Nắm được đầy đủ thông tin nên cổ đông ngoại không "sốt ruột" với kết quả kinh doanh "chậm mà chắc" của VIB

Nắm được đầy đủ thông tin nên cổ đông ngoại không "sốt ruột" với kết quả kinh doanh "chậm mà chắc" của VIB

Cổ tức cao, nhưng quản trị ngân hàng cần phải minh bạch

(ĐTCK) Mối quan tâm hàng đầu của cổ đông ngân hàng hiện nay không chỉ là việc ngân hàng chia cổ tức bao nhiêu, bằng tiền mặt hay cổ phiếu, các kế hoạch hoạt động, mà còn là tính minh bạch - cơ sở cho sự phát triển lâu dài, bền vững.

Với Văn bản 1601/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước về thí điểm tiến hành tuân thủ Basel II, 10 tổ chức tín dụng đang thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn và hướng dẫn Basel II vào năm 2018 - 2020. Bên cạnh đó, có một số ngân hàng không được lựa chọn nhưng vẫn chủ động triển khai áp dụng bộ chuẩn mực này.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, điều các cổ đông chờ đợi là việc được triển khai và áp dụng hợp lý Basel II không chỉ giúp các ngân hàng nội địa vận hành an toàn hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, mà còn giúp cải thiện tính minh bạch với việc đề ra các yêu cầu về công bố thông tin như hồ sơ rủi ro và chính sách quản lý rủi ro.

“Điều này sẽ cho phép cổ đông, nhà đầu tư có đánh giá chính xác hơn về hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến trình triển khai Basel II đang chậm hơn đáng kể so với kỳ vọng. Và có lẽ, chỗ dựa duy nhất của nhà đầu tư là trông đợi vào những ngân hàng có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tìm kiếm sự minh bạch trong thông tin”, TS. Hiếu nhận định.

Đáng chú ý là, nhiều cổ đông ngoại đầu tư vốn với tư cách là nhà đầu tư chiến lược với một số ngân hàng Việt Nam đã “dứt áo” ra đi sau một thời gian gắn bó. Gần đây nhất, đầu năm 2018, thị trường khá bất ngờ trước thông tin Tập đoàn BNP Paribas đã thoái toàn bộ vốn góp khỏi OCB.

Cũng đầu năm nay, Standard Chartered Bank chấm dứt vai trò nhà đầu tư chiến lược sau hơn 12 năm đầu tư tại ACB. Trước đó, năm 2017, thị trường cũng chứng kiến HSBC thoái vốn khỏi Techcombank cũng sau gần 12 năm gắn bó và năm 2012, ANZ thoái vốn khỏi Sacombank…

Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng này, một số ngân hàng Việt Nam vẫn đang tiếp tục được đầu tư từ đối tác nước ngoài. Trong đó, mối “lương duyên” của VIB với nhà đầu tư chiến lược CBA được thị trường đánh giá vẫn rất êm ấm.

Năm 2011, CBA đầu tư thêm 1.150 tỷ đồng vào VIB, nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% vốn điều lệ của VIB thì đến giữa năm 2017, VIB và CBA đã tăng cường quan hệ đối tác chiến lược thông qua việc CBA chuyển giao toàn bộ hoạt động của CBA - Chi nhánh TP.HCM cho VIB.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán tại Đại hội đồng cổ đông 2018 của VIB hôm 29/3 về việc CBA có cảm thấy “sốt ruột” bởi tăng trưởng của VIB không mạnh bằng một số ngân hàng cùng quy mô, ông Coenraad Johannes Jonker, Giám đốc điều hành cao cấp Khối Ngân hàng Điện tử tại CBA Hồng Kông, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị VIB cho biết, cân bằng giữa quy mô và chất lượng là lựa chọn phù hợp với VIB. CBA cũng đồng tình với chủ trương tăng tốc độ tăng trưởng chỉ khi thấy hoạt động đã được đảm bảo rất hiệu quả.

“Việc bán CBA - Chi nhánh TP.HCM cho VIB là một trong những động thái thể hiện sự quan tâm sâu sắc của CBA vào VIB. Chiến lược của CBA đối với VIB trong thời gian tới là tiếp tục mục tiêu tăng vốn điều lệ cũng như thúc đẩy VIB lên sàn chứng khoán”, ông Coenraad Johannes Jonker nhấn mạnh.

Được biết, không chỉ đầu tư vốn, CBA còn thực hiện chương trình “chuyển giao năng lực” nhằm giúp VIB nâng cao hơn nữa năng lực điều hành và kinh doanh, quản lý rủi ro và tăng cường sức mạnh cạnh tranh. Theo đó, CBA có một đại diện trong Ban Kiểm soát, hai đại diện trong Hội đồng quản trị và nhiều chuyên gia đang làm việc tại VIB trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm: Ngân hàng bán lẻ, quản lý rủi ro, phát triển nhân sự, công nghệ thông tin, hoạt động nguồn vốn và tài chính…

Một lãnh đạo cao cấp VIB cho biết, số lượng chuyên gia CBA làm việc tại VIB sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo. CBA và VIB cũng sẽ tăng cường hoạt động trao đổi nhân sự giữa hai bên nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đưa VIB trở thành tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán quốc tế nhận định: “Giai đoạn khủng hoảng của hệ thống ngân hàng vừa qua, VIB là một trong số những ngân hàng hiếm hoi chịu tác động ít nhất, bởi Ban lãnh đạo đã có những thay đổi trong quản trị kịp thời và phù hợp”.

Việc Ngân hàng lựa chọn chiến lược tăng trưởng chậm và chắc chắn, cổ đông chiến lược không những không “sốt ruột”, mà còn ủng hộ VIB cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã có đầy đủ thông tin về hoạt động ngân hàng trên nền tảng cơ cấu quản trị minh bạch với nhiều thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành là người nước ngoài. Song song với đó, lợi thế có nhiều chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính làm việc sẽ là nền tảng vững chắc để VIB sẽ có những bước đi đột phá.

Tin bài liên quan