Cổ phiếu “vua” trở lại

Cổ phiếu “vua” trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi giảm giá mạnh đã bật tăng trở lại. Cùng với nhiều “chất xúc tác”, nhóm cổ phiếu này được dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến khả quan.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu “vua” tiếp tục hồi phục tốt, nhất là các mã VCB, BID, STB, MBB, CTG, với mức tăng giá đạt trên dưới 10%.

“Các mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá do có yếu tố tích cực như lợi nhuận quý II/2022, thông tin dự kiến bán cổ phần hay hợp tác chiến lược…”, ông Đào Hưng, một nhà đầu tư chuyên nghiệp nhận định.

Thống kê của FiinTrade cho thấy, tính đến ngày 29/7/2022, có 812/1.712 doanh nghiệp và ngân hàng (chiếm 68,3% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn chứng khoán) đã công bố chính thức hoặc đưa ra ước tính kết quả kinh doanh cho quý II/2022. Trong đó, 23/27 ngân hàng có tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2022 tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 3/8/2022, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) và Công ty TNHH Chứng khoán Hana thuộc Tập đoàn Tài chính Hana của Hàn Quốc đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Đây là động thái tiếp theo Thỏa thuận đặt mua cổ phần (SSA) đã được hai bên ký kết vào tháng 3/2022, đó là BSC sẽ chào bán riêng lẻ 65.730.042 cổ phần cho Chứng khoán Hana, với giá 41.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị gần 2.695 tỷ đồng.

Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa BSC và Chứng khoán Hana khẳng định mối quan hệ đặc biệt, ngày càng chặt chẽ, sâu rộng giữa BIDV với Tập đoàn Tài chính Hana, Ngân hàng KEB Hana Bank sau khi hai bên hoàn tất thương vụ bán cổ phần nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam với giá trị gần 1 tỷ USD, đưa KEB Hana Bank trở thành nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 15% cổ phần BIDV vào năm 2019.

Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa BSC và Chứng khoán Hana khẳng định mối quan hệ đặc biệt, ngày càng chặt chẽ, sâu rộng giữa BIDV với Tập đoàn Tài chính Hana, Ngân hàng KEB Hana Bank

Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa BSC và Chứng khoán Hana khẳng định mối quan hệ đặc biệt, ngày càng chặt chẽ, sâu rộng giữa BIDV với Tập đoàn Tài chính Hana, Ngân hàng KEB Hana Bank

“Trong cuộc làm việc gần đây của Ban lãnh đạo Ngân hàng với những vị lãnh đạo cao cấp của đất nước, chúng tôi đã báo cáo về việc sau khi KEB Hana Bank trở thành nhà đầu tư chiến lược tại BIDV, lợi nhuận của BIDV hàng năm tăng trưởng tính bằng lần. Theo đó, việc trở thành đối tác chiến lược và thực thi các thỏa thuận hợp tác giữa BIDV và KEB Hana Bank, cũng như giữa BSC và Chứng khoán Hana trong thời gian tới sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam và làn sóng đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam”, một lãnh đạo cao cấp của BIDV chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa BSC và Chứng khoán Hana.

Nhà đầu tư Đào Hưng cho biết, ông khá lạc quan về cổ phiếu ngành ngân hàng trong ngắn hạn, bởi rủi ro từ nợ tái cấu trúc do dịch Covid-19 có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn, bởi tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao và lợi nhuận tiếp tục có triển vọng tăng.

“Tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong tính toán của tôi sẽ xung quanh mức 40%”, ông Hưng nói.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, giá cổ phiếu nhóm ngân hàng hiện vẫn thấp hơn từ 6 - 40% so với đầu năm. Theo đó, định giá của các ngân hàng thuộc phạm vi phân tích của SSI ở dưới mức trung bình 5 năm. Thậm chí, một số ngân hàng có chỉ số P/B thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm. Sự điều chỉnh này phản ánh môi trường lãi suất dần tăng lên và một phần lo ngại liên quan đến rủi ro nợ xấu.

“Rủi ro tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản chưa xuất hiện trong năm nay, do đó, chúng tôi cho rằng, khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh mạnh đối với cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 là không lớn, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (khi điều kiện thị trường thuận lợi) và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng vẫn có khả năng tăng trưởng tốt (đặc biệt là quý III/2022). Đây có thể là những động lực tích cực cho ngành ngân hàng trong ngắn hạn”, chuyên gia phân tích SSI nhận định.

Trong khi đó, BSC nhìn nhận, định giá nhóm ngân hàng vẫn hấp dẫn ở thời điểm hiện tại và khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn vào danh mục. Lợi nhuận cả năm 2022 của ngành ngân hàng được BSC dự báo tăng 36,4%, cao hơn mức dự báo tăng 22,2% trước đó, chủ yếu nhờ kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19. Cổ phiếu ngành này đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng lợi nhuận, cùng với nhiều “chất xúc tác” khác có thể giúp giá tăng vượt trội so với mặt bằng chung của VN-Index.

Tin bài liên quan