“Có thời điểm cháy liên tiếp, tạo nên dư luận càng chỉ đạo nhiều thì cháy càng nhiều”

0:00 / 0:00
0:00
Tình hình cháy nổ trên phạm vi cả nước diễn biến rất phức tạp. Trong 8 tháng năm 2023 đã xảy ra 2.031 vụ cháy, tăng 38%, làm 83 người chết, tăng 48%.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

“Cơ quan chức năng đã ban hành rất nhiều chủ trương, biện pháp về phòng chống cháy nổ, nhưng kết quả chưa tương xứng với giải pháp, chủ trương đưa ra. Thậm chí có thời điểm xảy ra liên tiếp, tạo nên dư luận chúng ta càng chỉ đạo, càng nêu nhiều thì cháy càng nhiều…”.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu như trên tại phiên họp sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác tư pháp.

Bà Thanh nêu, tình hình cháy nổ trên phạm vi cả nước diễn biến rất phức tạp, 8 tháng năm 2023 đã xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38%), làm 83 người chết (tăng 48%).

Qua theo dõi, có thời điểm xảy ra liên tiếp các vụ cháy dẫn đến 3 - 4 người cùng một gia đình chết, bà Thanh nhấn mạnh.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, bà Thanh nêu con số, cả nước còn hơn 38.000 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy.

Các ngành đã ra rất nhiều văn bản, biện pháp mạnh chỉ đạo, nhưng số cơ sở đưa vào sử dụng còn vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy còn tương đối nhiều, bà Thanh nhận xét và cho rằng, cần phải tiếp tục tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao số lượng cơ sở vi phạm còn nhiều như vậy.

Cần đánh giá kỹ hơn nguyên nhân và hiệu quả các giải pháp trong phòng chống cháy nổ thời gian qua. “Cơ quan chức năng đã ban hành rất nhiều chủ trương, biện pháp về phòng chống cháy nổ nhưng kết quả chưa tương xứng với giải pháp, chủ trương của chúng ta đưa ra. Thậm chí có thời điểm xảy ra liên tiếp, tạo nên dư luận chúng ta càng chỉ đạo, càng nêu nhiều thì cháy càng nhiều…”, bà Thanh nói.

Tại báo cáo phục vụ phiên thảo luận, về công tác phòng cháy, chữa cháy, Chính phủ cho biết, Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phòng, cháy, chữa cháy, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cơ quan chức năng cũng tổ chức tổng rà soát toàn quốc các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết xử lý các vi phạm; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định, nghiệm thu và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọngm cũng được đẩy mạnh bên cạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn cơ sở.

Quyết liệt tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang triển khai, hoạt động có vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, báo cáo của Chính phủ nêu.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp. Trong kỳ báo cáo, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), làm 83 người chết (tăng 48,21%), 74 người bị thương (tăng 5,71%), thiệt hại 637 tỷ đồng (giảm 30,37%); xảy ra 8 vụ nổ (giảm 60%), làm 5 người chết (giảm 58,3%), 21 người bị thương (tăng 50%), thiệt hại 50 tỷ đồng (giảm 99%).

Chính phủ cũng nhìn nhận nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn... Qua rà soát toàn quốc hiện còn khoảng 38.140 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, khó có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.

Tin bài liên quan