Có thể lạc quan về tương lai của thị trường vốn Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường vốn Việt Nam phát triển rất nhanh trong hơn một thập kỷ qua, nhưng vấn đề cần ưu tiên nhất trong thời điểm hiện nay là nâng cao nhận thức về ESG (môi trường- xã hội- quản trị).
Có thể lạc quan về tương lai của thị trường vốn Việt Nam

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital chia sẻ về vấn đề này.

Ông nhận định thế nào về bức tranh tổng quan của thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) Việt Nam từ đầu năm đến nay?

Chúng ta đều có thể thấy rõ rằng, với những bất ổn toàn cầu, từ đầu năm đến nay, không có nhiều hoạt động M&A so với cùng kỳ các năm trước. Xu hướng này được thể hiện qua số liệu thống kê tại Diễn đàn M&A Việt Nam vừa được Báo Đầu tư tổ chức.

Nguyên nhân một phần là hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều gặp khó khăn, trong đó có Việt Nam. Nhưng tôi tin rằng, đây chỉ là yếu tố ngắn hạn và thị trường M&A sẽ có nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian tới.

ESG ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức. Theo ông, làm thế nào để các nhà đầu tư triển khai ESG vào chiến lược và danh mục đầu tư tại Việt Nam và làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức về ESG?

Nhìn chung, ESG là một thuật ngữ lớn và phức tạp. Các khoản đầu tư có yếu tố ESG có nghĩa là các khía cạnh được chú ý tới không chỉ là tài chính hay lợi nhuận, mà còn liên quan đến các trách nhiệm xã hội, môi trường. Đối với Dragon Capital, quản trị là một vấn đề lớn và chúng tôi đặc biệt chú trọng yếu tố này.

Nhiều công ty Việt Nam gặp phải những vụ việc không như mong muốn trong năm nay. Một trong những nguyên nhân là chưa đủ tập trung vào vấn đề quản trị doanh nghiệp. Để quản trị tốt, cần nhiều yếu tố như cách đưa ra quyết định, cách đo lường rủi ro, làm thế nào xây dựng kế hoạch.

Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng, từ biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường. Việc phổ biến và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ESG cần phải được tăng cường hơn nữa thông qua thảo luận, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, làm thế nào để doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tiếp cận nhiều dòng vốn hơn nữa?

Thị trường vốn Việt Nam phát triển rất nhanh trong 10 năm qua, thậm chí nhanh hơn bất kỳ các dự đoán của tổ chức hoặc chuyên gia nào. Do phát triển quá nóng, nên chúng ta đang giải quyết những căng thẳng kéo theo. Nhưng phải nhớ rằng, thị trường vốn vẫn ở đây và sẽ làm đúng chức năng là cung cấp vốn cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, hầu hết doanh nghiệp đều cần vốn trung và dài hạn. Ngân hàng có thể cung cấp các khoản vay phù hợp, nhưng phần lớn doanh nghiệp sẽ cần sự tiếp sức từ thị trường vốn. Vì vậy, chúng ta nên lạc quan về tương lai của thị trường vốn tại Việt Nam.

Những gì chúng ta nên làm là học hỏi từ bài học kinh nghiệm và tạo ra thị trường nơi mà các nhà đầu tư được giáo dục tốt hơn. Một thị trường vốn phát triển lành mạnh là nơi có các quy định dễ hiểu, dễ thực hành, nơi có những nhà đầu tư và tư vấn chuyên nghiệp, cũng như có sự tham gia của các công ty chứng khoán, tổ chức tư vấn đầu tư, quỹ hưu trí, các quỹ bảo hiểm.

Theo một thống kê trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2021, 93% nhà đầu tư là các nhà đầu tư cá nhân. Điều đó nhìn qua thì rất tốt cho các nhà đầu tư cá nhân, nhưng không tốt cho thị trường. Ở hầu hết thị trường phát triển khác, các nhà đầu tư chuyên nghiệp chiếm hơn 50%. Để giải quyết điều này thật không dễ, nhưng chúng ta phải xây dựng điều đó cho tương lai, bắt đầu bằng việc nâng cao kiến thức cho nhà đầu tư cá nhân.

Ông nhận xét gì về tình hình chung của khu vực Đông Nam Á?

Tôi đã nghe ai đó nói rằng, thế giới gần đây đã kết thúc một kỳ nghỉ 30 năm trong lịch sử. Trong 30 năm qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều điều tích cực trên thế giới sau kết thúc của chiến tranh lạnh. Thực tế, ngay trước khi chiến tranh lạnh kết thúc, đã có một cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản về việc điều tiết tiền tệ. Tôi không nghĩ 30 năm tới sẽ tích cực như vậy, nhưng “trong nguy có cơ”.

Sự trỗi dậy của châu Á cũng chính là sự trỗi dậy của Đông Á và thực tế bây giờ là sự trỗi dậy của Đông Nam Á. Trong rất nhiều năm, chúng ta đã nói về ASEAN và ASEAN luôn im lặng. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ rằng, Đông Nam Á đang được công nhận bởi nhiều cơ hội và tiềm năng.

Tin bài liên quan