Các nhà đầu tư ngoại đang miệt mài mua vào các cổ phiếu ngân hàng còn room

Các nhà đầu tư ngoại đang miệt mài mua vào các cổ phiếu ngân hàng còn room

Cổ phiếu “vua” vẫn triển vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuy có sự điều chỉnh theo xu hướng chung của thị trường, nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá triển vọng khi lợi nhuận năm 2022 dự báo tăng trưởng khoảng 25-30% và mức độ bao phủ nợ xấu cao nhờ chủ động trích lập dự phòng rủi ro.

Nợ xấu tăng không đáng quan ngại

Nếu nhìn lại chúng ta có thể thấy, trong giai đoạn 2012, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng ở mức rất cao 17-20%, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu. Sau đó, khi nợ xấu giảm dần, giá cổ phiếu ngành này cũng dần đi lên.

Từ nửa cuối năm 2021 tới nay, nợ xấu theo quan điểm chung của nhiều người là đang trong xu hướng tăng, cũng là một phần nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ngân hàng không thể bứt phá. Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là hiện tại, nợ xấu tăng chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chứ không xuất phát từ nội tại các ngân hàng như giai đoạn trước. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã tăng rất mạnh, năm 2017 là 75% thì đến năm 2021 tăng lên 130%, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Trên thực tế, ngành ngân hàng đã có sự chuẩn bị cho câu chuyện nợ xấu, khi các nhà băng đều đã trích lập trước dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng tài sản cũng được các ngân hàng ngày càng chú trọng.

Không những vậy, ở Việt Nam, muốn vay tiền từ ngân hàng, phần lớn người đi vay phải có tài sản thế chấp. Lấy ví dụ, trong giai đoạn 2015-2018, nếu có 100 đồng tài sản thế chấp thì có thể vay được 70 đồng, nhưng từ năm 2019 tới nay, chỉ có thể vay được 58 đồng, cho thấy ngành ngân hàng đã thận trọng hơn khi giải ngân và chất lượng tài sản thế chấp cũng tăng lên nhiều, trong đó phần lớn là bất động sản.

Thực tế cho thấy, kinh doanh lĩnh vực ngân hàng không thể không phát sinh nợ xấu. Điều quan trọng là các ngân hàng kiểm soát rủi ro nợ xấu đó như thế nào. Trong đại dịch, để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, nhất là các doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng và thời gian kéo dài từ năm 2020 đến ngày 30/6/2022.

Trong khi đó, để hạn chế rủi ro trong hoạt động, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lộ trình trích lập dự phòng rủi ro trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2021 đối với các ngân hàng dành cho các khoản nợ tái cơ cấu, trong đó nhiều ngân hàng đã hoàn thành việc trích lập trước thời hạn. Mặt khác, nhiều ngân hàng cho biết, tiến độ trả nợ của khách hàng ngày một cải thiện sau dịch, giúp giảm nợ xấu.

Báo cáo tài chính quý I/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy lợi nhuận tăng trưởng tích cực khi được hoàn nhập nhiều khoản dự phòng rủi ro và nợ xấu giảm. Vì thế, việc nợ xấu của ngành ngân hàng tăng là khó tránh trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng không quá quan ngại khi các nhà băng đã tăng trích lập dự phòng.

Theo đó, cổ phiếu ngân hàng vẫn cần được chú ý. Năm 2022, nhóm ngành ngân hàng hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ như tăng trưởng tín dụng trên 15% (tín dụng của ngành cải thiện tích cực ngay từ quý đầu năm nay), nợ xấu có khả năng giảm mạnh, lợi nhuận được dự báo tăng trưởng khoảng 30%, bên cạnh các thông tin bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài, nới room ngoại… và với cổ phiếu “vua”, khi nợ xấu ở mức thấp thì giá cổ phiếu thường đi theo xu hướng tăng.

Không nên bỏ qua cổ phiếu “vua”

TS. Lê Anh Tuấn , Giám đốc Chiến lược đầu tư, Dragon Capital

TS. Lê Anh Tuấn , Giám đốc Chiến lược đầu tư, Dragon Capital

Nói về nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường, ngân hàng là một ngành rất thú vị. Nhiều nhà đầu tư cũng như các phương tiện thông tin đại chúng nhắc quá nhiều về nợ xấu và cho rằng, đây là lý do cổ phiếu của các nhà băng không thể đem lại hiệu quả đầu tư cao như kỳ vọng. Điều này hoàn toàn đúng với giai đoạn nửa cuối năm 2021, hiệu quả đầu tư của ngành ngân hàng rất thấp. Thực tế, khi lợi nhuận đã đạt đỉnh vào quý II/2021, sau đó nợ xấu tăng dần dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến lợi nhuận quý III/2021 sụt giảm so với quý liền trước do phải tăng trích lập dự phòng, kéo theo giá nhiều cổ phiếu tăng chậm, thậm chí đi lùi.

Nhưng sang năm 2022 sẽ khác, chu kỳ tăng giá của ngành ngân hàng diễn ra khi tăng trưởng tín dụng vượt 15%, lợi nhuận liên tục tăng tốc và tốc độ tăng trưởng trung bình ngành ở mức trên 30%. Thêm vào đó, thông tin về gói phục hồi và kích thích kinh tế trong giai đoạn 2022-2023 tập trung vào đầu tư công, cắt giảm thuế, phí và hỗ trợ lãi suất có thể sẽ sớm được công bố.

Với các gói hỗ trợ này, cùng với việc bắt đầu nối lại các đường bay quốc tế, Dragon Capital dự đoán tăng trưởng GDP 2022 sẽ nằm trong khoảng từ 6,1-9,6% tùy thuộc vào quy mô, cách triển khai và tính hiệu quả của các gói hỗ trợ. Trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam sẽ vào khoảng 7,5%. Điều này sẽ tác động tích cực lên hoạt động của ngành ngân hàng (triển vọng nới room ngoại) năm nay, cùng với ngành bán lẻ (do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh sau thời gian bị dồn nén bởi dịch) dự kiến là 2 nhóm ngành chủ đạo trong thời gian tới.

Giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đang rẻ hơn khoảng 25% so với mức bình quân 3 năm. Trong khi đó, năm 2022, lợi nhuận ngành này được dự báo tăng trưởng 25-30%, P/E toàn ngành là 9,4 lần (năm 2020 là 12 lần) cho thấy dư địa tăng giá còn nhiều.

Về định giá, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang rẻ hơn khoảng 25% so với mức bình quân 3 năm. Trong khi đó, năm 2022, lợi nhuận ngành này được dự báo tăng trưởng 25-30%, giá trị sổ sách khoảng 1,7 lần (thấp hơn năm 2020 là 1,9 lần), P/E toàn ngành ở quanh mức 9,4 lần (so với năm 2020 P/E là 12 lần) cho thấy dư địa tăng giá còn nhiều.

Một nhà phân tích tài chính cho rằng, định giá ngành ngân hàng Việt Nam hiện tại theo P/B (2,2x) dù cao hơn so với trung bình các nước trong khu vực (1,4x) nhưng vẫn thấp hơn so với đà tăng trưởng của chỉ số VN-Index và có ROE (21,3%) cao vượt trội so với các nước trong khu vực (12,8%). Tuy nhiên, dòng tiền có thể có sự phân hóa, các ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng cao, chất lượng tài sản tốt hoặc có các câu chuyện riêng về tăng vốn, ký kết bảo hiểm độc quyền… sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong 5 năm kể từ ngày có hiệu lực 1/8/2020, Việt Nam đã cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.

Có thể nói, cổ phiếu ngân hàng dường như bị “lãng quên” trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhưng theo Dragon Capital, nhóm cổ phiếu này vẫn đầy hứa hẹn. Bởi thực tế, ngân hàng vốn là “huyết mạch” của nền kinh tế và chiếm hơn 30% vốn hóa thị trường chứng khoán. Với quy mô 6-7 tỷ USD, trong danh mục đầu tư của Dragon Capital luôn có những cổ phiếu có thanh khoản và giá trị cao, bao gồm cả cổ phiếu ngân hàng. Khi nhìn vào những yếu tố này, có thể kết luận rằng, ngân hàng là một trong các nhóm ngành nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022.

Tin bài liên quan