sở hữu của công ty đi vào vận hành thương mại (COD) cuối năm 2021 và vẫn đang trong giai đoạn cân chỉnh nên chưa vận hành tối đa công suất thiết kế.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng chung của điều kiện khí hậu cả nước, tốc độ gió thực tế trong năm 2022 thấp hơn mức trung bình dự kiến, khiến doanh thu các dự án điện gió không đạt theo kế hoạch.

Ngoài ra, những tin đồn chưa được kiểm chứng liên quan đến nhân sự của Trung nam Group cũng có thể đã góp thêm phần khiến cổ phiếu VND bị bán tháo ồ ạt và dứt khoát chỉ trong khoảng thời gian ngắn đến vậy.

Về diễn biến thị trường chung, sau phiên sáng giảm nhẹ, lực bán gia tăng ở khắp bảng điện tử, một phần do hiệu ứng từ cổ phiếu VND đã khiến VN-Index lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.120-1.125 điểm và giằng co quanh ngưỡng này cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HOSE chỉ còn 94 mã tăng và 339 mã giảm, VN-Index giảm 8,40 điểm (-0,74%), xuống 1.126,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 921,1 triệu đơn vị, giá trị 18.604,9 tỷ đồng, tăng hơn 14% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 50,5 triệu đơn vị, giá trị 1.312 tỷ đồng.

Một số bluechip nới đà giảm, với VHM dẫn đầu đà đi xuống -2,9% xuống 54.500 đồng và là lực cản lớn nhất đối với VN-Index, theo sau là VCB dù chỉ mất 1,3% xuống 100.700 đồng. Hai mã này “đóng góp” hơn 3 điểm tiêu cực đến chỉ số.

Các cổ phiếu VRE, VPB, NVL, PDR và STB mất từ 2% đến 2,7%. Các mã VIC và nhóm ngân hàng MBB, ACB, TCB, HDB, VIB giảm từ 1% đến 1,9%.

Cổ phiếu tích cực nhất là GVR khi +3% lên 20.700 đồng, còn HPG, MSN, BVH, TPB, SSI, VNM và GAS nhích nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, PTB và GIL đi ngược xu hướng thị trường, khi cả hai đều đóng cửa ở giá trần tại 52.000 đồng và 29.500 đồng, khớp lần lượt 2,41 triệu và 2,51 triệu đơn vị.

Tăng khá còn có DRH, DBC, BMI, DMC, TCH, MSH khi bật tăng 3% đến 3,9%, cùng cổ phiếu ngân hàng SSB +4,8% lên 28.600 đồng, khi được dự báo sẽ vào rổ VN30 trong kỳ cơ cấu tới.

Trái lại, ngoài cổ phiếu VND đáng kể nêu trên thì một cổ phiếu khác rất đáng chú ý là HVN, khi nới rộng đà giảm và lùi về giá sàn khi đóng cửa, -6,7% xuống 13.300 đồng, khớp hơn 8,63 triệu đơn vị.

Khá nhiều cổ phiếu khác chịu lực bán gia tăng và giảm mạnh như CII, QCG, EVG, TGG, LGL, HPX, CIG, PTL, TTB ở nhóm bất động sản, xây dựng, với mức giảm từ 4% đến gần 6%, với CII khớp lệnh cao nhất khi có hơn 15,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng trên sàn HOSE, khi HNX-Index rơi sâu hơn về vùng quanh 224 điểm và giằng co nhẹ cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 44 mã tăng và 138 mã giảm, HNX-Index giảm 2,76 điểm (-1,21%), xuống 225,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 109,1 triệu đơn vị, giá trị 1.698 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,5 triệu đơn vị, giá trị gần 198 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu APEC thêm một phiên khiến nhà đầu tư ‘nhói lòng’, khi 2 trong 3 cổ phiếu đều tìm về giá sàn, với IDJ -8,8% xuống 6.200 đồng, khớp 11,7 triệu đơn vị, APS -9,2% xuống 6.900 đồng, khớp 9,16 triệu đơn vị, cổ phiếu IPA ngược dòng +1,4% lên 7.000 đồng, khớp 2,89 triệu đơn vị.

Cổ phiếu IPA của CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A, đang nắm giữ gần 26% vốn tại VNDirect đã chịu ảnh hưởng liên đới và giảm sàn -9,7% xuống 14.000 đồng, khớp 2,12 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã lùi hẳn về dưới tham chiếu, nhưng biên độ giảm thấp hơn hai chỉ số chính khi lực cung giá thấp không xuất hiện nhiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,38%), xuống 85,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,8 triệu đơn vị, giá trị 606 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,4 triệu đơn vị, giá trị 81,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu phần lớn giảm nhẹ trong số những mã thanh khoản cao, như G36, QNS, LMH, OIL, DDV, AAS, SBS, C4G và BSR chỉ giảm khoảng 1% đến hơn 2%, với BSR khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có 8,46 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều mất điểm, với VN30F2307 giảm 8 điểm, tương đương -0,71% xuống 1.116 điểm, khớp lệnh hơn 163.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 60.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, với CFPT2210 phiên này hút giao dịch nhất khi có 1,83 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 5,9% xuống 320 đồng/cq, theo sau là CSTB2306 với 1,63 triệu đơn vị, giảm 1,8% xuống 2.760 đồng/cq, CFPT2303 khớp 1,56 triệu đơn vị và tăng khá +6,8% lên 630 đồng/cq.

Tin bài liên quan