Coi thúc đẩy ODA, FDI là nhiệm vụ ưu tiên

Coi thúc đẩy ODA, FDI là nhiệm vụ ưu tiên

(ĐTCK) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đại sứ Việt Nam tại các nước coi việc thúc đẩy FDI và đầu tư vào Việt Nam là một trong các nhiệm vụ hàng đầu.

Coi thúc đẩy ODA, FDI là nhiệm vụ ưu tiên  ảnh 1

Ông Phạm Bình Minh

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Tình hình kinh tế, chính trị - an ninh thế giới và khu vực năm 2011 với những biến động phức tạp, đã và đang tác động nhiều mặt và nhiều chiều tới an ninh và phát triển của Việt Nam. Dù vậy, mặt thuận lợi là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế nổi trội.

Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động; các nước lớn quan tâm hơn tới khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Thành tựu ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao qua hơn 25 năm đổi mới, đường lối đúng đắn của Đại hội XI là tiền đề quan trọng cho công tác đối ngoại.

Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI, Việt Nam đã triển khai tích cực nhiều hoạt động đối ngoại, cả song phương và đa phương. Đặc biệt, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao tới các nước láng giềng, khu vực và các nước đối tác quan trọng, cùng sự tham gia tích cực tại các hội nghị quốc tế và khu vực quan trọng (APEC, ASEM, ASEAN, EAS…) đã đem lại nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, đưa quan hệ với các nước đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn; đồng thời, nâng tầm quan hệ với một số đối tác quan trọng khác, cũng như khẳng định sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế và khu vực.

Việt Nam đã triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, phát huy thế mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó có các hoạt động đối ngoại của Đảng, Quốc hội, đối ngoại quốc phòng – an ninh, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và ngoại giao nhân dân, tạo chuyển biến sâu rộng và tác động cộng hưởng, góp phần quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại năm 2011.

Trước những tác động không thuận lợi của kinh tế thế giới, ngoại giao kinh tế năm 2011 đã được đẩy mạnh, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Công tác bảo hộ công dân, kiều dân tại các nước được đặc biệt coi trọng, khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Các lĩnh vực ngoại giao văn hóa, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin tuyên truyền đối ngoại, đấu tranh ngoại giao trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong thời gian tới, hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn; tuy nhiên, tình hình thế giới và các khu vực tiếp tục xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp mới, khó lường như những diễn biến gần đây ở Trung Đông - Bắc Phi, thảm họa thiên tai ngày càng tăng với cường độ lớn, khủng hoảng kinh tế - tài chính chưa được khắc phục... An ninh phi truyền thống vẫn là những thách thức cho phát triển. Trước những khó khăn của thời đại, các nước lớn, trung tâm kinh tế lớn có xu hướng cải cách, tái cơ cấu và điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời cũng gia tăng gay gắt cạnh tranh giữa các nước và các trung tâm này. Xu hướng liên kết, tập hợp lực lượng mới cũng đang nổi lên, tạo khó khăn mới cho các nước nhỏ và vừa như Việt Nam .

Vì vậy, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 được tổ chức giữa tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành ngoại giao, trong năm 2012, tiếp tục làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, khai thác có hiệu quả thế mạnh của các đối tác truyền thống, nhất là đối với các đối tác chiến lược, quan trọng trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ đất nước. Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao hoàn thành việc xây dựng Chiến lược Tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2012, trong đó có chiến lược hợp tác với từng quốc gia, từng khu vực về xuất nhập khẩu, đầu tư… và có chiến lược đàm phán FTA mới với các đối tác hàng đầu thế giới, để tranh thủ nguồn lực lớn hơn cho phát triển. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của FDI đối với phát triển các ngành công nghệ cao, yêu cầu Đại sứ Việt Nam tại các nước coi việc thúc đẩy FDI và đầu tư vào Việt Nam là một trong các nhiệm vụ ưu tiên.

 

Coi thúc đẩy ODA, FDI là nhiệm vụ ưu tiên  ảnh 2

 Năm 2012, ngành ngoại giao triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, tận dụng tối đa cơ hội, tích cực xử lý và hóa giải các thách thức mới

 

Về kinh tế đối ngoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý ngành ngoại giao cần phối hợp làm tốt công tác mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa, thị trường lao động, du lịch..., gắn với đó là đấu tranh với các hoạt động bảo hộ, chống bán phá giá, đồng thời tiếp tục vận động ODA để đầu tư hạ tầng, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực hàm lượng chất xám cao; tăng cường thực hiện các biện pháp để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác có hiệu quả các thị trường có FTA để tăng nhanh xuất khẩu, đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, trong năm 2012, ngành ngoại giao sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, tận dụng tối đa các cơ hội, nhằm tích cực xử lý và hóa giải các thách thức mới, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.

Toàn ngành tiếp tục phát huy nội lực của đất nước, sức mạnh của toàn dân; triển khai quyết liệt, có hiệu quả hơn nữa ngoại giao song phương trên cơ sở xác định rõ các ưu tiên về khu vực, đối tác, lĩnh vực, biện pháp. Phát huy thành công của ngoại giao đa phương, Việt Nam sẽ tăng cường đóng góp thực chất, đặc biệt là những sáng kiến giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực theo phương châm “là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Triển khai đồng bộ, nhịp nhàng các hoạt động ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương thông qua các hoạt động đối ngoại của Đảng, của Quốc hội, đối ngoại quốc phòng, an ninh và ngoại giao nhân dân.

Ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa sẽ tiếp tục được thúc đẩy, trên tinh thần vừa là một trong những trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, vừa là kênh quan trọng thúc đẩy phát triển, hội nhập của đất nước; đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị và những quy định luật pháp Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế. Chú trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, để có thể đề xuất và triển khai những hoạt động đối ngoại, ứng phó kịp thời có hiệu quả nhất với mọi biến động trong bối cảnh toàn cầu hóa, quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ.